Nhà máy thép kêu trời vì ‘bụi’ thép quá nhiều
Fuco, một trong những nhà máy thép lớn của khu công nghệ Phú Mỹ 2 cho hay, đang bất lực trước tình trạng “quá tải” của kho chứa bụi thép.
Ðây là chất thải sản sinh trong quá trình luyện phôi thép tại nhà máy. Chất thải độc hại này đã đầy kho của công ty thép Fuco, hầu như vượt khỏi tầm kiểm soát.
Báo Tiền Phong dẫn lời ban giám đốc công ty Fuco nhìn nhận rằng, đây là loại chất thải cực độc, gây ô nhiễm môi sinh trầm trọng. Bởi lý do này, chất thải luôn được đóng thành bao, cất giữ trong kho của nhà máy sau mỗi quy trình sản xuất thép, trong điều kiện bảo đảm an toàn.
Trong thời gian gần đây, những người đứng đầu nhà máy đã lên tiếng báo động về tình trạng quá tải của kho chứa chất thải. Ban giám đốc nhà máy Fuco còn báo nguy rằng, tình trạng quá tải sắp đến mức báo động.
Theo đúng qui trình, chất thải được công ty khai thác chế biến xuất-nhập cảng khoáng sản Việt Nam thu nhận, chuyển về một nhà máy ở Hải Dương. Thế nhưng, cho đến nay thì công ty này chưa nói gì đến việc vận chuyển số chất thải khổng lồ đầy ắp trong các kho nhà máy. Những người đứng đầu công ty Fuco cảnh cáo rằng nhà máy sẽ có thể phải ngừng sản xuất. Nếu tiếp tục, lượng chất thải sẽ vượt qua mức cho phép.
Một nhà máy sản xuất thép khác là Posco SS-Vina của Hàn Quốc cũng đang lâm vào tình trạng nguy hiểm như trên. Với mật độ sản xuất 1 triệu tấn phôi thép/1 năm, khối lượng chất thải được sản sinh sau quá trình sản xuất trung bình là 70,000 tấn/năm. Công ty Posco cũng đang bó tay trong việc tìm các đơn vị hợp tác để giải quyết số bụi thép thải ra. Nếu tình trạng này “giậm chân tại chỗ,” ban giám đốc nhà máy Posco dọa rằng, sẽ không thể tiếp tục hoạt động từ tháng 10 năm 2014.
Cũng theo báo Tiền Phong, công ty Thép Miền Nam hiện là nhà máy đang chịu chung số phận. Báo này nói rằng, các nhà máy trên cùng với thêm 5 nhà máy thép lớn ở Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây đều có ký hợp đồng để giao cho công ty khai thác chế biến xuất-nhập cảng khoáng sản Việt Nam giải quyết bụi thép.
Nhưng từ hơn một năm nay, công ty này chưa được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường gia hạn giấy phép hoạt động. Trong khi đó, hàng chục ngàn tấn chất thải nghẹt cứng kho của các nhà máy thép, chất chồng ngày càng cao ngất ngưỡng.
Kêu cứu vì chất thải nguy hại không biết để đâu
TP – Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) là trung tâm sản xuất thép lớn nhất nước với gần 10 nhà máy thép hoạt động, tổng công suất trên 4 triệu tấn thép/năm. Thế nhưng các nhà máy thép vừa đồng loạt gửi văn bản tới cơ quan chức năng “kêu cứu”, bởi hàng chục ngàn tấn bụi thép phát sinh từ các nhà máy không thể xử lý.
Theo Ban Giám đốc Công ty thép Fuco (KCN Phú Mỹ 2), nhà máy sử dụng công nghệ lò điện hồ quang với nguyên liệu đầu vào là sắt thép phế liệu để luyện thành phôi thép với công suất 1 triệu tấn/năm.
Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT), trong lúc chờ chuyển giao bụi thép (chất thải nguy hại) cho Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam vận chuyển về Hải Dương xử lý, Fuco đã thu gom, đóng bao và chứa trong nhà có mái che, tường kín bao quanh, nền bê tông, đảm bảo lưu giữ an toàn theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Hiện kho chứa của nhà máy đã gần đầy, trong khi đó, Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đến thời điểm này không có động thái nào chứng tỏ sẽ tiếp nhận nguồn chất thải này. Sản xuất thép của Fuco đang gặp khó vì nhà kho chứa bụi gần quá tải và nếu tiếp tục sản xuất sẽ bị đặt vào tình trạng vi phạm
pháp luật.
pháp luật.
Công ty TNHH POSCO SS-VINA (100% vốn Hàn Quốc), xây dựng nhà máy thép tại Tân Thành với công suất 1 triệu tấn phôi thép và 1 triệu tấn thép hình, thép thanh/năm.
POSCO hiện không tìm được đối tác xử lý chất thải của nhà máy, khoảng 70 ngàn tấn/năm. Công ty này cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh BR-VT và Sở TN&MT nêu khó khăn trong việc tìm nhà xử lý chất thải để tới tháng 10/2014 POSCO có thể đi vào sản xuất.
POSCO SS-VINA đề nghị UBND tỉnh BR-VT hỗ trợ tìm kiếm đơn vị có chức năng và năng lực xử lý được chất thải, hoặc sớm tiến hành kêu gọi nhà đầu tư xử lý bụi thép để nhà máy chủ động chuyển giao bụi thép.
Còn Công ty Thép Miền Nam (chủ đầu tư Nhà máy thép Phú Mỹ), đang phải gồng mình “gánh” loại chất nguy hại là bụi lò hơn một năm nay. Họ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh BR-VT và cơ quan chức năng liên quan đề nghị hỗ trợ xử lý bụi thép. Hiện nhà kho của công ty này đã chứa khoảng 10.000 tấn chất thải nguy hại và đang quá tải.
Trước đó Công ty thép Miền Nam đã ký hợp đồng với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam xử lý chất thải nguy hại nhưng hơn một năm nay, Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam vẫn chưa được Bộ TN-MT gia hạn giấy phép vận chuyển và xử lý nguồn chất thải này nên kho của nhà máy ngày càng đầy.
Được biết, 5 nhà thép trên địa bàn BR-VT đã ký hợp đồng với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam để vận chuyển bụi lò về nhà máy của công ty này tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xử lý.
Hiện Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam vẫn chưa được Bộ TN&MT cấp phép hành nghề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại nên kho chứa chất thải của các nhà máy thép tại BR-VT quá tải khiến hàng trăm nghìn tấn bụi thép tại BR-VT chưa có phương án giải quyết.
Dự báo của Sở Công Thương BR-VT cho hay, nếu trong thời gian tới BR-VT không thu hút được doanh nghiệp hoạt động xử lý, tái chế chất thải phát sinh từ nhà máy thép, các nhà máy này sẽ gặp khó khăn trong lưu giữ chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
15 giờ ngày 15/9, hơn 100 hộ dân 2 xã Hắc Dịch và Mỹ Xuân (Tân Thành, BR-VT) đã kéo đến nhà máy thép Đồng Tiến yêu cầu nhà máy này ngưng xả thải. Ông Lê Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Hắc Dịch cho biết, vì quá bức xúc trước việc nhà máy thép Đồng Tiến liên tục xả khói gây ô nhiễm nên người dân đã yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động. Trước đó, ngày 10/9, các cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường đã tiến hành khảo sát tại nhà máy thép Đồng Tiến ghi nhận, hệ thống xử lý khí thải của nhà máy này thường xuyên xảy ra sự cố. Trong khuôn viên nhà máy có lượng lớn bụi lò thép chứa trong bao để ngoài không mái che, vỏ bao đã mục rách.
Chất thải độc hại ngành thép đi đâu? – Bài 1: Bụi lò tồn đọng không nơi xử lý
Các chất thải phụ phẩm của ngành thép như xỉ thép, bụi lò và đất phế liệu có chứa nhiều thành phần độc hại như chì, kẽm, thủy ngân, asen…
Thế nhưng tại Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), địa phương có nhiều nhà máy sản xuất phôi thép cho ra hàng trăm ngàn tấn phụ phẩm thì chưa rõ số phụ phẩm có hại cho sức khỏe, môi trường này đi đâu. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất đang ùn ứ hàng chục ngàn tấn phụ phẩm chưa xử lý…
Sau những cơn mưa lớn vào cuối tháng 6, đầu tháng 7-2013, người dân gần các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh BR-VT càng lo về tình trạng các chất độc hại từ bụi thép (bụi phát sinh từ lò luyện phôi thép, còn được gọi là bụi lò) phát tán ra môi trường ngày càng nhiều.
Bụi thép bỏ vãi ngoài trời
“Nghe nói bụi thép rất độc hại, vậy mà họ lại cứ để hàng đống ngoài trời cho gió cuốn hoặc theo nước mưa xuống các mương thoát nước. Đất đai, con người nhiễm độc như chơi” – nhiều người dân sống gần các nhà máy thép ở Khu công nghiệp Phú Mỹ I (huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT) lo lắng nói. Người dân cho biết từ năm 2012 đến nay, họ đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng tỉnh BR-VT về tình trạng khói bụi từ các nhà máy thép phát tán gây ô nhiễm nhưng tình hình vẫn chưa thấy cải thiện.
Trong vai người mua phế liệu, chúng tôi vào bên trong các nhà máy thép Phú Mỹ, Pomina 2, Pomina 3 (Khu công nghiệp Phú Mỹ I). Tại Nhà máy Pomina 3, bụi lò chất hàng đống, để ngổn ngang ngoài trời. Theo công suất thiết kế, lượng bụi lò phát sinh tại nhà máy này có thể lên đến 20.000 tấn/năm. Ở các nhà máy khác, bụi lò không chỉ chứa đầy trong nhà kho mà còn để tràn lan khắp các nơi trong khuôn viên nhà máy.
Tại Nhà máy thép Đồng Tiến (Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1), bụi lò cũng để hàng đống ngoài trời, không có mái che. Do để lâu ngày ngoài trời, nhiều bao đựng bụi lò ở các nhà máy thép nói trên đã bị mục, rách cho gió, mưa phát tán ra môi trường.
Hiện BR-VT có năm nhà máy đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy thép Pomina 2, Pomina 3, Nhà máy thép Phú Mỹ, Đồng Tiến và Nhà máy thép FUCO. Các nhà máy này đều luyện phôi thép bằng công nghệ lò điện hồ quang. Tổng công suất luyện thép theo thiết kế của năm nhà máy hơn 3,2 triệu tấn/năm. Tổng lượng bụi lò phát sinh khoảng 65.000 tấn/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây các nhà máy thép có ký hợp đồng chuyển giao bụi lò cho Công ty TNHH Khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là Công ty Khoáng sản Việt Nam) xử lý. Tuy nhiên, từ tháng 6-2012, Công ty Khoáng sản Việt Nam đã ngưng thu gom nên toàn bộ lượng bụi lò phát sinh tại các nhà máy thép phải lưu chứa tạm trong kho, kho hết chỗ thì để ngoài trời.
Ô nhiễm môi trường: Khó tránh
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết theo quy định tại Thông tư số 12/2011 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), bụi phát sinh từ hệ thống lọc bụi của lò luyện phôi thép nằm trong danh mục CTNH. Do đó, khi chưa chứng minh được bụi lò không phải là CTNH thì phải quản lý nó như CTNH.
Tiếp đến, trong kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2013 do UBND tỉnh BR-VT ban hành (22-5-2013), Sở TN&MT yêu cầu các nhà máy thép phải quản lý bụi lò thép theo quy định đối với CTNH. “Nếu đã xác định bụi lò là CTNH thì các nhà máy thép phải ký hợp đồng chuyển giao chất thải này cho các đơn vị có chức năng xử lý. Khi chưa có nơi xử lý, phải lưu giữ tạm tại nhà máy thì phải có nhà kho, đảm bảo các điều kiện theo quy định về lưu chứa CTNH. Việc để bụi lò tràn lan ngoài trời làm phán tán ô nhiễm ra môi trường là sai, cần phải xử lý” – một cán bộ thanh tra của Tổng cục Môi trường phân tích.
Theo Sở TN&MT tỉnh BR-VT, đến đầu tháng 6-2013, lượng bụi lò đang lưu giữ tại năm nhà máy thép đã gần 13.000 tấn và chưa có giải pháp xử lý theo quy định.
“Hiện lượng chất thải phát sinh từ các nhà máy thép đang gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý môi trường của địa phương… Các kho lưu giữ bụi lò đã quá tải, một lượng lớn bụi lò phải để ngoài trời, không đảm bảo quy định, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp kịp thời” – Sở TN&MT tỉnh BR-VT nhìn nhận trong báo cáo gửi Tổng cục Môi trường trong tháng 6-2013.
Độc hại từ bụi lò
Theo nhiều tài liệu khoa học, công nghệ luyện thép lò điện hồ quang sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu sắt, thép. Nguồn phế liệu này được thu gom từ nhiều nguồn thải khác nhau như xác xe ô tô cũ, thiết bị công nghiệp, điện tử… Đây là những phế liệu có chứa nhiều tạp chất như kẽm, chì, thậm chí cả thủy ngân, asen. Do đó, trong thành phần bụi thép cũng có chứa nhiều kim loại nặng độc hại.
Phụ phẩm độc hại ngành thép đi đâu? – Bài 2: Xỉ thép đổ bừa, đất phế ngổn ngang
Tạp chất từ phế liệu lại chưa được quản lý. Công an đang làm rõ việc mang xỉ thép đi san lấp trái phép.
Trên số báo trước, chúng tôi nêu thực trạng ở Bà Rịa-Vũng Tàu tồn đọng hàng trăm ngàn tấn bụi thép chưa có nơi xử lý. Cạnh đó, xỉ thép và đất phế (tạp chất từ phế liệu) phát sinh từ các nhà máy thép trên địa bàn cũng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát.
Xỉ thép nhiều, xử lý ít
Theo công suất thiết kế, năm nhà máy thép đang hoạt động tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gồm: Nhà máy thép Pomina 2, Pomina 3, Nhà máy thép Phú Mỹ, Đồng Tiến và Nhà máy thép Fuco) phát sinh khoảng 650.000 tấn xỉ thép/năm. Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện các nhà máy đang hợp đồng chuyển giao xỉ thép cho Công ty TNHH Vật Liệu Xanh (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Vật Liệu Xanh, dù đã ký hợp đồng nhưng trong thời gian qua, chỉ có hai nhà máy thường xuyên giao xỉ thép là Pomina 2 và Nhà máy thép Phú Mỹ. Những nhà máy còn lại chuyển giao rất ít, xỉ thép còn lưu giữ xỉ tại nhà máy hoặc đưa đi đâu không rõ. Đơn cử, theo công suất thiết kế, Nhà máy thép Pomina 3 phát sinh đến 200.000 tấn xỉ/năm nhưng trong năm qua nhà máy này chỉ giao cho Công ty Vật Liệu Xanh khoảng 1.000 tấn. Vậy xỉ thép còn lại đi đâu?”.
Đầu tháng 6-2013, trong báo cáo gửi Tổng cục Môi trường về tình hình phát sinh chất thải từ các nhà máy thép, Sở TN&MT cho biết số xỉ thép các nhà máy đã chuyển giao cho Công ty Vật Liệu Xanh khoảng 110.6440 tấn. Khối lượng xỉ thép đang lưu giữ tại các nhà máy còn hơn 35.000 tấn. “Việc lưu giữ xỉ thép tại các nhà máy chưa đúng quy định, xỉ thép còn để ngoài trời, chưa có mái che, nước mưa chảy tràn qua khu vực này chưa được thu gom, xử lý theo quy định… Nhà máy của Công ty Vật Liệu Xanh chưa hoạt động hết công suất dẫn đến khối lượng xỉ phát sinh trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý kịp thời, tồn đọng quá lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi” – Sở TN&MT nhìn nhận.
Nguồn tin từ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an (C49) còn cho hay cuối tháng 6-2013, tổ trinh sát của C49 phát hiện nhiều xe chở xỉ thép từ Bà Rịa-Vũng Tàu về đổ trái phép ở địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện vụ việc đang được C49 kết hợp với PC49 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ tình trạng dùng xỉ thép san lấp mặt bằng trái phép ở tỉnh này.
Đất phế đổ tràn lan
“Ngoài bụi lò, xỉ thép thì đất phế (tạp chất từ phế liệu) cũng là phế phẩm của ngành thép chứa nhiều thành phần nguy hại, cần phải được kiểm tra, kiểm soát. Thế nhưng trong các báo cáo về tình hình phát sinh chất thải từ các nhà máy thép chưa thấy Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề cập đến loại chất thải này” – một cán bộ của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nhận định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ít nhất có hai cơ sở tái chế đất phế với số lượng lớn nhưng không có giấy phép hoạt động. Đó là cơ sở của Công ty TNHH Quý Tiến tại ấp 6, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) và một cơ sở không tên tại khu vực khai thác đá Phước Hòa (huyện Tân Thành). Vào tháng 10-2012, tổ công tác của C49 bất ngờ kiểm tra cơ sở của Công ty Quý Tiến ở địa chỉ trên và phát hiện tại đây đang san lấp trái phép hơn 1.800 m3 chất thải được xác định là đất thải sau quá trình sàng lấy phế liệu. Đại diện Công ty Quý Tiến khai nhận đây là đất phế do công ty thu gom từ Nhà máy thép Pomina 2.
Cuối tháng 6-2013, trở lại cơ sở nói trên của Công ty Quý Tiến, chúng tôi nhận thấy chất thải màu nâu đen giống đất phế liệu vẫn còn chất hàng đống cao trong khuôn viên của công ty. Ước tính lượng chất thải này có thể hàng chục ngàn tấn.
Tại cơ sở không tên ở một khu đất trống tại khu vực khai thác đá Phước Hòa, theo ghi nhận của chúng tôi lượng đất phế đưa về đây hiện nay cũng rất nhiều. Công nhân ở đây dùng các tấm lưới hoặc nam châm sàng lọc lấy phế liệu, bỏ vào bao, còn đất thì đổ ngổn ngang. Khi mưa xuống, đất phế cuốn trôi chảy theo suối, phát tán ra khắp nơi. Người dân địa phương cho biết cơ sở tái chế tạp chất phế liệu này đã hoạt động từ năm 2012 đến nay nhưng chưa thấy ai kiểm tra, xử phạt.
Cấm cho, mua bán tạp chất phế liệu
Các chuyên gia về môi trường cho biết nếu không kiểm tra chặt, trong phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất thép có thể còn những tạp chất chứa chất thải nguy hại như dầu nhớt, chì, thủy ngân… Do đó, tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường quy định, các tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu không được cho, mua bán. Việc mua bán, tái chế đất phế trái phép có nguy cơ phát tán các chất độc hại ra môi trường rất cao.