Thủ tướng nhắn nhủ doanh nghiệp Hoa Kỳ:
"Không nên phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam"
(Dân trí) Thứ Bẩy, 28/09/2013 - Cam kết về việc cải cách, cởi mở trong chính sách đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không quên nhắn nhủ các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần đối xử bình đẳng với hàng hóa Việt Nam, bởi vấn đề này gắn với sinh kế hàng triệu dân nghèo.
Trong khuôn khổ chuyến công tác Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt-Mỹ vào trưa ngày 27/9 (theo giờ New York).
Tại đây, Thủ tướng đánh giá, để đến được với mục tiêu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với Hoa Kỳ trên cơ sở hai bên cùng có lợi và phát triển, cả hai nước đã đi được một chặng dài và gặt hái nhiều thành công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt - Mỹ (Ảnh: VOV).
Thương mại hai chiều tăng 16 lần sau BTA
Trước sự chứng kiến, có mặt của đại diện, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định đầy tự hào, Việt Nam đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới".
Theo đó, liên tục 27 năm qua, tính từ năm 1986 đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Việt Nam liên tục đạt 7%/năm, riêng giai đoạn 2001-2010 đạt bình quân 7,2%/năm. Mặc dù, chịu sự tác động rất mạnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng trong 3 năm 2011-2013, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt bình quân 5,6%/năm.
Theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định, lạm phát được kiểm soát thành công, ổn định tỷ giá USD/VND, lãi suất thị trường được kiểm soát phù hợp với tình hình lạm phát, xuất khẩu 3 năm qua tăng trưởng bình quân 21%/năm.
Riêng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, từ kỳ hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) đến nay, thương mại hai chiều đã tăng 16 lần, tổng kim ngạch hàng hóa đã lên tới 25 tỷ USD (cao hơn so với thống kê của Hoa Kỳ đưa ra là 22 tỷ USD). Riêng 7 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17 tỷ USD, dự kiến cả năm nâng lên 30 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2012.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ghi nhận, đầu tư của Hoa Kỳ xếp thứ 7 trong tổng số 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chưa kể doanh nghiệp Hoa Kỳ còn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua những nước khác. "Chúng tôi tin tưởng trong tương lai không xa, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam" - Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, trong những năm gần đây, để tạo lập được một môi trường chính trị xã hội ổn định như hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo tốt về an sinh xã hội, giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, mỗi năm giảm hộ nghèo bình quân 1,7-2%.
Thúc đẩy kết thúc nhanh ký kết TPP
Hiện, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để các khu vực này hoạt động có hiệu quả hơn, phù hợ với thể chế kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của cải cách thể chế. Cụ thể hóa cho mục tiêu này, Việt Nam đã và đang đàm phán gia nhập 6 hiệp định thương mại tự do mà một trong số đó là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Tuy Việt Nam là quốc gia trong có trình độ phát triển thấp nhất trong số 12 nước tham gia đàm phán, nhưng trong phiên đàm phán thứ 18, 19 vừa rồi, Việt Nam đã tỏ rõ là nước đóng góp tích cực nhất. Chính Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa rồi gặp tôi cũng đã thừa nhận sự đóng góp này của Việt Nam" - Thủ tướng cho biết. Không chỉ dừng ở đó, Việt Nam còn sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để thúc đẩy TPP có thể kết thúc sớm nhất. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng có những ưu ái và sự đối xử khác biệt đối với Việt Nam.
Với Việt Nam, việc gia nhập TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác là những quyết định thuận lợi và quan trọng để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam một cách công khai, minh bạch, rõ ràng theo mặt bằng, chuẩn mực quốc tế. "Đó là một trụ cột chính sách, một khâu đột phá với thương mại Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào tất cả các lĩnh vực, trong đó có hàng không, dầu khí, ngân hàng. Ngay trong dịp này, Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết gói thỏa thuận mua động cơ lớn giữa Vietnam Airlines và GE, thỏa thuận bước đầu mua máy bay của VietJetAir cũng rất lớn.
Nhắc lại chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ hồi tháng 7 vừa rồi, quan hệ đối tác hai nước đã được nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cho rằng, đây là một điều kiện và tiền đề thuận lợi để tăng cường hợp tác quan hệ đầu tư cũng như gặp liền với kết thúc đàm pháp TPP, đưa Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong tương lai.
Trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng không quên nhắn nhủ các doanh nghiệp Hoa Kỳ góp ý với nhà chức trách sở tại về vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ.
"Các bạn không nên phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam. Bây giờ, doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra những vụ kiện chống trợ cấp, bán phá giá với 12 mặt hàng của Việt Nam - đây đều là những mặt hàng nông sản có giá trị rất nhỏ với Hoa Kỳ nhưng liên quan đến hàng triệu người dân nghèo của Việt Nam. Vừa rồi, việc Hoa Kỳ hủy mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm Việt Nam là một quyết định đúng đắn, bởi đó là những đối xử rất không công bằng, khách quan đối với Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh, những hàng hóa đó không lớn với Hoa Kỳ nhưng rất lớn với Việt Nam, gắn với kế sinh nhai của hàng triệu người lao động nghèo của Việt Nam. Hy vọng các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Việt Nam ở những đòi hỏi chính đáng như vậy" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi gắm.
Bích Diệp