Đó là những nhận định chung mà các chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định về kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu diễn ra tại Huế từ ngày 26/9.
Liên tục đưa ra những câu hỏi trực diện tại diễn đàn như “Tại sao chúng ta lại duy trì những chính sách kìm nén sự phát triển kinh tế đất nước?”, ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng kinh tế Việt đang một mình “nghẽn mạch”, không có dấu hiệu khởi sắc kể từ năm 2007 tới nay và tiếp tục trong lộ trình “xuống đáy”, trong khi kinh tế thế giới đang bước vào quỹ đạo phục hồi.
Ông Thiên nhấn mạnh kinh tế Việt Nam có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”, đáy rủi ro, đáy lòng tin và chưa đụng đến mô hình. Mà nguyên nhân không gì khác ngoài chính sách tái cơ cấu vẫn chưa đi đến đâu, khi đề án còn nằm trên giấy, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên. Dù còn 2 năm nữa nhưng nếu nói kế hoạch 5 năm 2010-2015 đã vỡ từ bây giờ thì cũng không sai. Một trong những giải pháp ông đưa ra để giải quyết “khúc xương” này bỏ thành phần kinh tế chủ đạo, hiện là các doanh nghiệp nhà nước, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và thực hiện đa sở hữu đất đai.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng kinh tế Việt Nam đã “hạ cánh cứng” – khái niệm phản ánh tình trạng nền kinh tế đột ngột chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái, khi chính phủ cố cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát nợ công. Tuy nhiên, dù tổng vốn đầu tư xã hội được báo cáo giảm từ 41-42% GDP năm 2010 xuống còn 33% GDP năm 2011 và chỉ còn 30% GDP vào năm 2012 song theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, càng tuyên bố cắt lại càng tăng lên, chi tiêu vung tay quá lãng phí, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên cho lương bổng, hội họp… Ngay cả đầu tư xã hội, tiếng là đầu tư cho dân, một phần thực chất đổ đi đâu thì không ai rõ, chỉ biết là có những công trình hàng tỷ chỉ dùng để chăn bò thả gà, có những thiết bị triệu đô nằm phơi nắng phơi sương, có những mảnh đất vàng trở thành nơi tụ hội của đủ loại cỏ dại, có những con đường, cây cầu vừa làm xong đã nứt nẻ… Đến mức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng phải thừa nhận: Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư.
Đến nay, người dân cũng chỉ có thể nắm được một cách mơ hồ là thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, còn thực chất là bao nhiêu thì không ai dám chắc. Như chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh từng nhận định: những con số báo cáo có thể chưa phản ánh đúng bản chất của thâm hụt tài khóa ở Việt Nam hiện nay, khi có những cách hạch toán riêng không theo thông lệ quốc tế.
Cùng chung một cái nhìn bi quan, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – dự báo nền kinh tế sẽ còn trì trệ trong năm 2014 tới. Nguyên nhân sâu xa vẫn là từ nội tại của nền kinh tế, sự bất cập về cơ cấu và mô hình tăng trưởng, sự nhận thức không đúng mức “căn bệnh” của nền kinh tế và cách thực thi chính sách lệch tâm. Ông chỉ ra rằng năm 2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất tính từ đầu thập niên 1990 đến nay, với 4 thách thức lớn chưa được giải quyết là: nguy cơ tái lạm phát cao, nợ xấu chưa được cải thiện, lãi suất cho vay giảm chưa đúng kỳ vọng và thanh khoản thị trường bất động sản không được cải thiện. Năm 2014 và 2015, nền kinh tế sẽ còn phải đối diện với một thách thức nan giải hơn nữa là thâm hụt ngân sách, dù thực tế thì đây là câu chuyện năm nào cũng phát sinh, hầu như báo cáo ngân sách nào cũng lo bội chi lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, ông Lịch nhấn mạnh không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần phải ưu tiên cải cách thể chế trước.
Tựu chung lại, sau diễn đàn, cũng với bút đó, giấy đó, màu đó,… mỗi người vẽ vài đường ngoằn nghèo về bức tranh kinh tế Việt Nam. Còn số phận bức tranh sẽ được xử lý thế nào thì vẫn chưa rõ.
THEO SỐNG MỚI