THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 September 2013

Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013: Nói rất hay về yếu kém, nhưng thiếu giải pháp



KINHTE-MUATHU2013

Đó là những thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 26.9, tại TP.Huế.

Giỏi chỉ trích, phê phán nhưng thiếu giải pháp

Được ban tổ chức chỉ định mở màn, TS Trần Đình Thiên -Viện Kinh tế VN – đã lôi cuốn sự chú ý bằng một tuyên bố: Tình thế kinh tế VN bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề trong khi các nền kinh tế khác trỗi dậy. Ông cho rằng, nền kinh tế hiện đã tái lập ổn định vĩ mô nhưng trên một nền tảng rất yếu – nghĩa là mức độ rủi ro vẫn còn lớn. Tuy nhiên, một số diễn giả khác cũng đã mang lại cho Diễn đàn kinh tế mùa thu ở xứ Huế những niềm lạc quan về kinh tế đất nước năm 2013.
TS Trần Du Lịch nói: “Dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng (so với công suất đã đầu tư), nhưng năm 2013 là năm nền kinh tế VN bắt đầu hồi phục, nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả chính sách giảm, miễn thuế thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và các biện pháp đề ra trong 2 nghị quyết của Chính phủ thì sẽ tạo niềm tin cho thị trường, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trước mắt”.
Với nhận định như vậy, nhưng ông Lịch vẫn khẳng định: Nếu bây giờ mà lơi lỏng, không kiên định ổn định kinh tế vĩ mô thì lạm phát sẽ quay trở lại, phải bằng mọi cách xây dựng củng cố niềm tin thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với vào quan điểm của TS Trần Đình Thiên về 5 đặc điểm nổi bật mang tên “tình thế tiến thoái lưỡng nan” của nền kinh tế, đó là tâm lý kiếm tiền dễ ăn sâu, khuynh hướng đầu cơ chi phối, vốn liếng bị “chôn” trong nợ xấu do đầu cơ tài sản, muốn bơm tiền để cứu nhanh tài sản, nợ xấu nhiều và ngân hàng ít có động lực bơm tiền cho sản xuất kinh doanh.
Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – “cảnh tỉnh”: “Có quá nhiều diễn đàn, hội thảo kinh tế như thế này, và cũng có rất nhiều người nói rất hay về tồn tại, yếu kém của nền kinh tế đất nước, nhưng hầu như không chỉ ra địa chỉ cụ thể, và cùng với nó là giải pháp”.

Đột phá vẫn là tái cơ cấu ngay DNNN

Phân tích về 3 đột phá chiến lược là tái cơ cấu, nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở sẽ mang lại gì cho triển vọng kinh tế 2014, những người tham gia diễn đàn bày tỏ nhiều lo lắng trước tốc độ tái cơ cấu DNNN thời gian qua. Hiện vẫn còn 35% số DNNN trong tỉ trọng nền kinh tế đã cho thấy thực trạng tái cơ cấu đã, đang bộc lộ nhiều vấn đề cần sớm cải cách.
Ông Trần Xuân Hòa – Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản VN – nói rằng tình hình, tình trạng càng nghe càng thấy buồn, nhưng cũng phải nghe, và ông nhấn mạnh “nghe ông Thiên nói nhiều về kinh tế rồi, có nhiều chỗ tôi không đồng tình lắm, nhưng riêng hôm nay nhất trí với cách nhìn nhận của TS Thiên”.
“Tập đoàn tôi hiện có 140.000 lao động, nếu tái cơ cấu thì có đến 40.000-50.000 lao động dôi ra. Nếu cứ căn cứ vào con số thất nghiệp do bộ chức năng công bố là chỉ từ 2,8 – 3% thì nói thật không thể nào có được, làm được cái gì hết. Đổi mới như thế nào? Tôi xin nói có những nghị định, quyết định của Chính phủ có từ lâu rồi, nhưng các bộ, ngành không có văn bản hướng dẫn, hoặc có nhưng sai lệch. Và như vậy thì làm sao DN không khó khăn, suy kiệt được ” – ông Hòa chua chát.
Trước giải pháp mà các chuyên gia kiến nghị là cần giảm nhanh số lượng DNNN, khẩn trương tái cơ cấu theo phương thức ngược lại là phải làm từ trên xuống, chứ không phải từ dưới lên như hiện nay, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản VN Trần Xuân Hòa nói: “Tại tập đoàn tôi có hai con đường, chúng tôi giao tư nhân họ làm xong trước 10 tháng, còn cái do tập đoàn làm thì mất… 4 năm”.
Dù vậy ông Hòa vẫn nói là khó tái cơ cấu lắm, “trong các anh ngồi đây có ai không điện thoại, viết thư gửi con, cháu, bà con vào các DNNN không, người nào không điện được thì cũng nhờ các ông ở trên trung ương gọi”. Hội trường Diễn đàn mùa thu đã cười vang nhưng chắc chắn không phải vì… vui khi nghe ông Hòa kết luận: “DNNN vẫn có cái ưu việt lắm chứ”.
Những người chủ trì hội thảo, trong đó có ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH – băn khoăn trước hai luồng quan điểm nổi bật là tiếp tục duy trì tình trạng hiện tại với quan điểm “tăng tín dụng là tăng nợ xấu, tăng chi ngân sách là tăng lãng phí” và một bên là nếu không tăng tổng cầu tín dụng thì DN sẽ tiếp tục suy kiệt, nền kinh tế có thể rơi vào một cực… cực đoan khác.
Và rồi một giải pháp trung gian dù chưa được đồng thuận cao nhưng hợp tình, hợp lý để tiếp tục bàn thảo: Nếu nóng ruột mà tăng tổng cầu lúc này là xóa toàn bộ cái chúng ta đạt được; nhưng nếu không tăng tổng cầu thì… tình trạng suy kiệt DN tiếp tục tăng. Liên quan đến tốc độ cơ cấu lại DNNN, giải quyết nợ xấu ngân hàng, các nhà kinh tế kiến nghị Quốc hội mau chóng có những quyết sách về cải cách thể chế và chính sách sử dụng, trọng dụng nguồn lực nhân tài.
Ai cũng nói, tham nhũng tràn lan, lòng tin sụt giảm và chọn khâu đột phá là cải cách thể chế thì ít tốn kém nhưng khó làm. Trong bối cảnh đó, cần lựa chọn và quyết định ngay vẫn là đổi mới DNNN, hệ thống ngân hàng và cùng với đó là trọng dụng tinh hoa hiện có trước khi hô hào to tát là trọng dụng nhân tài.
TS Cao Sĩ Kiêm.
THEO LAO ĐỘNG