THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 October 2013

Việt Nam bám trụ vị trí 99/189 xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu!

(Dân trí) - Mặc dù được đánh giá đã có nhiều cố gắng trong cải cách, song các chuyên gia WB vẫn cảnh báo Việt Nam đang tụt lại so với các đối thủ khác. Nhiều chỉ số như tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư...Việt Nam lùi rất sâu trong bảng xếp hạng.

Theo kết quả xếp hạng tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố sáng nay (29/10/2013), vị thứ của Việt Nam ở mức 99 trên tổng số 189 nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia WB cho rằng, xếp hàng này của Việt nam vẫn không có nhiều cải thiện mặc dù đã thực hiện 21 cải cách kể từ năm 2005 – nhiều nhất trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Và điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.

Trao đổi với báo giới, bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn Môi trường Đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC, thành viên Nhóm WB đánh giá, trên thực tế, xếp hạng của Việt Nam năm nay đã cho thấy nhiều cải thiện trong nhiều lĩnh vực. Nhưng nếu so với các quốc gia lân cận - cũng chính là các đối thủ cạnh tranh trong thu hút đầu tư với Việt Nam, thì những nỗ lực vẫn đang diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn, thậm chí có lĩnh vực Việt Nam tụt hậu rất xa.

Cụ thể, chỉ số thành lập doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 109, chỉ số tiếp cận điện năng xếp thứ 156, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 157, chỉ số nộp thuế xếp hạng 149 và tương tự, chỉ số xử lý doanh nghiệp mất khả năng  thanh toán cũng xếp 149.

Họp báo công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 diễn ra sáng 29/10.
Họp báo công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 diễn ra sáng 29/10.

Bình luận về báo cáo của WB, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, điều quan trọng là qua báo cáo, Việt Nam phải thấy được những khoảng trống, khoảng không gian phải lấp đầy để qua đó có được một môi trường kinh doanh hấp dẫn và bền vững hơn.

Trong đó, bà Hằng chỉ ra, đóng thuế là một chỉ số cần lưu ý. Số giờ để một doanh nghiệp thực hiện thủ tục nộp thuế trong 1 năm lên đến 872 giờ, chiếm 1/3 thời gian làm việc. Đây là gánh nặng đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (đang chiếm 96% tổng số doanh nghiệp hoạt động).

Thời gian vừa qua, mặc dù Chính phủ có rất nhiều chính sách giãn giảm thuế cho doanh nghiệp nhưng gánh nặng thuế (chủ yếu đến từ các loại phí và thuế VAT) vẫn nặng nề. Bà Hằng đặt nghi vấn, tổng thuế suất chiếm 35,2% lợi nhuận doanh nghiệp trong khi mặt bằng thuế thu nhập doanh nghiệp diện vừa và nhỏ chỉ 20%, vậy thì 15,2% còn lại rơi vào đâu?

Ngoài ra, cũng theo bà Hằng, mặc dù chỉ số tiếp cận tín dụng được cải thiện nhất định, xếp hạng ở mức cao (42) nhưng trên thực tế, tiếp cận tín dụng ở Việt Nam vẫn còn khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó vướng mắc chính chủ yếu nằm ở tài sản thế chấp. 

Thêm vào đó, việc xếp hạng chỉ số xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chỉ ở thứ 149, bà Hằng cho rằng, cần phải đẩy nhanh cải cách ở lĩnh vực này, nhằm giải tỏa vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển các cơ hội sản xuất kinh doanh mới.

Ở điểm này, đại diện WB cho hay, trong khi các nước trong khu vực đã cải thiện được điều này thì tại Việt Nam, những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, muốn giải thể cũng phải mất rất nhiều thủ tục rườm ra, tốn kém nhiều thời gian để có quyết định từ tòa án và chủ nợ cũng phải chờ đợi rất lâu mới có thể thu hồi tài sản. Chi phí cho quy trình này chiếm tới 15% tài sản của doanh nghiệp.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại đưa nhận xét, xếp hạng các chỉ tiêu của Việt Nam có chênh lệch quá lớn, có chỉ tiêu xếp thứ 29 như cấp phép xây dựng nhưng lại cũng có những chỉ tiêu xếp thứ hạng trên 100 như tiếp cận điện năng (156). Việt Nam cần lưu ý những chỉ tiêu có xếp hạng thấp để tạo động lực cải cách, cải thiện vị thứ cho những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Nhóm WB, lần này, Singapore vẫn tiếp tục là nước có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho doanh nghiệp trong nước, tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc. Bên cạnh đó, góp mặt trong số 10 nền kinh tế có môi trường thể chế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp năm nay còn có New Zealand, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Malaysia, Hàn Quốc, Georgia, Na Uy, và Vương quốc Anh. 

Trong năm qua, có 15 trên 25 nền kinh tế trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã thực hiện được ít nhất một cải cách pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh. Trung Quốc là nước có nhiều tiến bộ nhất về cải cách các quy định kinh doanh trong khoảng thời gian này.

Philippines là một trong 10 nền kinh tế đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong năm qua. 

Bích Diệp