THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 October 2013

804 cuộc thanh tra trong 2 năm, chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng nhỏ!

SỐNG MỚI - 29/10/2013 

Chuyện tham nhũng hiện nay đâu đâu cũng có, nhưng động đến vấn đề này không phải ai cũng dám tố cáo, bởi nhiều khi tố cáo xong chưa biết đến đâu đã thiệt thân. Đã thế, các vụ án tham nhũng lớn nhưng khi xét xử án lại rất nhẹ, tài sản thu hồi được cũng chẳng là bao. Điều này khiến cho tham nhũng vẫn là một lĩnh vực tuy “nóng” nhưng ít người muốn động đến.


Ông Trần Văn Độ - phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trả lời các câu hỏi của báo chí - Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Lao động, trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2012, sự minh bạch của Việt Nam đã bị tụt xuống 11 bậc so với năm 2011. Ông Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng nguyên nhân là do tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn nặng về hình thức, hiệu quả thấp. Qua khảo sát ở một số địa phương, thanh tra tiến hành kiểm tra rất nhiều nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng như ở một số địa phương, trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 1-2 vụ tham nhũng nhỏ.
 
Bên cạnh đó, việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm thì lớn nhưng việc xét xử hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản thì lại rất ít. Chẳng hạn như, theo số liệu cung cấp trên Thanh niên, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất nhưng mới chỉ thu hồi nộp ngân sách nhà nước chưa đến 10% số tài sản phải thu hồi.
 
Chính vì thế nhiều nghi vấn đã được dư luận đặt ra như tại sao tham nhũng nhiều mà thực tế án tham nhũng được xét xử lại rất ít, tài sản tham nhũng được phát hiện cũng rất nhỏ; việc xử phạt liệu có hiệu quả khi ở Việt Nam chưa có tội phạm tham nhũng nào bị tử hình trong khi có nhiều vụ tham nhũng rất nghiêm trọng.
 
Trả lời cho những vấn đề này, ông Trần Văn Độ - phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết 100% các vụ án tham nhũng được cơ quan điều tra chuyển sang thì tòa án đều xét xử, việc ít án tham nhũng bị xét xử có thể vấn đề ở khâu phát hiện để khởi tố, điều tra. Về việc tài sản thu về ít là do tham nhũng thường diễn ra trong thời gian dài, đối tượng có thể tẩu tán tài sản, tiêu xài hoang phí vào đâu đấy mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được.
 
Còn hình thức xử phạt của pháp luật Việt Nam không hề nhẹ mà rất nặng vì số người bị kết án vào tù cũng rất cao khoảng 70-80% còn ở các nước khác tỷ lệ này chỉ có 50%. Theo ông Độ, để giảm bớt tham nhũng, không nên chú trọng vào việc xét xử mà điều quan trọng cần phải làm là xóa bỏ điều kiện, nguyên nhân khiến tội phạm tham nhũng phát sinh và phát triển, “giống như con hư rồi đánh đập nó thì không ăn thua, quan trọng phải làm sao không để con hư”. Một khi người “cầm cân nảy mực” mà còn phải buông ra câu nói ấy thì đúng là pháp luật chưa động được gì đến tham nhũng và cũng không ngăn chặn nổi tham nhũng là đúng.