THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 November 2013

Bài 2: Tê giác, ngày tự do


Ký sự “săn” tê giác ở châu Phi

Phùng Mỹ Trung
Sau khi “chăm sóc” các cá thể tê giác đen săn được tại Imfolozi – khu bảo tồn do nhà nước quản lý, chúng tôi quay ngược trở lại một khu bảo tồn tư nhân để thả những vị khách to lớn này về sinh cảnh mới.
Trên đường, chúng tôi có dịp ghé thăm một trạm kiểm lâm của khu bảo tồn Imfolozi nằm giữa sa mạc rộng lớn. Trạm trưởng Ian Pollard dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên trạm và nơi lưu giữ phương tiện hành nghề của bọn săn trộm thú mà các anh đã thu gom trong suốt mười năm qua. Mỗi lần chỉ vào những vết đạn trên hộp sọ một con tê giác bị giết, ánh mắt anh hiện lên những nét buồn u uất trước số phận của loài thú cổ đại hiền lành được người Nam Phi coi như biểu tượng quốc gia này.
Tự do cho tê, hạnh phúc của người
Sau hơn ba giờ chạy xe, chúng tôi đến nơi khi trời đã nhá nhem tối. Hôm nay, tất cả các khách du lịch của khu bảo tồn tư nhân đều được chứng kiến một sự kiện trọng đại: những con tê giác đen được thả vào khu vực bảo tồn.
Chạm tay cầu may
Chạm tay cầu may
Hai vị khách mời đặc biệt của sự kiện này là vợ chồng tộc trưởng của bộ lạc Zulu, đại diện cho nhân dân tới chứng kiến. Mọi người tập trung tại một khu đất trống để chứng kiến giây phút hiếm có này. Chiếc xe chuyên dụng chở những con tê giác mới được “chăm sóc” lúc chiều từ từ tiến vào và bắt đầu quy trình ngược với lúc đi săn.
Thả tê giác là một công việc khó khăn và nguy hiểm, vì tê giác đen nặng hàng tấn, rất hung hăng và dễ bị kích động hơn tê giác trắng. Sau khi bị bắt nhốt vào chiếc chuồng sắt đặc chủng để di chuyển hàng trăm kílômét, nó càng hung tợn.
Tất cả diễn ra hết sức khẩn trương. Sau khi chích thuốc mê cho con tê giác từ trong thùng xe, các nhân viên bảo tồn có hai phút để mở cửa thùng xe trong khi con tê giác to lớn đang lồng lộn vì chưa ngấm thuốc. Các chuyên gia thú y tính toán chính xác từng giây, để khi con tê giác vừa bước ra khỏi thùng xe khoảng mười bước nó phải ngấm thuốc mê. Một sợi dây thừng đủ chắc buộc vào chân sau con tê giác và hai sợi khác trước ngực với 5 – 6 nhân viên kiểm lâm mỗi bên. Người xem phải đứng cách xa 20m phía sau vòng bảo vệ của các nhân viên bảo tồn.
Đây có thể là lần thả tê giác thứ 1.001 của các nhân viên bảo tồn tê giác Nam Phi nên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Theo phong tục của người Zulu, nếu được chạm tay vào mình con tê giác đen còn sống sẽ gặp may mắn. Vì thế, khi được thông báo có thể lại gần con tê giác, mọi người trật tự tiến lại để được chạm tay lên tấm da dày ấm nóng và chiếc sừng kiêu hãnh của nó.
Sự cố lúc tảng sáng
Chúng tôi trở về nhà nghỉ của khu bảo tồn trong cái lạnh 10 độ vào lúc 2 giờ khuya. Tảng sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng xe gầm rú và tiếng người gọi nhau í ới. Tôi bật dậy chạy ra khỏi căn lều bạt và được nhân viên bảo tồn Simon báo có một con tê giác đen được thả đã vượt khỏi hàng rào điện của khu bảo tồn và chạy ra khu dân cư. Tôi vơ vội chiếc máy ảnh và khoác áo ấm lên người rồi nhảy lên xe của Simon. Chiếc xe lao đi vun vút. Bộ đàm trên xe nhận được tín hiệu từ một máy bộ đàm khác thông báo con tê giác bị sổng đang ở cách khu bảo tồn khoảng 20km. Tín hiệu từ con chip gắn trên sừng nó báo hiệu đường đi chính xác trên máy định vị cầm tay của Simon.
Khi chúng tôi đến nơi, trời đã sáng rõ nên mọi người đều nhìn thấy nó đang chạy thục mạng giữa cánh đồng. Các nhân viên bảo tồn phóng xe theo con tê giác để chặn đầu, giữ khoảng cách với nó khoảng 50m để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, con vật được dồn đến một cánh đồng cỏ khô chăn thả gia súc. Con tê giác đen lao vào khiến đàn gia súc chạy tán loạn. Mọi người giữ im lặng đợi con tê giác bình tĩnh lại và gọi máy bay trực thăng đến bắn thuốc mê.
Trạm trưởng Ian Pollard chỉ vào vết đạn trên hộp sọ một con tê giác bị giết.
Trạm trưởng Ian Pollard chỉ vào vết đạn trên hộp sọ một con tê giác bị giết.
 Ấn tượng khó quên
Trong lúc bị trực thăng dồn vào khu vực mà xe chuyên dụng có thể di chuyển được, con tê giác đen liều mình phóng ra đường cao tốc rồi đột nhiên, nó đứng lại giữa đường như thách thức tất cả. Các nhân viên bảo tồn chia thành hai tốp, đứng ở hai đầu đường cao tốc ra hiệu cho các xe tải dừng lại. Thật kỳ diệu, tất cả ôtô lớn, nhỏ lập tức đồng loạt tắt máy để không gây tiếng ồn làm con tê giác thêm phấn khích. Hàng xe từ hai phía đường cao tốc kéo dài hàng cây số theo trật tự mặc dù không có sự can thiệp của cảnh sát giao thông. Họ kiên nhẫn ngồi trên xe đợi các nhân viên bảo tồn thực hiện công việc của mình. Đặc biệt hơn, một đoàn xe lửa dài gần 50 toa cũng dừng lại ngay khi nhận được tín hiệu. Đối với chúng tôi, điều này kỳ diệu đến kinh ngạc bởi ở Việt Nam, nhân viên bảo tồn chưa có quyền được dừng bất kỳ phương tiện giao thông nào.
Cuối cùng, con tê giác cứng đầu chịu khuất phục sau một phát súng thuốc mê. Các nhân viên bảo tồn quyết định thả nó vào boma – một loại chuồng rất rộng xây bán hoang dã ở giữa khu bảo tồn để nuôi nhốt những con vật hoang dã hung hãn hoặc những con thú con mà cha, mẹ chúng bị giết chết khi nó chưa thể tự tìm kiếm thức ăn.
Trên đường về, tràn ngập trong tôi là sự cảm phục tình yêu cũng như ý thức mà người Nam Phi dành cho loài linh vật biểu tượng quốc gia.
Theo SGTT
Ở Nam Phi, ngoài các vườn quốc gia lớn còn có rất nhiều khu bảo tồn tư nhân. Người dân có thể bỏ tiền ra thuê một khu rừng có diện tích đủ lớn (trên dưới 10.000ha) để quản lý và khai thác, sau khi có sự đồng thuận của lãnh đạo địa phương và cộng đồng. Người thuê khu bảo tồn có trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo tồn các sinh vật trên diện tích rừng này, và được hưởng lợi từ việc săn bắn thú hoang và kinh doanh du lịch sinh thái.
Người dân địa phương và các cấp chính quyền sẽ cùng tham gia quản lý và giám sát bảo vệ rừng, bảo tồn thú hoang cùng chủ đầu tư. Có một số người thuê đất sau đó đã mua lại toàn bộ đất đai và tài nguyên rừng trong khu vực bảo tồn, với cam kết tạo công ăn việc làm cho dân bản địa