Trước khi cầu Cần Thơ thông xe (tháng 4-2010), Bến xe Hùng Vương khá thuận tiện cho xe khách liên tỉnh đón trả khách vì nằm gần phà Cần Thơ. Khi đó, các tuyến đường 3-2, Trần Hưng Đạo và đặc biệt là đường CMT8 có mật độ phương tiện lưu thông rất cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc nhưng TP buộc phải chấp nhận vì không có biện pháp khắc phục.
Đúng ra tháng 6 đã dời
Kể từ khi cầu Cần Thơ và quốc lộ 91B thông xe, Bến xe 91B lại trở nên đắc địa. Các xe từ An Giang, Kiên Giang… đến Cần Thơ có thể theo quốc lộ 91B đi thẳng vào Bến xe 91B. Còn xe từ TP.HCM về sau khi qua cầu Cần Thơ, đến nút giao IC3 rẽ phải đi thẳng vào Bến xe 91B mà không cần vào trung tâm TP.
Ngày 23-12-2009, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nói: Sau khi cầu Cần Thơ và quốc lộ 91B thông xe, Bến xe Hùng Vương sẽ di dời về Bến xe 91B, thời hạn là 30-6-2010. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện. Do vậy, mỗi ngày hàng trăm lượt xe khách vẫn phải đi thêm 3 km vô nội thành để vào Bến xe Hùng Vương (đang quá tải, mất an ninh trật tự), sau đó quay ngược lại để tỏa đi các hướng. Đây là nguyên nhân khiến đường CMT8 và khu vực cầu Nhị Kiều tiếp tục ùn tắc nghiêm trọng. Trong khi đó, Bến xe 91B lại được dành đến 2/3 diện tích để xây dựng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới - đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ.
Bến xe Hùng Vương đã xuống cấp, chật chội. Các loại xe phải đậu cả ra sát lòng đường Hùng Vương trong khi kế bên là vòng xoay giao lộ. Ảnh: GIA TUỆ
Chưa dời vì… sẽ xây thêm bến mới
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện quốc lộ 91B khá hẹp do mới thi công giai đoạn một và chưa mở rộng. Vì thế, TP chưa cho dời Bến xe Hùng Vương về Bến xe 91B. "Khu vực Bến xe 91B đường hẹp, lại có một chợ phía trước nên tình hình giao thông rất phức tạp. Nếu tập trung hết xe khách về đây thì nguy cơ kẹt xe rất cao" - ông Sơn lý giải.
31.000 m2 là diện tích của Bến xe 91B. Bến xe này được khởi công vào năm 1995 với tổng vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng. Đầu năm 2003, bến xe hoàn thành và được bàn giao cho Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ quản lý. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Cần Thơ đến năm 2025, đây là bến xe liên tỉnh duy nhất của TP trong khi chờ xây dựng bến xe ở Nam Hưng Phú (quận Cái Răng). |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các lý do nêu trên đều chưa hợp lý. Cụ thể, phần đất đang đặt chợ trước Bến xe 91B thuộc quyền quản lý của bến xe và được TP cho Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC) mượn để làm chợ tạm trong khi chờ xây chợ Hưng Lợi mới. Việc giải tỏa chợ tạm này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của TP.
Một điều đáng ngạc nhiên là thay vì sớm mở rộng quốc lộ 91B như kế hoạch (giai đoạn hai), TP Cần Thơ lại nhanh nhạy xúc tiến dự án bến xe mới ở quận Cái Răng dù theo quy hoạch, bến xe này chưa phải làm ngay. Ông Nguyễn Quang Huống, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho hay: Công ty đang chờ TP điều chỉnh quy hoạch để triển khai ngay giai đoạn một của dự án bến xe ở Cái Răng. Dự kiến sau sáu tháng thi công, bến xe mới sẽ hoàn tất giai đoạn một và toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh của TP sẽ được chuyển về đây.
Tiêu 15 tỉ đồng cho một công trình không được sử dụng đúng chức năng, giờ lại tốn thêm 14 ha đất và khoảng 200 tỉ đồng để xây thêm bến xe mới, phải chăng đây là một sự lãng phí của TP Cần Thơ?
2/3 bến xe dành cho trường lái Ngày 19-10-2009, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh việc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Cần Thơ (thuộc Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ) chiếm hết 20.000 m2trong tổng số hơn 31.000 m2 của Bến xe 91B. Đáng chú ý là trong khi nhu cầu vận chuyển hành khách rất lớn thì nhu cầu về đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở TP Cần Thơ lại chưa tới mức bức bách. Hiện Cần Thơ đã có bốn trường và trung tâm đào tạo lái xe, đáp ứng đủ nhu cầu sát hạch lái xe trên địa bàn và một số tỉnh lân cận. |
GIA TUỆ