Công ty thu mua nợ quốc gia (VAMC) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập vào tháng 7/2013 với mục đích giải quyết nợ xấu đang tồn đọng trong các ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế với vốn điều lệ là 500 tỷ đồng trở thành chuyện bài cãi trên dư luận.
Nợ xấu được định nghĩa là các khoản nợ khó hoặc gần như không có khả năng chi trả, chủ yếu được phân loại bằng thời gian chậm chi trả so với thời điểm thanh khoản (thời gian nợ càng lâu tức là nợ càng xấu). Mới đây nhất, theo Thông tư số 02/2013 của NHNN ban hành ngày 21/1/2013 quy định nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5. Hiện nay tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 4,6% trên tổng dư nợ. Rõ ràng, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao là nguyên nhân chính kéo theo những bất ổn của nền kinh tế trong thời gian gần đây. Vấn đề xử lý nợ xấu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước.
VAMC ra đời như một trung gian mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp này sẽ thu mua nợ xấu từ các tổ chức này và tìm kiếm đối tác để bán lại. Đối với việc thu mua nợ xấu, các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo những điều kiện nhất định để được thu mua: khoản nợ xấu phải có tài sản bảo đảm, giấy tờ hợp lệ… Đặc biệt, theo Thông tư 19/2013/TT-NHNN những tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% sẽ bắt buộc phải bán nợ cho VAMC. Hình thức chi trả của VAMC chủ yếu bằng một loại trái phiếu đặc biệt có thời hạn 5 năm với mệnh giá được ghi theo giá trị sổ sách của các khoản nợ thay theo giá thị trường và bằng tiền mặt.
Ví dụ, khoản nợ có trị giá 100 tỷ đồng trên sổ sách của ngân hàng thương mại sẽ được VAMC thu mua lại bằng trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng thay vì 1 tỷ đồng, dù trên thực tế theo nguyên tắc thị trường, nợ khó có khả năng thu hồi sẽ có giá trị sụt giảm chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Quyết định nói trên được đưa ra bởi hai lý do sau đây: Thứ nhất, vốn điều lệ của công ty này chỉ là 500 tỷ đồng trong khi phải xử lý khối nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng của các ngân hàng thương mại. Thứ hai, việc trả theo giá thị trường có thể dẫn đến tình trạng “ngã giá” về giá trị của các khoản nợ của các ngân hàng thương mại bởi hiện nay rất khó để xác định được chính xác giá trị thị trường của các khoản nợ trên.
Sự ra đời và hoạt động của VAMC được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một biện pháp thiết yếu và đóng một vai trò rất tích cực, nhất là trong thời điểm hiện tại, đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và với các chính bản thân các tổ chức tín dụng cũng như các nhà đầu tư muốn mua lại khoản nợ xấu nói riêng. Nhờ việc được bán nợ xấu, các tổ chức tín dụng có được 2 lợi ích.
Thứ nhất, thay vì phải trích quỹ dự phòng rủi ro ở mức 50% thậm chí 100% tổng giá trị đối với các khoản nợ xấu lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng – điều mà các ngân hàng thương mại gần như chắc chắn không thể thực hiện được trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay (số tiền dự phòng rủi ro được định nghĩa là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với những tổ chức tín dụng), các tổ chức tín dụng nay chỉ phải trích lập ở mức 20%. Thứ hai, theo Thông tư số 20 của NHNN, các tổ chức tín dụng này có thể mang thế chấp chính những trái phiếu đặc biệt này để được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi. Qua đó, họ có thêm vốn để đảm bảo thanh khoản và tổ chức kinh doanh. Mới đây nhất ngày 1/10/2013 vừa qua, NHNN đã mua khoản nợ hơn 1.700 tỷ đồng của Agibank và hiện đang tiếp nhận hồ sơ của rất nhiều các ngân hàng thương mại khác.
Trong khi đó, các nhà đầu tư, những người định thu mua lại các khoản nợ xấu từ phía VAMC, cũng sẽ nhận được những lợi ích nhất định khi những khoản nợ được kỳ vọng sẽ được thanh toán trong tương lai. Tuy nhiên, mọi việc mới bắt đầu, sẽ còn xuất hiện nhiều rủi ro hay những tình huống không thuận lợi. Nhưng cái gì nhìn thấy lợi thì hãy làm ngay, nhất là trong tinh trạng các ngân hàng thương mại đang cơ cấu lại nợ xấu
THEO CÔNG AN NHÂN DÂN