Lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho rằng chính văn bản hướng dẫn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, niêm yết lần đầu giữa Cục Thuế TP HCM và Tổng cục Thuế không thống nhất, mới dẫn tới chuyện bị truy thu và phạt 117,11 tỷ đồng.
Mới đây, theo quyết định của Cục Thuế TP HCM, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã CK: BMP) bị truy thu và phạt số tiền 117,11 tỷ đồng, gồm 74,98 tỷ đồng truy thu thuế và hơn 42,13 tỷ đồng phạt vi phạm hành chính và phải nộp chậm nhất 10 ngày sau khi có quyết định xử phạt.
Tại buổi họp mặt với báo giới và các quỹ đầu tư chiều 21/10 tại TP HCM, lãnh đạo công ty khẳng định không sai phạm mà do văn bản hướng dẫn về việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và niêm yết lần đầu giữa Cục Thuế TP HCM và Tổng cục Thuế không thống nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Yến, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc, thời kỳ 2004, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang cổ phần hóa sẽ được “2 miễn 3 giảm”. Có nghĩa là doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu, 3 năm sau nộp 50%. Trên thực tế, Nhựa Bình Minh chuyển sang cổ phần hóa năm 2004, theo đó năm 2004, 2005 công ty được miễn thuế còn năm 2006, 2007, 2008 nộp 50% .
Đến năm 2006, Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% đối với doanh nghiệp niêm yết lần đầu. Cùng thời điểm này Nhựa Bình Minh bắt đầu niêm yết trên sàn. Như vậy, theo chính sách trên, công ty sẽ được giảm 50% thuế vào năm 2006 và 2007 vì niêm yết lần đầu. Tuy nhiên, khi kê khai thuế với Cục thuế TP HCM thì bị phản hồi là chỉ được chọn một trong hai ưu đãi.
"Phản hồi này của Cục thuế khiến chúng tôi thấy khó hiểu. Bởi lẽ, chỉ hưởng một trong hai ưu đãi thì đâu còn gọi là khuyến khích lên sàn nữa. Thấy hoang mang, chúng tôi liền gửi văn bản kiến nghị lên Tổng cục thuế và nhận được câu trả lời là được hưởng cả hai loại, đồng thời được gộp chung. Ngoài ra, Tổng cục thuế còn yêu cầu đăng ký với Cục thuế TP HCM”, bà Yến nói.
Nhựa Bình Minh khẳng định không sai phạm trong nộp thuế. Ảnh: TN
|
Bà Yến cho biết thêm, sau khi nhận được văn bản trả lời trên, công ty đã đính kèm gửi tới Cục Thuế TP HCM và đăng ký thì được chấp nhận. Đến năm 2007, công ty nhận được thông báo khác của Cục thuế TP HCM gửi các doanh nghiệp tự khai, trong đó, có ghi các doanh nghiệp được hưởng đồng thời hai chính sách ưu đãi nhưng phải hưởng theo trình tự, hết loại hình ưu đãi này mới đến loại hình ưu đãi khác. Ngoài ra, nếu trong năm 2006, doanh nghiệp nào đã kê khai gộp thì nay phải ngưng và sử dụng hết chương trình ưu đãi trước mới tiếp tục hưởng các ưu đãi khác sau.
"Do vậy, vô hình trung công ty hiểu rằng, được ưu đãi cổ phần hóa từ 2004-2008 và hưởng ưu đãi niêm yết lần đầu vào 2009, 2010. Như vậy, theo tiến trình mãi đến 2009, 2010 công ty mới kê khai thuế theo mức được giảm 50% cho niêm yết lần", bà Yến nói.
Tuy nhiên, mới đây, Cục Thuế TP HCM lại cho rằng quyết định truy thu dựa trên hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại văn bản 2924. Theo đó, Nhựa Bình Minh chưa kê khai ưu đãi doanh nghiệp niêm yết lần đầu trong giai đoạn năm 2004 đến năm 2008 thì đến năm 2009, 2010 sẽ không được hưởng ưu đãi này nữa.
Nhưng theo bà Yến, nghịch lý ở chỗ, văn bản hướng dẫn này lại ban hành ngày 19/8/2011, tức là sau thời điểm các doanh nghiệp đã đăng ký hưởng ưu đãi lần đầu. Theo bà, điều này là bất hợp lý, đồng thời, còn chồng chéo gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. Hiện, công ty đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Cục thuế TP HCM, SCIC nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết, Cục chỉ làm theo hướng dẫn của Tổng cục thuế cho nên tạm thời từ 2009 trở đi nếu đơn vị chưa kê khai ưu đãi niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán thì sẽ không xem xét nữa. Nhựa Bình Minh là một trong những đơn vị nằm trong diện này. Tuy nhiên, theo bà vì còn nhiều vấn đề khúc mắc trong hướng dẫn của cơ quan thuế trước đó nên mới đây Cục cũng đã trình văn bản xin ý kiến của Tổng cục thuế nhưng vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn.
"Sắp tới, nếu như nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính hoặc Tổng cục thuế là không truy thu nữa thì Cục thuế TP HCM sẽ điều chỉnh lại, còn nếu không sẽ vẫn phải truy thu, nộp phạt", bà Hương nói thêm. Tuy nhiên, trước mắt, doanh nghiệp này phải nộp số tiền truy thu và phạt là 117,11 tỷ đồng.
Đánh giá về việc truy thu 117 tỷ đồng, bà Yến cho hay, trong thời điểm khó khăn như hiện nay thì đây là một số tiền lớn, nếu công ty không có tài chính vững chắc sẽ vô cùng khó khăn. Mặt khác, việc nộp số tiền này sẽ làm ảnh hưởng đến dòng tiền, cổ tức, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp và gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu. Do vậy, bà Yến kiến nghị Cục thuế TP HCM không truy thu.
Công bố về kết quả kinh doanh quý III, theo báo cáo hợp nhất, công ty đạt doanh thu 550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 117 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 1.628 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận trước thuế đạt 376 tỷ đồng, tăng 7,7%.
Hồng Châu