VNE - 22/10/2013
Dù vẫn có ý kiến lấy tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng Ủy ban dự thảo Hiến pháp cho rằng, tên nước hiện nay được Quốc hội khóa 1 lựa chọn, đã thân quen với nhân dân và được quốc tế công nhận nên việc giữ tên nước là cần thiết.
Nhiều người dân muốn đổi lại tên nước
'Dân không quan tâm đến đổi tên nước'
'Giữ tên nước để tránh gây phức tạp chính trị'
'Dân không quan tâm đến đổi tên nước'
'Giữ tên nước để tránh gây phức tạp chính trị'
Ông Phan Trung Lý.
|
Sáng nay, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992.
Theo đó, đa số ý kiến đại biểu và nhân dân đồng ý giữ tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dù vẫn có ý kiến lấy tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng ông Lý cho rằng, tên nước hiện nay đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau khi đất nước thống nhất, đã thân quen với nhân dân và được quốc tế công nhận nên việc giữ tên nước là cần thiết.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này trong điều 4 của dự thảo vì "đa số ý kiến tán thành".
Liên quan đến thu hồi đất, do có nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban dự thảo đề nghị cần quy định chặt chẽ, tránh việc lạm dụng để lấy đất tràn lan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài lý do thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Để khẳng định bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang, theo ông Lý, cần quy định rõ trong Hiến pháp nghĩa vụ trung thành của lực lượng vũ trang với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Còn Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Còn Ủy ban thường vụ Quốc hội được đề nghị giao nhiệm vụ giám sát HĐND cấp tỉnh, nếu phát hiện vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng thì quyết định giải tán HĐND đó; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Toàn cảnh kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP
|
Do đa số đồng ý với việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không đồng ý thành lập Hội đồng Hiến pháp nên ông Lý đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo.
Về việc bảo vệ Hiến pháp, Ủy ban dự thảo cho rằng cần bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp nên đề nghị không quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp mà để luật quy định, tùy vào tình hình thực tiễn của mỗi giai đoạn phát triển đất nước.
Tương tự, do nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm mới được triển khai lần đầu và cần tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm nên Ủy ban dự thảo thấy rằng, việc không quy định lấy phiếu tín nhiệm trong bản dự thảo này không ảnh hưởng đến thẩm quyền Quốc hội quyết định lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ.
Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định về "quyền được chết" vào dự thảo, Ban soạn thảo, Ủy ban dự thảo cho rằng, đây là vấn đề cần được quan tâm, nhưng còn mới và nhiều ý kiến tranh luận khác nhau ở Việt Nam và nhiều nước nên đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu.
Vì Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 đều không quy định thời điểm có hiệu lực nên Ủy ban dự thảo đề nghị, Hiến pháp có hiệu lực từ khi Chủ tịch nước công bố.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 23/10, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ngày 5/11 và sáng 18/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường; sáng 28/11 sẽ biểu quyết thông qua dự thảo này.
Tiến Dũng