Chiều 25/5, mẹ của cô dâu Hoàng Thị Nam, người vừa bị chồng Hàn Quốc sát hại, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết: "Hai ngày trước khi chết, con gái tôi có gọi điện về Việt Nam. Nó nói có mâu thuẫn với mẹ chồng". |
Mẹ của cô dâu Hoàng Thị Nam khóc nức nở khi nhắc đến cô con gái bị sát hại. Ảnh: Vũ Lê. |
Nam kết hôn với người chồng Hàn Quốc vào tháng 4/2010, chỉ sau ba tháng quen biết thông qua một người bạn. Bà Hoa cho hay, con gái bà có một người em họ đang sống ở Mỹ, gia đình có nguyện vọng để người này nhận nuôi đứa bé con của Nam.
Tối nay mẹ và dì ruột của cô dâu Hoàng Thị Nam sẽ bay sang Hàn Quốc để nhận xác của cô. Chiều cùng ngày, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP HCM và Hội Hàn kiều (Hiệp hội người Hàn Quốc) đã gửi lời chia buồn đến gia đình cô dâu.
Chủ tịch Hội Hàn Kiều tại TP HCM Hwang Ui Hoon nói: "Tôi không thể hình dung được vận mệnh của một con người thật ngắn ngủi, đáng lẽ cô ấy còn được sống lâu hơn. Nhưng thật đáng tiếc!".
Bà Nguyễn Thị Hoa (bên trái) là mẹ ruột của cô dâu Hoàng Thị Nam, người ngồi bên phải là dì ruột của cô dâu. Ảnh: Vũ Lê. |
Hội Hàn kiều tại TP HCM đã hỗ trợ gia đình nạn nhân vé máy bay và gửi 3.000 USD để làm kinh phí sang Hàn Quốc. Hiện việc vận động quyên góp để giúp đỡ gia đình Nam đang được thực hiện và Hội Hàn kiều sẽ chuyển khoản hỗ trợ này khi gia đình trở lại Việt Nam.
Ông Baik Seung Kyu Trưởng ban giải quyết vụ tử nạn của cô dâu Hoàng Thị Nam cho biết, vụ án của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc xảy ra hồi tháng 7/2010 đến nay chưa tròn một năm nhưng lại tiếp diễn vụ án của cô dâu Hoàng Thị Nam. "Sự việc ngoài ý muốn này khiến tôi rất đau lòng và cảm thấy có lỗi", ông nói.
Sau vụ tử nạn của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường kiểm tra các đơn vị môi giới hôn nhân quốc tế bằng cách kiểm tra sức khỏe cũng như lý lịch và thân nhân của chú rể Hàn trước khi kết hôn.
Chiều 25/5, Hội Hàn kiều tại TP HCM trao vé máy bay và 3.000 USD cho mẹ của cô dâu Hoàng Thị Nam sang Hàn Quốc nhận xác con. Ảnh: Vũ Lê. |
Ông Baik cho biết thêm, hiện Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành điều tra những người đàn ông Hàn muốn lấy vợ nước ngoài (trong đó có Việt Nam) nếu có tiền án hoặc cư xử bạo lực thì sẽ không được kết hôn. Trường hợp những người có tiền sử bệnh tâm thần cũng thuộc diện không được kết hôn với người nước ngoài.
Về vụ án của cô dâu Hoàng Thị Nam, ông Baik cho hay, ông mong Chính phủ Hàn Quốc sẽ xử lý chú rể này theo đúng quy định pháp luật. Khó khăn của cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc, theo ông Baik, là cách biệt về ngôn ngữ và văn hóa. "Các cô dâu nên học tiếng Hàn để không bị bất đồng ngôn ngữ khiến xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc", ông nói.
Đây là lần thứ ba ông Baik đảm đương việc giải quyết vụ tử nạn của cô dâu Việt Nam. "Tôi không muốn phải nhận trách nhiệm này thêm một lần nào nữa", ông Baik nói.
Từ năm 1998 đến 31/12/2010, Bộ Tư pháp đã chấp nhận và làm thủ tục cho 294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có quốc tịch trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Canada, Pháp, Mỹ… Các cô dâu lấy chồng ngoại đông nhất xếp theo thứ tự nhóm 1 là TP HCM, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hậu Giang. Nhóm 2 là Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang. Đặc điểm chung là ba phần tư số cô dâu đi lấy chồng người nước ngoài đều là con của những gia đình có 5 con trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, thậm chí chưa biết chữ, có hoàn cảnh éo le. 80% số này đã từng lao động và kiếm được tiền tại Việt Nam. 85% cô dâu lấy chồng hơn mình từ 10- 19 tuổi, 15% hơn từ 20- 30 tuổi. Theo khảo sát, có 83,5% chị em lấy chồng nước ngoài có thể tích lũy tài chính và hỗ trợ gia đình ở Việt Nam, 83,6% số cô dâu cảm thấy hài lòng về cuộc sống tại quê hương người chồng. 11% số cô dâu đã ly dị để hồi hương vì không có hạnh phúc và tích lũy kinh tế nơi đất khách. (nguồn: chinhphu.vn) |
Hà Thanh - Huy Đứ
c
c