Tiếp cận hồ sơ và điều tra bước đầu tại Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ, phóng viên đã phát hiện hàng loạt sai phạm.
Các sai phạm như: Xây cao quá giấy phép 4
tầng, làm sân bay trực thăng trên sân thượng khi chưa có công văn chấp thuận của
Bộ Quốc phòng, triển khai dự án công viên cây xanh, đường nội bộ đè lên hàng
chục nhà dân đã được cấp sổ đỏ và hệ thống cống ngầm, bể phốt của hai khu nhà
tập thể lâu năm…
Giấy phép 9 tầng, xây 13 tầng
Hơn 16 năm trước, trong cơn sốt thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đã cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 20/1/1997 cho Dự án Bệnh viện
Quốc tế Hoa Kỳ, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, chủ đầu tư là Tập đoàn
Keystoneinvest (Hoa Kỳ) do Tiến sĩ Việt kiều Trần Văn Khoát là đại diện. Đây là
dự án 100% vốn nước ngoài, được chủ đầu tư hứa hẹn, “hàn gắn những tổn thương về
thể chất và tinh thần mà cuộc chiến tranh Mỹ - Việt đã gây ra”.
Ngày 16/3/2001, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 1463/QĐ-UB thu hồi
9.998m2 tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy để cho phép Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ
thuê trong thời hạn 40 năm, giá thuê đất là 1,68 USD/m2/năm.
Mô hình toà nhà thiết kế 9 tầng nổi có sân đỗ trực thăng song đến nay chưa có giấy phép của Bộ Tổng tham mưu. |
Sáng 27/11, phóng viên trở lại công trường Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ, phía
trong khu vực quây tôn im lìm vắng như “chùa bà Đanh” là tòa nhà trung tâm đã
xây xong phần thô 13 tầng đứng chỏng chơ, nhiều mảng kính đã bong tróc. Lật giở
Quyết định số 709/QĐ-BXD ngày 27/4/2006 của Bộ Xây dựng do ông Nguyễn Văn Liên,
khi đó là Thứ trưởng Bộ ký trước ngày khởi công, chúng tôi không khỏi giật mình
khi dự án chỉ được cấp phép xây dựng 9 tầng nổi, một tầng hầm. Thế mà trên thực
tế đến nay, chủ đầu tư nước ngoài đã liều lĩnh xây quá giấy phép 4 tầng mà không
hề bị các cơ quan chức năng của quận và thành phố xử lý. Vấn đề này cũng được
người dân nhiều lần có ý kiến phản ánh nhưng đã bị cơ quan chức năng “phớt
lờ”.
Bộ Xây dựng cấp phép toà nhà chỉ có 9 tầng nổi… và thực tế hiện nay là 13 tầng nhưng chưa bị xử lý. |
Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm, sai phạm này chưa hề bị xử lý khiến dư luận
đặt câu hỏi, có hay không sự “bảo kê” cho sai phạm lớn như vậy, xây vượt tới 4
tầng với hàng chục nghìn mét vuông sàn. Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi
có sự khuất tất gì không khi mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng đưa
ra tuyên bố “không có ngoại lệ với công trình sai phép” từ năm 2007. Sau tuyên
bố này, nhiều công trình sai phép, xây cao tầng ở Hà Nội đã bị “trảm” để giữ kỷ
cương phép nước. Vậy mà công trình Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ tại sao vẫn “ung
dung tự tại”. Phải chăng vì chủ đầu tư nước ngoài thì được “ưu ái” hơn hay còn
có uẩn khúc gì khác? Thiết nghĩ việc này cần được làm rõ gắn với trách nhiệm cán
bộ trong triển khai Nghị quyết Trung ương 4.
Xây sân bay trực thăng vi phạm nghiêm trọng về quốc phòng - an
ninh
Chưa hết, với hạng mục xây dựng sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà 9 tầng,
nay đã là 13 tầng là một sai phạm hết sức nghiêm trọng. Việc xây dựng sân bay
trực thăng, bãi đỗ, nhà cao tầng là hạng mục đặc biệt liên quan trực tiếp tới
bảo đảm quốc phòng - an ninh; liên quan tới rất nhiều vấn đề như phương án đường
bay, tầm bắn phòng không, an ninh hàng không, phương án tác chiến chung của khu
vực phòng thủ…
Đặc biệt, vị trí sân bay với tòa nhà 9 tầng so với sân bay ở tòa nhà 13
tầng là một thay đổi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phương án tổng thể về quốc
phòng - an ninh; cần phải báo cáo và được phép của cơ quan chức năng, liên quan
tới nhiều đơn vị như Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Tác chiến (Bộ Tổng
tham mưu), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng…
Thế nhưng, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều đơn vị đều cho hay đến
nay chưa hề nghe nói về việc Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ xin xây sân bay trực thăng
trên nóc tòa nhà 9 tầng, càng không biết tòa nhà đã bị xây lên tới 13 tầng.Về
việc này, ngay từ ngày 20/6/2007, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số
3415/VPCP-QHQT do ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Phải phối hợp với Bộ Quốc
phòng làm rõ các điều kiện cần thiết trên cơ sở quy định của pháp luật, hướng
dẫn chủ đầu tư lập đề án cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét”.
Đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện là làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ. Nghiêm trọng hơn, việc tuỳ tiện thay đổi thiết kế, xây trái phép 4
tầng rõ ràng là một sự “cơi nới” tuỳ tiện, không có thẩm định của cơ quan chức
năng, sẽ phá vỡ kết cấu, không đảm bảo an toàn cho hạng mục sân bay trực thăng,
có thể làm công trình bị biến dạng, có bị thay đổi kết cấu và có ảnh hưởng đến
sự an toàn của công trình cũng như cư dân sống trong khu vực?...
Điều chỉnh quy hoạch 3 lô đất - nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỉ
đồng
Với dự án công viên cây xanh, khi thẩm định dự án do Bệnh viện Quốc tế Hoa
Kỳ đề xuất, UBND quận Cầu Giấy, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng Sở Tài nguyên và
Môi trường đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra thực địa khiến cho dự án rơi vào
tình trạng “dở khóc dở cười”.
Khi đo đạc làm phương án giải phóng mặt bằng, mới vỡ ra chuyện dự án lấn
luôn vào đất của hàng chục hộ dân đã được cấp sổ đỏ, làm gia tăng bức xúc. Ngày
5/7/2010, đoàn kiểm tra gồm nhiều cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường khu đất
CX1 đã phải lập biên bản thừa nhận toàn bộ khu mốc giới do Sở Tài nguyên và Môi
trường cắm đã lấn và chỉ giới nhà tập thể F3 khoảng 2m, được thành phố cấp phép
xây dựng từ năm 1992, có hàng nghìn mét vuông nhà 4 tầng, 6 tầng, nhà gạch.
Trước sai sót này, các cơ quan chức năng đã phải điều chỉnh lại mốc giới dự án
liên quan tới nhà F3.
Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm việc với Bộ Quốc phòng để hoàn thiện các thủ tục xin phép xây dựng sân bay trực thăng đã không được chấp hành. |
Trở lại với Quyết định 5211/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Thành phố ký ngày 8/10/2008 về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Đáng lưu ý, tại lô đất số 1 theo quyết định điều chỉnh ghi rõ: “Theo quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy tỷ lệ 1/2000 được duyệt là đất hành lang cách ly điện cao thế, sau khi hạ ngầm tuyến điện, phần đất này có chức năng là đất cây xanh (hiện nay Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ đang nghiên cứu theo chủ trương của UBND thành phố), ký hiệu CX1. Quyết định này đã bị nhiều người dân như các ông bà Vũ Thị Bình, Hoàng Văn Khánh, trong đó có cả đại biểu Quốc hội khóa XII Trần Thị Kim Phượng có ý kiến nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo các đơn thư này, thì việc điều chỉnh quy hoạch hành lang lưới điện sau
khi hạ ngầm có tới hai lô đất chuyển thành công trình nhà ở, một lô đất chuyển
thành công viên cây xanh nhưng đều không xuất phát từ quy hoạch tổng thể và nhu
cầu thực tế của người dân mà lại hướng tới lợi ích riêng cho hai doanh
nghiệp.
Cụ thể, với lô đất CX1, là lô đất chuyển đổi thành dự án cây xanh duy nhất
của hành lang lưới điện nhưng lại giao cho một công ty tư nhân nước ngoài là chủ
đầu tư Bệnh viện Hoa Kỳ lập dự án khiến người dân rất bức xúc vì dấu hiệu lợi
ích nhóm. Bởi lẽ, khu vực này rất đông dân cư, ngoài các nhà tập thể còn có khu
vực Làng quốc tế Thăng Long, cũng cần khuôn viên cây xanh chung. Vậy thì tại sao
không quy hoạch công viên cây xanh cho tổng thể khu vực mà lại dành riêng cho
Bệnh viện Hoa Kỳ? Tại sao không giao việc triển khai dự án công viên cây xanh
cho doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Cây xanh của thành phố mà lại giao cho tư
nhân?
Một trang trong bản báo cáo hiện trạng dự án CX1 lấn vào hàng chục nhà dân được cấp sổ đỏ. |
Theo người dân phản ánh, có dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư sẽ tiếp tục thay đổi quy hoạch chi tiết để sau này chuyển đổi khu vực này hạng mục xây dựng công trình nhà ở hoặc kinh doanh. Đó là chưa kể còn nhiều ý kiến của nhân dân đề xuất thêm nhiều hạng mục, trong đó có cả vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng một phần khu đất này cho các dự án hạ tầng, đường sá, nhà ở, bán đấu giá vừa tăng thu ngân sách vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân dân. Cho nên, việc bổ sung lấy ý kiến của dân, xem xét, sửa đổi lại Quyết định 5211/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Khôi ký là một đòi hỏi cấp thiết.
Tương tự, với hai lô đất TT-01, TT-02 được chuyển thành đất nhà ở liền kề
và đất nhà ở thấp tầng nhưng lại giao cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển cơ
sở hạ tầng INDECO quản lý gần 17.000m2 đất vàng để đổi lấy một việc rất “bèo” là
“hạ ngầm” 1.740m đường điện cao thế. Hiện chưa xong thủ tục xong công ty này đã
phân lô bán nền hàng trăm lô đất. Vụ việc này tiềm ẩn nhiều khuất tất lợi ích
nhóm nghiêm trọng, gây lãng phí của nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
Công trình biệt thự do Công ty Indeco bán trái phép trên các lô đất TT-01, TT-02 – tiềm ẩn tiêu cực thất thoát hàng trăm tỷ đồng. |
Rõ ràng là với hàng loạt bất cập trên, cho thấy liên quan đến dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ cùng với việc điều chỉnh quy hoạch 3 lô đất CX1, TT-01, TT-02 hiện đang tiềm ẩn hàng loạt khuất tất, có dấu hiệu sai phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Những dấu hiệu sai phạm trên đủ cho thấy đã đến lúc các cơ quan thanh tra
của thành phố Hà Nội, cao hơn là Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc xác minh,
làm rõ toàn bộ những sai phạm liên quan tới dự án Bệnh viện Hoa Kỳ và 3 lô đất,
xử lý nghiêm minh, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước và vi phạm lợi ích
chính đáng của nhân dân.
Cách đây 7 năm, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội từng ra nghị quyết buộc
dự án phải thi công, nay HĐND thành phố lại bước vào một kỳ họp cuối năm, hi
vọng rằng những sai phạm, "ung nhọt" tại Bệnh viện Hoa Kỳ và các dự án liên quan
sẽ được HĐND thành phố Hà Nội nhìn nhận và xử lý nghiêm minh.
Theo Petrotimes
BÀI ĐỌC NHIỀU
Tags: