SINGAPORE (NV) .- Chỉ còn 3 tuần nữa là hết năm, cuộc đàm phán của 12 nước tham dự hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Bộ trưởng Thương Mại và đại diện của các nước đàm phán hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) họp ở Singapore ngày 7/12/2013. Nhiều nguồn tin cho rằng khó lòng đạt được TPP trước cuối năm nay. (Hình: ROSLAN RAHMAN/AFP/Getty Images)
|
Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP (Trans-Pacific Partnership) của 12 nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương, đã qua rất nhiều vòng đàm phán từ năm 2002 đến nay, dự trù kết thúc trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, các tham dự viên trong kỳ đàm phán sau cùng mới kết thúc ở Singapore chỉ loan báo là họ đã tìm thấy “vùng hạ cánh” (landing zones) cho nhiều sự bất đồng còn sót lại gồm các các vấn đề liên quan đến bản quyền tri thức, sản phẩm nông nghiệp và những vấn đề khác.
Một hiệp định vững chắc là “then chốt để tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tạo cơ hội cho công dân của chúng ta, góp phần cho sự hội nhập khu vực và tăng cường hệ thống mậu dịch đa phương”. Bản thông cáo báo chí phổ biến hôm Thứ Ba của tổ chức loan tin. “Chúng tôi quyết định tiếp tục làm việc gấp rút hơn.”
Nói với ký giả sau cuộc họp, ông Michael B. Froman, Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, cho hay cuộc họp đã kết thúc với một sức đẩy tới rất mạnh. Ông cho hay thêm là “Hiện chúng tôi đang chú trọng xây dựng sức đẩy tới đó theo chiều hướng đã được các bộ trưởng xác định các vùng hạ cánh”.
Hiện vẫn chưa biết ngày kết thúc đàm phán là khi nào. Người ta chỉ được các bộ trưởng tham dự cuộc họp cho hay là họ tiếp tục thảo luận ở năm tới.
Riêng tại Mỹ, các nhóm chống đối hay ủng hộ TPP đều ráo riết chiến dịch vận động từ hành lang quốc hội đến chính phủ. Phần lớn những chống đối đến từ các tổ chức lao động, tổ chức bảo vệ môi sinh và giới tiêu thụ. Họ biện luận rằng với TPP, các xí nghiệp sản xuất được cho quyền hành rộng rãi nên sẽ có thêm rất nhiều công việc ở Mỹ được chuyển tới các nước khác làm dân thất nghiệp thêm. Trái lại, có những công ty và xí nghiệp lại tin rằng với hiệp định TPP, sẽ có thêm nhiều việc làm hơn ở đây.
Theo tổ chức tiết lộ bí mật WikiLeaks, một số điều khoản của dự thảo hiệp ước TPP “chà đạp quyền con người”. Nhóm này xì ra trước một phần trên Internet hồi giữa Tháng 11-2013 của bản hiệp định mà họ nói là dự thảo thỏa hiệp về các bản quyền tài sản tri thức.
Vào cuối tuần này, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Việt Nam trên chuyến công du từ Trung đông sang 2 nước Á châu. Bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng chuyến đi Việt Nam của ông Kerry nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện vốn đã từng được Tổng thống Hoa kỳ Obama và Chủ tịch Nhà nước CSVN Trương Tấn Sang công bố hồi tháng bảy. Hai bên cũng sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề song phương và khu vực.
Tuy thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đề cập đến nhân quyền nhưng đài VOA dẫn nhận định của giới quan sát thời sự cho rằng, đó là vấn đề “không thể thiếu” trong các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa kỳ.
Cũng theo VOA, một số tổ chức quốc tế về nhân quyền đã vận động Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến công du lần này, cho dù đó vẫn là mắc mứu trong quan hệ giữa hai bên. Đài BBC thì nhắc lại ý kiến của tạp chí Economist ở Anh, đề nghị ông Kerry nên sử dụng vị thế Ngoại trưởng để vận động đưa ông Lê Quốc Quân và một số nhân vật tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam ra khỏi nhà tù.
Cũng theo BBC thì có thể ông Kerry sẽ ở Việt Nam ba ngày, một khoảng thời gian khá dài trong chuyến công du bốn quốc gia chỉ trong bảy ngày. Giới thạo tin phỏng đoán một trong những nội dung mà ông Kerry sẽ thảo luận với các viên chức Việt Nam là chuyện làm sao để sớm kết thúc đàm phán TPP.
Khi ông Trương Tấn Sang tới Hoa Thịnh Đốn hồi Tháng Bảy vừa qua, bản thông cáo chung giữ ông và tổng thống Barack Obama cũng cam kết kết thúc đàm phán song phương TPP giữa hai nước trong năm nay.
Người ta không rõ đàm phán song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ về sở hữu bản quyền trí tuệ, hàng rào bảo vệ hàng dệt may với đòi hỏi cấm xuất xứ nguyên liệu từ nước không phải thành viên TPP, bảo vệ kỹ nghệ nuôi catfish, đòi hỏi bảo vệ giới công nhân theo đúng tôn chỉ tự do nghiệp đoàn, ngăn chặn tham nhũng v.v… đã đi tới đâu.
Việt Nam rất muốn được Mỹ công nhận là một nước có “nền kinh tế thị trường” dù nó hiện diện trước mặt mọi người là một thứ đầu ngô mình sở “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Kỹ nghệ dệt may và da giày xuất khẩu ở Việt Nam tùy thuộc phần lớn vào nguyên vật liệu nhập cảng từ Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ nhất định đòi hỏi xuất xứ vật liệu các loại hàng vừa kể phải đến từ một nước thành viên TPP thì sẽ kẹt nặng cho Hà Nội.
Người dân ở Việt Nam được biết có đàm phán TPP của báo đài “lề phải” với những gì được cho biết rất giới hạn. Nó tốt xấu thế nào hoàn toàn do nhà nước quyết định, “quần chúng nhân dân” không được xen vào.
Việt Nam muốn được ưu đãi hơn về thuế quan để gia tăng xuất cảng, cứu nền kinh kế đang gặp nhiều khốn đốn. Thất nghiệp gia tăng vì hàng chục ngàn công ty lớn nhỏ sập tiệm hay “chết lâm sàng”.
Đại sứ Mỹ David Shear nhân dịp đến đại học Cần Thơ, ông đọc một bài diễn văn nói về đàm phán TPP rằng “Có lẽ nhiều lợi ích đáng kể nhất cho Việt Nam” khi hiệp định thành hình.