Thứ Tư, 11/12/2013 20:40
Xuất phát từ ý tưởng nhân văn nhưng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang bị biến tướng, sa vào hô hào, nặng về hình thức
Từ nhà xây kiên cố mặt tiền đường nhựa cho đến túp lều tuềnh toàng ngoài mé kênh ở tỉnh Vĩnh Long nhất loạt cắm cọc treo khẩu hiệu “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa” (QTXDGĐVH). Nhiều người dân phản ánh họ được các cán bộ phường, ấp “mời” mua những tấm biển này với giá đắt gấp đôi so với chi phí tự đi làm.
Nhà nhà “quyết tâm...”
Tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, dọc các tỉnh lộ 904, 905, gần như 100% các hộ dân đều treo biển QTXDGĐVH trước cửa nhà. Cách treo biển thì muôn hình vạn trạng. Có biển được “treo” ở dãy hàng rào, gần sát mặt đất, hoàn toàn bị che khuất sau bụi cây . Có biển lủng lẳng trên cổng dựng bằng cây nhưng lại để mặc cho dây leo che phủ. Đáng chú ý, ở trụ sở tổ nhân dân tự quản số 3, ấp Mỹ Phú Tân, xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình đồng thời là điểm đọc sách của ấp, biển QTXDGĐVH đã cũ nát, phai chữ. Ngoài ra, rất nhiều biển bị gỉ sét, cong queo, thủng lỗ chỗ và rách tơi tả, nhìn không thể nào tin đó là phương tiện để cổ động cho việc xây dựng văn hóa.
Theo trần tình của nhiều hộ dân, họ phải mua biển treo lên vì sợ bị rầy rà. Chính vì tâm lý bị ép nên họ treo đại ở chỗ nào đó cho xong rồi bỏ mặc. Hơn thế, một số hộ cho biết gia đình họ cảm thấy xấu hổ khi phải treo biển quyết tâm lên vì trong nhà có người trộm cắp, đánh nhau… Anh Nguyễn Thanh Phong - một người dân ở ấp Phú Thọ, xã Tân Phú, huyện Tam Bình - kể rằng tấm biển QTXDGĐVH của nhà anh được các cán bộ ấp “mời” mua với giá 20.000 đồng. Anh Phong làm nghề thợ hồ, trung bình mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000-150.000 đồng nuôi gia đình. “20.000 đồng có thể mua được 2 kg gạo cho 4 thành viên trong nhà ăn cả ngày” - anh Phong than thở. Hiện nay, sau một thời gian ngắn treo lên hàng rào nhà, các biển QTXDGĐVH của nhà anh Phong và nhà hàng xóm đã xuống cấp nhanh chóng nhưng không ai dám tháo ra vì ấp chưa “mời” mua biển mới.
Những tấm biển quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa đã gỉ sét treo đầy ở tỉnh Vĩnh Long Ảnh: NHẬT THANH
Ở các huyện Trà Ôn, Bình Minh và TP Vĩnh Long, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Các biển QTXDGĐVH kèm địa chỉ nhà đều được các cán bộ phường, ấp “mời” dân mua với giá từ 20.000-30.000 đồng. Trong khi đó, theo một người chuyên làm các loại biển này ở huyện Bình Minh, giá làm một tấm biển như vậy chỉ khoảng 10.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ lãnh đạo huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Long cho biết đó là quy định chung của tỉnh, hộ nào cũng được “mời” mua biển để treo. Việc làm biển và bán biển là do cấp phường, ấp, tổ dân phố thực hiện; huyện và thành phố chỉ đạo làm chứ không thu tiền của người dân. Theo nhìn nhận của ông Trần Tấn Hiện, Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Bình, toàn huyện có trên 30.000 hộ dân và hộ nào cũng được vận động treo biển QTXDGĐVH vì đó là “quy định chung của tỉnh”. Nhìn chung, hầu hết các hộ ở huyện Tam Bình đều đã treo biển. Tuy nhiên, ông Hiện cho biết chỉ ở đâu các cán bộ ấp “ép” quyết liệt thì mới đạt được 100% tỉ lệ các hộ dân bỏ tiền mua biển để treo .
Không cắt danh hiệu vì “thấy tội” (!)
Tại tỉnh Phú Yên, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang tiến hành thẩm định khu phố, thôn, buôn văn hóa và gia đình văn hóa năm 2013. Hiện chỉ mới có 3/9 huyện, thị báo cáo số liệu nhưng đã cho thấy khu phố, thôn, buôn, gia đình đạt danh hiệu văn hóa năm nay tăng khá cao.
Có mặt ở khu phố Lê Lợi, phường 3, TP Tuy Hòa, ngay góc đường Nguyễn Huệ - Yersin từ sáng sớm, chúng tôi thấy rác đã ngập. Không ít người chạy xe qua lại phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Nhà trẻ Hoàng Yến (nằm đối diện với bãi rác) hiếm khi thấy mở cửa. Đến chiều, bãi rác nới rộng thêm, ngập tràn gần hết con đường Yersin. Mỗi khi có xe chạy qua, ruồi nhặng bay ra như ong vỡ tổ. Có đến hơn nửa dãy phố trên con đường Yersin cửa nhà đóng im ỉm từ sáng đến tối. “Dân ở đây phải sống khổ sở. Bữa ăn, giấc ngủ cũng không được yên. Dọn cơm ra thì ruồi đậu đen cả mâm, tối ngủ thì cái đầu nặng trịch vì hít phải mùi bãi rác tanh thối này” - ông Lương Quý Anh, nhà gần bãi rác, bức xúc.
Người đàn ông 65 tuổi này đã nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi đến phường rồi lại gửi đến UBND TP Tuy Hòa nhưng rồi đâu vẫn lại đấy. Ông chỉ lên đôi mắt sưng húp của mình rồi bảo đã đau mắt gần một tháng nay, dùng đủ thứ thuốc vẫn không hết chỉ vì ở cạnh bãi rác. “Ý thức vậy mà cũng là khu phố văn hóa cơ đấy. Một bãi rác to đùng nằm giữa thành phố, khách du lịch qua lại phải bịt mũi vậy mà người ta cũng để được” - ông Anh nói thêm.
Cũng ở phường 3, TP Tuy Hòa, không hơn khu phố văn hóa Lê Lợi, người dân đổ rác tràn ra thành bãi ở ngay trước cổng ghi dòng chữ to: Khu phố văn hóa Nguyễn Công Trứ. Bà Phạm Thị Thúy Vi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phường 3, TP Tuy Hòa - cho biết phường này đã đề nghị và TP Tuy Hòa trả lời đã công nhận cả 4 khu phố ở phường đều là khu phố văn hóa. “Trong 5 tiêu chuẩn để đánh giá khu phố văn hóa có tiêu chuẩn về môi trường cảnh quan sạch đẹp. Đúng là khu phố có bãi rác như thế mà là khu phố văn hóa thì không xứng tầm. Nhưng khổ nỗi bãi rác có lâu rồi, không dẹp được. Nếu cắt danh hiệu văn hóa cũng tội, đành phải du di” - bà Vi nói.
Nhận danh hiệu cho có
Tại thôn văn hóa Phú Mỹ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, khi được hỏi về danh hiệu gia đình văn hóa, hầu hết người dân đều không mấy mặn mà. Họ cho rằng nhận danh hiệu cho có phong trào bởi việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa không quá khắt khe, dường như gia đình nào không có sinh con thứ 3 hay không vướng vào tệ nạn xã hội cũng đều được công nhận là gia đình văn hóa.
Tr.Thường
|
NHẬT THANH - HỒNG ÁNH