Thông tin bão Haiyan ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội, khiến nhiều bà nội chợ nháo nhào đi vơ vét thực phẩm tại các siêu thị trước khi đóng cửa vào 9 giờ đêm.
Gần nửa đêm, bất chấp mưa nặng hạt, nhiều người đã đổ đến siêu thị lúc 9 giờ tối để mua hàng tích trữ. Thông tin bão Haiyan ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội, khiến nhiều bà nội chợ nháo nhào đi vơ vét thực phẩm tại các siêu thị trước khi đóng cửa vào 9 giờ đêm.
Mua thêm đồ vào phút chót
Vừa ăn cơm tối xong, chị Nguyễn Thị Ngân (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) vội bỏ đũa để tranh thủ đi siêu thị. Mặc dù đã mua đủ đồ dự trữ vào sáng nay nhưng nghe tin bão lớn khiến chị Ngân không an tâm.
Vừa chọn nốt những chiếc bắp cải cuối cùng bỏ vào giỏ mua hàng, chị Ngân chia sẻ: "Thế là yên tâm trong mấy ngày mưa bão. Rút kinh nghiệm từ trận lụt lịch sử 2008 nên giờ cứ nghe tin bão là mình đều dự trữ sẵn lương thực thực phẩm trong nhà. Giờ này muốn mua thực phẩm chỉ có siêu thị. Đằng nào cũng phải mua nếu bão không ảnh hưởng thì để ăn dần có sao đâu."
Các loại thực phẩm chị Ngân lựa chọn đều là những loại ra củ có thể để dành được lâu dài như bắp cải, khoai tây, su hào... Không chỉ mua thêm rau, chị còn giao nhiệm vụ cho chồng mua thịt hộp và đồ hải sản đông lạnh để dành.
Cũng giống chị Ngân, chị Hải Yến (đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) cũng nháo nhào ra siêu thị ở Hà Đông để mua thêm thực phẩm. Theo chị Yến, cứ sao đợt bão hay mưa kéo dài, rau củ khan hiếm và giá cao nên việc mua dự trữ không có gì là thừa.
Chị Yến đưa ra lời khuyên, các loại rau củ mua về nhặt sạch, cho vào túi nilong để ngăn tủ lạnh có thể sử dụng được cả tuần. Chị còn mua thêm cả một số loại miến, phở khô. "Cứ tưởng đi giờ này vắng nhưng ai cũng lo xa như mình. Cũng may siêu thị chưa tăng giá và vẫn còn nhiều đồ", chị Yến nói.
Thịt heo, thịt gà công nghiệp cũng là thực phẩm tránh bão được nhiều ngươi tìm mua
Không chỉ các bà nội trợ mà ngay cả sinh viên cũng lo xa. Chị Lương Thị Minh (sinh viên ĐH Kiến trúc, Hà Nội) cho biết: "Sinh viên ăn uống đơn giản nhưng tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Thôi cứ làm chục trứng với ít khoai tây nhỡ có lụt thì cũng đỡ phải đi chợ". Minh được cả xóm trọ nhờ mua thêm cả mì tôm, xúc xích và cả sữa tươi.
Cầm trên tay 5 hộp cá đông lạnh, chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) đang mua sắm tại siêu thị ở Big C, vẫn lo thiếu thực phẩm cho gia đình dùng trong mấy ngày tiếp theo. Chị than thở: "Lo bão về, chạy vội đi siêu thị để mua hàng, ai ngờ tới nơi cũng không còn gì nhiều. Rau xanh hết nhẵn, thịt cá cũng không còn hàng tươi ngon theo mong muốn. Nhưng biết làm sao được, mua được gì thì mua, mai bão về lại không đi chợ được".
Chia sẻ trên facebook, một bạn nữa nói: "Ám ảnh vụ suýt chết đói trong bão năm 2008, quyết tâm xách túi ra chơ khuân thịt thà, rau củ quả về tích trữ. Tinh thần lên cao như chuẩn bị ra trận".
9 giờ tối xếp hàng ở siêu thị
Khảo sát tại các siêu thị ở khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy vào lúc 8 giờ 30 phút tối 10/11, mặc dù ngày cuối tuần, thời tiết mưa lớn nhưng lượng khách tới siêu thị vẫn tăng, đông hơn hẳn so với thời điểm ban ngày.
Các siêu thị không có hiện tượng khan hiếm hàng cũng như tăng giá. Tuy nhiên, quầy rau sạch và thực phẩm sống ở một số siêu thị, cụ thể như Thanh Xuân đã không còn hàng. Thay cho việc mua thức ăn tươi sống, nhiều người đã chuyển sang mua các loại đồ hộp, đồ khô như mì tôm, trứng, thực phẩm đóng hộp.
Theo một nhân viên bán hàng tại siêu thị ở Hà Đông, hầu hết người tiêu dùng đều mua với số lượng lớn các loại củ-quả như rau cải xanh các loại, củ cải trắng, cà rốt, khoai tây, cà chua, bí xanh, bầu, bí... để thuận tiện hơn trong việc dự trữ và sử dụng trong những ngày mưa bão. Dù muộn nhưng người mua vẫn xếp hàng dài để chờ thanh toán.
"Tin bão to ai cũng mua dự trữ, từ sáng tới giờ, quầy hàng thực phẩm đồ ăn luôn đông khách. Thường mua bão nên các tiểu thương thường nghỉ hoặc không có hàng để bán chính vì thế người mua luôn chọn siêu thị", chị chia sẻ.
Tại Big C Thăng Long, gần 9 giờ tối, không khí mua thực phẩm tích trữ trước cơn bão dữ cũng hối hả. Theo phản ánh của người tiêu dùng, mặt hàng rau xanh "cháy hàng", không đủ đáp ứng nhu cầu người mua.
Cuối ngày, cải thảo không còn hàng tươi ngon nhưng nhiều người cố chọn mua
Chị Thùy Linh, nhân viên bán hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Triều Khúc cho hay, trong ngày hôm nay cửa hàng đã bán gần 50 thùng mì tôm, chưa kể các loại hàng khô khác như bánh đa, sợi mì khô. Không chỉ vậy, người mua còn lựa chọn thêm nến, pin, sữa và đồ đông lạnh. Theo chị Linh, cứ trước mỗi đợt mưa bão, lượng hàng bán ra đều tăng mạnh.
Trong khi đó, sáng (10/11), tại nhiều khu vực dân sinh có hiện tượng khan hiếm rau củ và lượng hàng được bán tăng mạnh, tuy nhiên theo đánh giá chung của người tiêu dùng không có sự tăng đột biến về giá. Giá các loại rau phổ biến như sau: Cải chip 1.500 đồng/mớ, cải xanh, cải cúc, cải hoa 3.000 đồng/mớ, rau dền, mồng tơi, su hào có giá 3.000- 5.000 đồng/củ, rau cần 4.000 đồng/mớ, rau muống 5.000 đồng/mớ, bắp cải 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Một số thực phẩm đặc sản như cá quả, hải sản, gà ta, cua đồng, thịt bắp bò... nhích thêm khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg so với ngày thường. Giá thịt bò từ 220.000 đến 280.000đồng/kg; thịt lợn 90.000-120.000 đồng/kg tùy từng loại.
Theo Duy Anh - Khổng Chiêm
VEF