THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 April 2012

Xử lý hình sự “tội” kinh doanh thực phẩm bẩn

Đưa tin không chính xác về những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm gây tác động lớn đến xã hội sẽ bị xử lý.
 
Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào sáng 26-4 có hai nội dung được quan tâm. Đó là: Thực phẩm nhiễm chất cấm và quy chế thông tin những vấn đề liên quan đến VSATTP của báo chí.

Phạt hành chính chưa đủ đô
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết thực trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục ở nhiều địa phương vẫn tồn tại với tỉ lệ từ 50% đến 87%; sử dụng phụ gia không nhãn mác hoặc nhãn mác không đúng quy định chiếm 50%. “Chính phủ cần ban hành nghị định quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc mạn tính” - bà Tiến kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết trước thông tin thịt heo nhiễm chất cấm beta-agonist, cơ quan chức năng kiểm định và ghi nhận 13/168 mẫu thức ăn chăn nuôi, 8/119 mẫu thịt và gan heo, 7/58 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm. Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra 15 tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ, ghi nhận 2/101 mẫu thức ăn chăn nuôi, 1/34 mẫu thịt và gan heo dương tính với beta-agonist. “Kết quả kiểm định cho thấy các mẫu nhiễm chất cấm khá thấp” - bà Thu nhận định.

Đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), cho biết C49 đã từng phát hiện chả lụa có sử dụng hàn the và phở chứa formol với số lượng rất lớn nhưng chỉ xử phạt hành chính. “Chúng ta cần xem xét và quy định xử lý hình sự đối với trường hợp sử dụng chất cấm trong thực phẩm thì mới đủ sức răn đe” - vị này đề xuất.
Phong trào ba không triển khai thực hiện sẽ hạn chế thực trạng giết mổ không an toàn. Trong ảnh: Địa điểm phát hiện sử dụng heo bệnh để làm heo quay. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cần sớm ban hành quy chế thông tin
Liên quan đến cá điêu hồng, bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết kết quả xét nghiệm do Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM thực hiện cho thấy có 2% nhiễm Trifluralin. Sau khi kiểm tra lại ở Tiền Giang và Đồng Tháp thì không phát hiện. “Thông tin heo nhiễm chất tạo nạc và cá nhiễm chất cấm gây hoang mang cho người tiêu dùng. Cần rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin cho báo chí nếu chưa có kết luận chính thức” - bà Thu nói.

Dẫn chứng những vụ việc báo chí nêu gây hoang mang trong dư luận như bưởi gây ung thư, gạo giả, heo và cá nhiễm chất cấm, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nêu vấn đề: “Thời gian qua, báo chí làm tốt chức năng tuyền truyền, góp phần nâng cao nhận thức VSATTP của người sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, có vụ việc báo chí thông tin quá mức, thiếu kiểm chứng, gây tác động lớn đến đời sống xã hội”.

Ông Doãn kiến nghị cần có văn bản liên tịch về quy chế công bố và thông tin những vấn đề liên quan đến VSATTP cũng như việc xử lý thông tin. “Khi có những vấn đề liên quan đến VSATTP gây tác động lớn đến xã hội mà báo chí nêu, các bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương nên có kết luận ngay bằng văn bản để Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý nếu nội dung đăng tải chưa chính xác” - ông Doãn nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo ba bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương cuối tháng 6-2012 phải hoàn thành thông tư liên tịch về hướng dẫn tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến VSATTP. Riêng Bộ Y tế, đến cuối tháng 6-2012 phải ban hành danh mục chất cấm không đưa vào thực phẩm để có cơ sở pháp lý xử phạt. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành khác tổ chức tập huấn kiến thức cho những người kinh doanh phụ gia thực phẩm để cấp chứng chỉ hành nghề.

Phát hiện nhiều quán ăn vi phạm ATVSTP
BS Phan Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước thực trạng thịt không nguồn gốc, biến chất từ các tỉnh tuồn vào TP.HCM, ngành y tế tăng cường kiểm tra các quán ăn ở những quận vùng ven và huyện ngoại thành. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy nhiều quán ăn vừa không có giấy chứng nhận VSATTP, vừa sử dụng thực phẩm, phụ gia không nguồn gốc, hết hạn, biến chất… Sau đợt kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM sẽ công bố những quán ăn vi phạm nghiêm trọng VSATTP.

Một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết UBND TP.HCM chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM kết hợp cùng Ban Quản lý chợ Bình Điền nhanh chóng xét nghiệm thêm những mẫu cá điêu hồng để xác định dư lượng chất cấm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tránh gây thiệt hại cho người nuôi. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tuần sau.
____________________________________
Chúng ta không sợ sự thật nhưng thông tin phải đúng mức, thúc đẩy phát triển xã hội. Chúng ta không để báo chí mất quyền phát hiện những vấn đề liên quan đến VSATTP nhưng cũng không để vấn đề báo chí phát hiện gây tác hại xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN THIỆN NHÂN
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND phường, xã và hội phụ nữ, hội nông dân tổ chức cuộc vận động thực hiện ba không: không sản xuất rau không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm cấm, không có trong danh mục; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn.
Sau hội nghị giao ban trực tuyến, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu cơ quan chức năng sớm xây dựng kế hoạch phối hợp để triển khai phong trào ba không đến 322 phường, xã trên địa bàn TP.HCM. Ông cũng yêu cầu Sở Y tế TP nghiên cứu triển khai thực hiện mô hình thức ăn đường phố của TP Hà Nội, một mô hình được đánh giá khả thi.
TRẦN NGỌC