Sau bài “2.500 tỉ đồng tiền phạt giao thông đi
đâu?” (Pháp Luật TP.HCM ngày 26-4), nhiều bạn đọc bày tỏ sự ngạc nhiên
về việc phần lớn tiền phạt vi phạm giao thông chỉ để phục vụ cho hoạt
động của ngành
Tôi thật sự bất ngờ trước thông tin tiền xử phạt
vi phạm giao thông hằng năm không hề được sử dụng cho mục tiêu kéo giảm
tai nạn giao thông. Cụ thể, ngành giao thông không chi đồng nào từ số
tiền phạt nêu trên để đầu tư trở lại cho các công trình hạ tầng giao
thông trong khi đường sá ở nhiều nơi đang xuống cấp; điểm đen tai nạn,
cảnh tắc đường thường xuyên diễn ra ở nhiều nơi vẫn chưa được khắc
phục.
Muốn có tiền phát triển các dự án giao thông,
ngành giao thông luôn tính đến việc bắt dân đóng nhiều loại phí dẫn
đến tình trạng phí chồng lên phí. Trong khi sức dân có hạn, vì sao
ngành này không tận dụng mọi nguồn tiền có được, trong đó có số tiền
phạt vi phạm giao thông để giải quyết nhiều việc bức bách về giao thông?
Tôi đề nghị Quốc hội sớm có ý kiến về việc này để tới đây người dân
không bị tận thu với lắm phí giao thông.
Quang Luật (Quận 10, TP.HCM)
Nhiều
ý kiến đồng tình tiền xử phạt giao thông nên dùng phần lớn vào việc cải
tạo nâng cấp đường sá, chỉnh trang đô thị. Ảnh: HTD
Tháng 6 tới đây, ngoài phí sử dụng đường bộ thì
người dân còn phải đối mặt với nhiều loại phí khác như phí hạn chế xe cá
nhân, phí dành cho ô tô đi vào trung tâm các thành phố lớn… Trước sức
ép đóng phí như thế, cá nhân tôi và nhiều người thân trong gia đình đều
cho rằng việc chi tiền xử phạt giao thông theo tỉ lệ 70% trích cho lực
lượng công an, 10% cho thanh tra giao thông, 10% cho Ban An toàn giao
thông và 10% cho các lực lượng khác là chưa hợp lý. Bởi con số 2.500 tỉ
đồng/năm đâu phải nhỏ, nếu muốn trích cho lực lượng đảm bảo trật tự an
toàn giao thông thì chỉ nên trích ít thôi, phần lớn còn lại nên dùng vào
việc cải tạo nâng cấp đường sá, chỉnh trang đô thị. Với cách phân bổ
hợp lý này, ngành giao thông vừa hoàn thành được công việc của mình,
phía người dân cũng đỡ lo chuyện kẹt xe, tai nạn và bị thâm thủng túi
tiền còm cõi.
Hải Yến
Mất đi ý nghĩa răn đe
Có lẽ chỉ có nước mình mới dùng tiền phạt vi phạm
giao thông để bồi dưỡng cho CSGT và tất nhiên là tôi không đồng tình với
điều này. Cũng như đối với cán bộ, công chức các ngành khác, lực lượng
CSGT đã được trả lương theo thang bảng lương của Nhà nước để làm đúng
nhiệm vụ, phận sự của mình, vậy tại sao phải bồi dưỡng thêm? Nếu nói
lương thấp không đủ sống thì đâu chỉ có mỗi ngành giao thông mới “đau
đầu” với chuyện cơm, áo, gạo, tiền, vậy sao chỉ tăng cho CSGT? Nếu nói
phải thêm tiền để chống nạn vòi vĩnh thì đâu chỉ có mỗi ngành giao thông
muốn nói không với tiêu cực, vậy sao chỉ chi cho CSGT?
Hỏi vậy để thấy rằng Chính phủ cần có đề án giải
quyết tổng thể về chế độ phụ cấp trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công
chức nói chung chứ không nên để ngành này, ngành nọ (trong đó có ngành
giao thông) tiếp tục trích tiền xử phạt vi phạm để dưỡng liêm. Cách chi
tiền như thế có thể khiến dư luận hiểu là càng phạt nhiều thì CSGT càng
được hưởng nhiều, trong khi mục đích xử phạt “cao cả” hơn rất nhiều lần,
đó là tạo tính răn đe, rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật của số đông.
Hà Thanh
Theo bài báo thì 60%-80% số tiền trích cho lực lượng công an được sử dụng vào mục đích tuyên
truyền, chỉ đạo tập huấn, tổ chức sơ kết công tác an toàn giao thông,
bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ.... Đối với các lực lượng khác như Ban An
toàn giao thông, tiền trích lại chủ yếu chi cho hoạt động của ban, chi
tuyên truyền, tổng kết, đào tạo nghiệp vụ an toàn giao thông… Tôi đề
nghị ngành giao thông rà soát, điều chỉnh các mục đích này. Đơn cử, với
mục đích tuyên truyền, in ấn tờ rơi thì không cần chi nhiều tiền bởi lẽ
bất kỳ người tham gia giao thông nào cũng đều biết và buộc phải biết
luật giao thông. Điều cần quan tâm ở đây là nếu họ không chấp hành thì
pháp luật có xử lý nghiêm hay không. Kế đến là việc sơ kết, tổng kết
cũng nên làm thật đơn giản để tránh tốn kém, lãng phí.
Nói tóm lại, cái nào đáng chi hãy chi, số còn lại nên đổ dồn vào quỹ bảo trì đường bộ để cải thiện dần đường sá giao thông.
Minh Thiện