Ngày 26.4, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về vấn đề VSATTP. Trong đó, “nóng" nhất hiện nay là việc quản lý, xử lý các hành vi “bỏ độc” vô thực phẩm.
Ngang nhiên "bỏ độc" vào thực phẩm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hóa chất, phụ gia thực phẩm đang được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay ở VN chủ yếu được nhập từ nước ngoài (gần 90%), bao gồm cả nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và nhập lậu.
Thức ăn chăn nuôi được đổ thẳng ra đất trộn với hóa chất trước khi cho heo ăn - Ảnh: Hoài Nam |
Trong khi đó, việc sản xuất kinh doanh thực phẩm ở nước ta hiện nay hầu như đều ở quy mô nhỏ lẻ. Đối với các cơ sở buôn bán nhỏ, việc tuân thủ các quy định về bảo đảm VSATTP chưa tốt chiếm đến 50%.
Phụ gia thực phẩm đang được sử dụng rộng rãi ở các loại thực phẩm chế biến, chiếm từ 70-90%. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định còn diễn ra ở hầu hết các địa phương với hai nhóm hành vi chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép (chiếm từ 50-87%) hoặc với hàm lượng vượt quá giới hạn (chiếm từ 22-93%).
Mặt khác, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không có nhãn mác hoặc có nhãn không đúng quy định chiếm khoảng 50%.
Còn theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngay sau khi có kết quả phân tích về việc thịt heo bị phát hiện có tồn dư chất cấm nhóm Beta agonist, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố kiểm tra lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, nước tiểu của heo và mẫu thực phẩm chăn nuôi (thịt, gan heo) để kiểm tra chất cấm nhóm Beta agonist.
Heo siêu nạc không đứng dậy được, phải vừa ngồi vừa ăn tại máng ăn tự động - Ảnh: Hoài Nam |
Kết quả phân tích cho thấy có 13 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta agonist trong 168 mẫu được phân tích (chiếm 7,8%); 8 mẫu thịt, gan heo dương tính trong 119 mẫu được phân tích (chiếm 6,7%) và 7 mẫu nước tiểu có Beta agonist trong 58 mẫu được kiểm tra (chiếm 12,1%).
Riêng tại Đồng Nai, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ các mẫu dương tính Beta agonist còn khá cao. Cụ thể có 10/29 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta agonist (chiếm 34,48%); 6/53 mẫu nước tiểu dương tính (chiếm 11,32%).
Tốn 50 triệu xử lý vi phạm 5 triệu đồng
Theo đánh giá của Đại tá Trần Trọng Bình, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, tình hình về tội phạm vi phạm VSATTP ngày càng diễn biến phức tạp.
Các vụ vi phạm VSATTP là rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người dân. Tuy nhiên, mức phạt có thể áp dụng với loại vi phạm này hiện nay là quá thấp và chỉ mới có thể xử phạt vi phạm hành chính.
Đại tá Bình dẫn chứng: C49 đã từng bắt những vụ bỏ hàn the vào giò chả với khối lượng lên đến 8 tấn. Chỉ tính riêng tiền lưu kho, đốt xử lý hàng hóa vi phạm đã tốn chi phí hết 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có thể xử phạt đối tượng vi phạm… 5 triệu đồng.
“Điều này rất bất cập vì mức phạt không gây tổn thất kinh tế, không hề có tính răn đe đối tượng vi phạm”, Đại tá Bình nói.
Nhiều trường hợp “bỏ độc” vào thực phẩm đã được C49 ghi nhận trong thời gian qua. Đại tá Bình cho biết, các đối tượng vi phạm bỏ formaldehyde vào bánh phở khai mỗi tuần tiêu thụ khoảng một can 5 lít hóa chất formaldehyde để bỏ vào bánh phở. Hóa chất vô cùng dễ mua, có thể mua tùy thích tại bất kỳ điểm bán hóa chất nào.
Hóa chất, chất phụ gia thực phẩm được bày bán tràn lan, lẫn lộn với hóa chất công nghiệp - Ảnh: Nguyên Mi |
Hiện nay, theo luật định, để khởi tố hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại trong thực phẩm thì hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt lên đến hàng trăm người. Trong khi đó, những chất tồn dư trong thực phẩm không làm chết người ngay hay gây ngộ độc ngay mà gây tác hại lâu dài, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe con người và có sức ảnh hưởng rộng.
“Trong các vụ việc, không có người chết, không có ngộ độc thực phẩm hàng loạt hàng trăm người thì chúng tôi không thể khởi tố hình sự vi phạm VSATTP được”, Đại tá Bình nói.
Vì vậy, Đại tá Bình đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu, ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm, đồng thời định lượng hàm lượng, mức độ độc hại của các chất, để lực lượng công an có cơ sở vận dụng luật pháp, xử lý hành vi sử dụng các chất này vào tội “kinh doanh chất cấm, buôn bán hàng cấm” để xử lý hình sự.
Cũng theo C49, cả chục năm nay không có vụ việc vi phạm VSATTP nào bị xử lý hình sự.
Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM về việc ban hành quy định người kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm phải có năng lực chuyên môn về các sản phẩm này mới được cấp phép kinh doanh.
Nguyên Mi