Các hầm than bị đóng cửa nhưng người dân vẫn khai thác, cơ quan chức năng không kiểm soát nổi?
Tối 25-4, lực lượng chức năng đã tìm
thấy thi thể của chị Quách Thị Sang (27 tuổi) và anh Bùi Đức Vượng (17
tuổi), hai phu than làm thuê cho chủ hầm khai thác than trái phép, đưa
về quê an táng.
Việc hai phu than chết ở khu vực thôn Ngọc Kinh, xã
Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) như một tất yếu vì nơi đây đang có
hàng chục hầm than ngày đêm khai thác trái phép, cơ quan chức năng hầu
như không kiểm soát được.
Dày đặc hầm than lậu
Khu vực Ngọc Kinh có trữ lượng than khoảng 4-5 triệu
tấn. Từ thời Pháp, mỏ than này đã bị khai thác và nay người dân tiếp tục
khai thác tận thu ở các hầm cũ và đào nhiều hầm mới để khai thác trái
phép.
Hiện cứ khoảng 100 m lại có một hầm than. Bên ngoài
khu vực miệng hầm, người khai thác lậu dựng lều bạt để tránh nắng, nghỉ
ngơi. Trong lòng hầm rộng khoảng 1,5-2 m, ẩm thấp và được chống đỡ bằng
trụ gỗ. Những người khai thác lậu kéo dây điện xuống tận đáy hầm để khai
thác ở độ sâu 30-50 m với nhiều ngóc ngách.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người khai thác
than trái phép sẽ bán cho các công ty khai thác than tại xã Đại Hồng
hoặc bán cho những đầu nậu thu mua trong tỉnh. Anh Lê Văn Tuấn (35 tuổi)
cho biết: “Không chỉ người dân trong xã khai thác chui mà một số người
dân ở xã khác cũng đến khai thác lén. Một số hầm có chủ thì họ thuê
người từ nơi khác đến. Các phu than chủ yếu đến từ Hòa Bình, Thanh Hóa
và Nghệ An. Mỗi hầm than có khoảng 10 người khai thác”.
Một hầm than trái phép vừa được người dân khui đào. Ảnh: LÊ PHI
Bên trong một hầm than lậu không đảm bảo an toàn. Ảnh: LÊ PHI
Từ tháng 7-2011, sau khi hai công ty Hoàng Phúc và
Đại Lộc bị tỉnh rút giấy phép khai thác thì cũng là lúc nạn khai thác
than trái phép nở rộ. Bởi sau khi rút khỏi địa bàn, hai công ty này để
lại khoảng 30 hầm than lớn nhỏ bao quanh thôn Ngọc Kinh và người dân
không bỏ lỡ cơ hội khai thác chui.
Ông Trần Thanh Tâm, Trưởng Công an xã Đại Hồng, nói:
“Ngày trước mỏ than Ngọc Kinh do xã quản lý nên rất dễ kiểm soát, sau đó
chuyển cho tỉnh quản lý thì việc kiểm tra không thường xuyên nên xuất
hiện tình trạng khai thác trái phép”.
Khó kiểm soát
Theo người dân tại xã Đại Hồng, các mỏ than lậu hiện
xuất hiện dày đặc, khai thác gần như công khai. Năm nào các mỏ than lậu
này cũng cướp đi vài sinh mạng, mà chủ yếu là người từ nơi khác đến.
Ở khu vực này, ngoài người dân tự khai thác còn có
một số chủ hầm thuê người đến đào bới tìm than. Trong đó hai chủ hầm
được nhiều người nhắc tới nhất là ông Dương Thông (thường gọi là Nuôi)
và Nguyễn Bình Vượng.
“Chúng tôi đã xử lý hai người này nhiều lần nhưng sau
một thời gian thì hai người này lại gọi người vào khai thác. Chúng tôi
đã nhiều lần cảnh báo mức độ nguy hiểm tại các hầm than bỏ hoang, có
lệnh cấm khai thác nhưng một số người vẫn coi thường cảnh báo của chính
quyền. Trước mắt, chúng tôi sẽ lấp hầm đã xảy ra sự cố đáng tiếc làm hai
người chết trong ngày 24-4 vừa qua, thời gian tới sẽ kiến nghị lấp các
mỏ còn lại” - ông Đặng Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, cho biết.
Thiếu tá Trần Thạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi
trường Công an huyện Đại Lộc, cho hay: “Mỗi lần lực lượng đi truy quét
thì những người khai thác trái phép biết trước, tẩu thoát hết. Mặt khác,
hầu hết người dân khai thác than lậu đều nghèo khó nên cũng rất khó xử
phạt”.
Khu vực mỏ than Ngọc
Kinh trước đây có tới sáu đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác nhưng sau
đó đã rút giấy phép bốn công ty vì khai thác không đảm bảo môi trường,
không an toàn. Hiện còn tình trạng khai thác lậu ở đây nhưng khu vực
rừng núi quá rộng, lực lượng kiểm tra của Sở không thể đi kiểm tra hết
được. Sở cũng nhiều lần lập đội liên ngành để đẩy đuổi nhưng vẫn không
thể kiểm soát”.
Ông DƯƠNG CHÍ CÔNG,Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam
|
LÊ PHI