Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-04-26
Sa mạc hóa là một trong những loại hình thiên tai đang xảy ra ở Việt Nam và mức độ gây thiệt hại do hạn hán và sa mạc hóa được xếp hạng thứ 3, chỉ đứng sau lũ lụt và bão.
Do con người là chính
Ước tính quá trình sa mạc hoá mỗi năm làm mất khoảng 20ha đất nông nghiệp và hàng trăm ngàn ha đất khác tiếp tục bị thoái hoá. Điều đáng sợ của tình trạng sa mạc hóa là thiên tai này diễn ra lặng lẽ. Chúng tôi có cuộc trao đổi về nguyên nhân dẫn đến sa mạc hóa với bà Phạm Minh Thoa, Chánh Văn phòng Ban Điều phối quốc gia Chương trình Phòng chống sa mạc hóa, thì được cho biết:
"Về tự nhiên thì vùng nóng nhất về sa mạc hóa Việt Nam bây giờ là cực Nam Trung bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận. Hai tỉnh ấy nằm trong địa hình bị vây quanh bởi núi. Lượng mưa bình quân chỉ khoảng 700 mm/năm. Lượng mưa rất thấp, bởi vì bị chắn bởi núi. Đầu nguồn các con sông ngắn và dốc. Cho nên mưa xuống không giữ được nước, chảy ngay ra biển. Duyên hải miền Trung bị hiện tượng cát bay, cát nhảy cứ lấn dần vào sâu bên trong.
Về con người cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là phương thức sử dụng đất của mình không bền vững. Như là rừng đầu nguồn bị phá nhiều. Sử dụng phân bón không đúng cách. Cách trồng cây cũng không đảm bảo, các phương thức nông lâm kết hợp chưa được áp dụng nhiều.
Theo nguyên nhân, phân được rất nhiều loại: sa mạc đá, sa mạc cát, sa mạc khô cằn, sa mạc muối."
Theo nguyên nhân, phân được rất nhiều loại: sa mạc đá, sa mạc cát, sa mạc khô cằn, sa mạc muối."
Nếu như mà con người biết nhận thức, có kỹ thuật canh tác phù hợp; biết sử dụng tài nguyên bền vững hơn, có sự cân đối giữa môi trường với kinh tế. Thì chắc là nó cũng sẽ đỡ nhiều. Nguyên nhân tự nhiên chỉ là một phần thôi.Bà Phạm Minh Thoa
Theo điều tra của Trung tâm Quy hoạch đất đai, khoảng 80% diện tích miền Trung là đất dốc. Hiện tượng bão cát dữ dội vào những tháng vùng Ninh Thuận, đã đến mức có nguy cơ phủ lấp đường quốc lộ 1A ở đây.
Tuy nhiên, sa mạc ở Việt Nam không tập trung thành vùng rộng hàng trăm ngàn ha như các quốc gia khác, mà phân bố trên khắp cả nước. Tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi và ven biển. Trải dài từ đầu nguồn sông Đà xuống tứ giác Long Xuyên. Đất bị sa mạc hóa ở Việt Nam hiện nay là hơn 9 triệu ha, rộng gấp 5 lần tỉnh Nghệ An, khu vực có diện tích lớn nhất nước. Thực tế này cho thấy rằng, môi trường tự nhiên không hẳn là thủ phạm chính gây ra tình trạng này.
Trong quá trình tìm hiểu về nguyên nhân, chúng tôi được bà Phạm Minh Thoa, đưa ra ý kiến sau:
"Do con người nhiều hơn. Chúng tôi xác định là do con người vẫn là chính. Nếu như mà con người biết nhận thức, có kỹ thuật canh tác phù hợp; biết sử dụng tài nguyên bền vững hơn, có sự cân đối giữa môi trường với kinh tế. Thì chắc là nó cũng sẽ đỡ nhiều. Nguyên nhân tự nhiên chỉ là một phần thôi."
Các biện pháp ngăn chặn sa mạc hóa thường đòi hỏi khoảng thời gian dài. Do đó luôn cần những công cụ mạnh. Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa được Chính phủ ban hành từ năm 2006. Bộ Nông nghiệp là cơ quan đầu mối. Chúng tôi có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về cơ chế tiếp cận đối với thiên tai sa mạc hóa, thì được cho biết:
"Sa mạc hóa là vấn đề liên ngành, đi theo hướng tiếp cận đa ngành. Ví dụ ngành lâm nghiệp chúng tôi, các chương trình bảo vệ phát triển rừng thì cũng lấy phòng chống sa mạc hóa làm trong những cái đích để đạt tới.
Dĩ nhiên là không có một nguồn tài chính phòng chống sa mạc hóa riêng, nhưng nó lồng vào các chương trình và kế hoạch bảo vệ phát triển rừng."
Dĩ nhiên là không có một nguồn tài chính phòng chống sa mạc hóa riêng, nhưng nó lồng vào các chương trình và kế hoạch bảo vệ phát triển rừng."
Phòng ngừa hơn chữa trị!
Bên cạnh công tác phòng chống lũ lụt và bão tập trung nhiều quan tâm, các hoạt động giảm nhẹ thiên tai khác như sa mạc hóa còn ở mức ứng phó thụ động. Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề sa mạc hóa thật không đơn giản. Giành lại đất canh tác, phải có những nguồn kinh phí to lớn, đôi khi quá sức chịu đựng của một địa phương. Từng có một nghiên cứu cho rằng, để biến một hécta sa mạc thành đất trồng trọt phải cần đến vài trăm triệu đô la. So sánh giữa kinh phí phục hồi những vùng đất bị sa mạc hóa, với mức chi để ngăn chặn thiên tai này, theo bà Phạm Minh Thoa:
"Cái phục hồi là lớn hơn. Bao giờ mình chủ động phòng tránh thì cũng tốt hơn. Chúng tôi cũng đang thuyết phục Chính phủ, thay vì chúng ta bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục một hậu quả thiên tai thì chúng ta chủ động đầu tư cho phát triển bền vững. Như là đầu tư cho quản lý rừng bền vững, cho trồng rừng. Đầu tư như thế thì hiệu quả hơn nhiều so với chuyện mình cứ chạy theo để khắc phục."
Trong tình huống này, quy hoạch hợp lý việc sử dụng tài nguyên đất và rừng là cần thiết. Nếu không có rừng, sẽ không giữ được nước và chắn cát. Đi vào những biện pháp cụ thể hơn để hạn chế và khắc phục hiện trạng sa mạc hóa, chúng tôi được ông Nguyễn Bá Ngãi cho biết thêm:
Chúng tôi cũng đang thuyết phục Chính phủ, thay vì chúng ta bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục một hậu quả thiên tai thì chúng ta chủ động đầu tư cho phát triển bền vững.Bà Phạm Minh Thoa
"Chúng tôi đang có một ý tưởng là kết hợp lâm thủy, giữa rừng và thủy lợi. Trước kia, hai vấn đề này là khác nhau. Giữa vấn đề tạo ra nguồn nước với vấn đề sử dụng nước không có hiệu quả. Bây giờ chúng tôi đưa ra ý tưởng kết hợp lâm thủy với nhau. Đây là một giải pháp rất là tốt để phòng chống sa mạc hóa."
Trên 90% diện tích đang chịu tác động của sa mạc hóa là các khu vực đất trống, đồi trọc bị thoái hóa mạnh. Nhìn chung, tình trạng sa mạc hóa ở Việt Nam còn đề cập ở mức độ nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp. Chưa được chú trọng như một dạng thiên tai cần có hệ thống quản lý. Trong lúc các quy chế mang tính phòng chống chưa thông suốt, thì khó mà thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường sinh thái đã suy thoái.
Tình trạng sa mạc hóa có liên quan mật thiết tới đói nghèo. Các biện pháp căn cơ ứng phó loại hình thiên tai này cần gắn liền với chủ trương nâng cao phúc lợi xã hội, tại những địa phương nằm trong vùng bị cát bụi xâm thực.