Phó cục trưởng giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bùi Trung Dung cho rằng, để nứt, rò nước thủy điện Sông Tranh 2 là lỗi của cả chủ đầu tư, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát, vận hành, nhà thầu... |
Công nhân đang đấu nối ống xử lý vết nứt ở bên trái cửa xả đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
"Chúng tôi xác định nguyên nhân nước chảy ra ngoài thân đập là do không có đường ống thu gom nước thấm phía rãnh trái trong hầm chứ không phải bị tắc như chủ đầu tư giải thích. Đập không có màng chống thấm mặt phía thượng lưu hồ chứa, nên nước đọng trong rãnh ngấm qua khe co giãn trên thân đập hạ lưu và chảy ra ngoài", tiến sĩ Dung nói.
Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho rằng: "Một công trình thủy điện có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, quy mô lớn vào bậc nhất miền Trung, được xác định là công trình trọng điểm quốc gia, thế nhưng quên lắp ống thoát thu gom nước là khó thể chấp nhận được".
Song theo ông Sinh, lạ nhất là chính cơ quan từng tham gia nghiệm thu, đánh giá thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn, chất lượng lại khẳng định rò rỉ nước ở đập là do lỗi thiết kế, tư vấn giám sát.
Cho rằng kết luận của đoàn công tác Cục giám định có thể chưa khách quan vì cơ quan này là thành viên Hội đồng nghiệm thu nhà nước trước đây, ông Sinh đề nghị cần mời chuyên gia độc lập vào cuộc, chẳng hạn như các chuyên gia của Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Nhiều điểm nứt, rò dù được khắc phục bằng cách trám, trét nhưng vẫn bắn nước trở lại. Ảnh: Trí Tín. |
Chiều 21/3, trong văn bản khẩn gửi Bộ Công thương, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước, UBND tỉnh Quảng Nam về hiện tượng nứt, rò đập Sông Tranh 2, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Trần Văn Được vẫn khẳng định đập thủy điện này an toàn, chất lượng.
Theo đó, thủy điện Sông Tranh 2 là loại đập bê tông trọng lực, công nghệ đầm lăn có chiều cao 96 mét, dài 640 mét được chia thành các block, cách nhau bằng khe nhiệt. Toàn bộ đập có 30 khe nhiệt dọc theo chiều dài thân, khoảng cách 20 mét một khe. Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình. Trong đập có 3 hành lang thu gom nước tại các cao trình 152 mét, 124 mét và 95 mét. Các hàng lang này liên thông với nhau bằng các ống thu nước.
Giải thích nguyên nhân rò rỉ nước, ông Được cho rằng do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập và theo các ống dẫn ra hạ lưu. EVN xác định nước thấm tại 4 vị trí khe nhiệt K18, K21, K24, K28 và hai bên tường cánh của đập tràn. Tổng lưu lượng thấm của toàn công trình đo được khoảng 30 lít một giây.
Tuy nhiên, kiểm tra tại hiện trường, đoàn công tác liên ngành tỉnh Quảng Nam ghi nhận có đến 7 vệt nước chảy ra từ thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ông Trần Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư công trình thủy điện này đã thừa nhận: "Việc rò rỉ nước ở đập chính thủy điện là có vấn đề".
Trước tình hình này, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị: "EVN cần trả lời rõ ràng, minh bạch bằng văn bản về chất lượng, an toàn của đập chính thủy điện Sông Tranh 2 cho chính quyền địa phương cùng người dân được rõ ".
Một nguồn tin cho hay, Ban quản lý thủy điện 3 vừa là chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 vừa là đơn vị tư vấn giám sát dự án.
Trí Tín