THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 March 2012

Chống tham nhũng - đâu là “đột phá khẩu”?!


Gấp rút hoàn thiện nhà nước pháp quyền
Thứ Sáu, 23.3.2012 | 08:48 (GMT + 7)

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trước khi kết thúc nhiệm kỳ đã thẳng thắn nhìn nhận trên Sài Gòn Tiếp thị số xuân là ông đã không giải được bài toán tham nhũng như đã hứa.
Bởi theo tôi, chống tham nhũng là bài toán khó (không chỉ ở Việt Nam) nhưng để đất nước ta ngày càng hùng cường, chúng ta phải giải. Với bài viết này, tôi hy vọng cùng nhiều ý kiến tâm huyết khác sẽ góp phần nào đó góp sức mở “đột phá khẩu” trong mặt trận phòng, chống tham nhũng (PCTN) này!

Bầy sâu cần triệt tận gốc

Căn bệnh tham nhũng đã được phát hiện và đưa ra thuốc chữa từ Đại hội Đảng lần thứ VI, đến nay đã qua 26 năm, có rất nhiều cuộc hội chẩn, điều trị từ các nghị quyết Đại hội Đảng và các hội nghị trung ương, nhưng chẳng những bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đưa ra hình ảnh tham nhũng như “một bầy sâu” đục khoét đất nước và tàn phá Đảng.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ - nguyên phó GĐ sở GTVT TPHCM, nguyên GĐ ban quản lý dự án Đông - Tây và môi trường nước TPHCM - bị tuyên phạt 20 năm tù về tội
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ - nguyên phó GĐ sở GTVT TPHCM, nguyên GĐ ban quản lý dự án Đông - Tây và môi trường nước TPHCM - bị tuyên phạt 20 năm tù về tội "nhận hối lộ" và 6 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ". Ảnh: Phùng Bắc
Mới đây, trả lời phỏng vấn trên báo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng “thực trạng đã nặng lắm rồi như căn bệnh ung thư”. So sánh với chứng bệnh đó, có lẽ ông muốn nói rằng dù nhẹ cũng phải qua giải phẫu! Báo cáo tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 cho thấy, số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm dần, trong khi tham nhũng diễn ra nghiêm trọng hơn. Số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn ít.

Trong 5 năm qua, nhiều địa phương không phát hiện được một vụ tham nhũng nào qua các công tác này. Hiện tượng đó cho thấy không chỉ là hiệu quả PCTN chưa đạt yêu cầu mà các đối tượng tham nhũng không còn thụ động mà đã liên kết với nhau như “một bầy sâu”. Do đó, mới có chuyện cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu vì tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình tham nhũng mà bị bắt giam và bị kết án tù; vụ Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn đi khiếu kiện từ năm 2008, được tờ báo của Bộ Công Thương bênh vực, nhưng 4 năm sau vẫn bị cưỡng chế đều không phải là cá biệt. Vậy chúng ta phải tìm nguyên nhân sâu xa, chứ không thể bằng lòng với những biểu hiện trực tiếp, cụ thể.

Nghị quyết Đại hội 11 đã chỉ ra rằng: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên” (Văn kiện, trang 88). Tuy nhiên nội dung nói trên chưa thành hiện thực, do chưa được cụ thể hóa bằng một phương án tổ chức để có thể thực hiện. Một trong các giải pháp hữu hiệu đã được Đại hội 11 yêu cầu, phải khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay các cơ quan nhà nước (Văn kiện Đại hội 11, NXBCTQG, trang 61).

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân


Trong bài viết cho chuyên đề này, ông Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) rất đúng khi cho rằng: “Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải làm từ gốc, nếu không thì dù mô hình gì cũng vô ích. Thứ nhất là thể chế”. Trong khi quyền lực không được giám sát thì Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng dù tổ chức theo mô hình nào cũng khó giữ được tính độc lập. Phát biểu kết luận hội nghị vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Ban chỉ đạo dù có độc lập đến đâu cũng không thể làm thay việc chống tham nhũng của các cơ quan chuyên trách khác như công an, tòa án, kiểm sát.

Vì đây là chức năng hiến định”. Ý kiến ấy rất đúng, nhưng vì sao các cơ quan chuyên trách theo hiến định ấy lâu nay không thể làm tốt chức trách? Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng: “Luật Phòng, chống tham nhũng có đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với luật đó”. Người từng đứng đầu ngành tư pháp hiểu sâu sắc rằng qua hơn 20 năm xây dựng pháp quyền, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nền “nhân trị” (cũng gọi là “đức trị”).

Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng ở chương “Các biện pháp phòng ngừa”, Điều 5 về “Chính sách và hành động phòng, chống tham nhũng” đã nhấn mạnh (in đậm): “Những chính sách phải thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện nguyên tắc nhà nước pháp quyền...”. Công ước có 64 điều, nhưng có hơn 100 lần lặp lại các từ luật pháp, pháp lý, pháp chế. Như vậy, có thể thấy, chống tham nhũng phải bằng luật pháp, phải có nhà nước pháp quyền.

Vì sao các nghị quyết Đảng nhiều lần nhấn mạnh phải xây dựng nhà nước pháp quyền mà việc thực hiện lại bị trì trệ? Phải thực sự trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” (Toàn tập, ST, 1985, trang 299). Những điều ấy đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946, quy định rõ cho một nhà nước pháp quyền. Nhân dân có quyền bầu cử, bãi miễn và phúc quyết hiến pháp. Từ Chủ tịch Nước, thành viên nội các, đại biểu quốc hội đều được chế ước nếu vi phạm pháp luật. Trong khi xét xử, các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.

Như vậy, nhà nước pháp quyền không phải là “thuốc đắng”, cũng không phải lấy "đá ghè chân mình" mà theo tôi, đó là điều kiện tiên quyết, để Đảng thực hiện được thiên chức “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (HCM TT. ST. 1989, T10, trang 835), thực hiện lý tưởng cao cả “làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (TT, ST, 1984, T4, trang 463).   
Tống Văn Công (nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động)