THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 December 2011

Bài toán học phí đại học


2011-12-08

Chất lượng đào tạo luôn là trọng tâm của vấn đề giáo dục quốc gia. Có ý kiến cho rằng do đầu tư cho đại học quá thấp dẫn đến chất lượng thấp.

RFA PHOTO

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ảnh chụp ngày 11-11-2011.

 

Đó có phải là nguyên nhân chính hay không? Thông tín viên Định Nguyên có trình bày về vấn đề này.

Học phí hay chính sách?

Sau phiên chất vấn của quốc hội với GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GDĐT, vào ngày 24/11, ngay sau đó, ngày 29/11/, một cuộc hội thảo giữa Bộ Tài Chính và Bộ GDĐT nhằm tìm giải pháp đổi mới cơ chế tài chính cho đại học. Một lần nữa dư luận lại nóng lên khi đề nghị tăng học phí đại học được nhiều thành viên tham dự hội thảo nhìn nhận như yếu tố chính để nâng chất lượng giáo dục đại học.

Học phí thấp chỉ là một vấn đề thôi. Còn những vấn đề khác như công bằng xã hội, nhân lực thế nào, nó phải đi kèm với những chính sách, trong đó có quỹ cho sinh viên vay vốn.

GS Phạm Phụ

Số liệu công bố gần đây của Bộ GDĐT, mức đầu tư tính trên sinh viên, hay còn gọi là chi phí đơn vị (Unit Cost) vào khoảng trên 10 triệu đồng/SV. Trong đó tiền từ ngân sách nhà nước (NSNN) là 7,15 triệu/SV (khoảng 72%), phần còn lại, 3 triệu đồng, chủ yếu thu từ học phí. Số tiền này tương đương 50% GDP/đầu người. Mức đầu tư này vẫn giữ nguyên trong gần mười năm. Hiện nay, với sự biến động về kinh tế, giá cả nên không còn phù hợp. 

Khi đồng thuận với giải pháp tăng học phí, để giảm chi ngân sách, hẳn các nhà hoạch định chính sách muốn áp dụng mô hình Nhật Bản (J.Model), mà một số quốc gia Đông Nam Á đã áp dụng từ thập niên 80. Mô hình này vận hành  theo quan điểm là "Thiếu cơ sở triết lý và kinh tế để phải cung cấp dịch vụ GDĐH bằng ngân sách nhà nước" (John L.Yeager).

Có thật tăng học phí là giải pháp chính trong vấn đề nâng chất lượng đào tạo đại học? Các nhà giáo thâm niên trong ngành đại học không hoàn toàn đồng ý như vậy. GS Phạm Phụ cho biết, ông không tham dự hội thảo nhưng ông có gởi bản tham luận gồm 7 kiến nghị. Trong từng điểm kiến nghị, có kiến nghị về chuyện tăng học phí, có kèm theo giải pháp đối phó. Và, ông cho biết thêm:

MG_0187-250.jpg
Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi hôm 05-07-2011. RFA PHOTO.
"Học phí thấp chỉ là một nguyên nhân. Còn những nguyên nhân rất là lùng nhùng. Ví dụ, một trường được xem là trường đại hoc vùng, số sinh viên không chính quy chiếm một tỷ lệ rất lớn, khi thu học phí thì có thể vượt qua ngưỡng ràng buộc của nhà nước. Tự chủ hơn trong chi tiêu, nhưng nó lại làm giảm chất lượng đào tạo ở cái trường mà nhà nước kỳ vọng nó đứng vào hàng top ten. Học phí thấp chỉ là một vấn đề thôi. Còn những vấn đề khác như công bằng xã hội, nhân lực thế nào, nó phải đi kèm với những chính sách, trong đó có quỹ cho sinh viên vay vốn."

TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen – một trường ngoài công lập - đồng ý việc nâng học phí nhưng cho rằng nó không phải là giải pháp duy nhất, hơn nữa nó chỉ liên quan đến trường công, những trường ngoài công lập thì không ảnh hưởng gì. Bà đặt ra vấn đề quản lý và chi tiêu như thế nào cho đạt hiệu quả. Bà nói:

Tất nhiên, nâng học phí không phải là giải pháp duy nhất rồi, nhưng tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp quan trọng.

TS Bùi Trân Phượng

"Tất nhiên, nâng học phí không phải là giải pháp duy nhất rồi, nhưng tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp quan trọng. Vấn đề nâng học phí hay không nâng học phí chỉ liên quan đến trường công, còn trường tư lâu nay không có cái trần học phí nào của nhà nước cả. Tuy nhiên, nâng học phí phải đi liền với việc quản lý, việc sử dụng chi tiêu cho nó hiệu quả. Như tôi đã từng phát biểu trước đây, điều này đòi hỏi một sự chuẩn bị nghiêm túc, chứ không phải là đội ngủ hiện nay đang quản lý trường công, đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể quản lý tài chính một cách hiệu quả, nhưng xưa nay người ta chưa đòi hỏi điều này ở người quản lý đó. Đó là tôi chưa nói đến chuyện khác biệt về bối cảnh, nhưng mà ai cũng biết rồi."

Ảnh hưởng sinh viên nghèo

Thêm một hệ lụy nữa. Trong toàn cảnh nền kinh tế hiện nay của Việt Nam đang có những khủng hoảng nghiêm trọng, mức độ lạm phát chưa có đấu hiệu "hòa hoãn", ảnh hưởng lên nguồn thu nhập của người dân. Đặc biệt là biên độ giàu nghèo ngày càng dãn xa ra.Trong khi đó, ở GDĐH, "tỷ lệ SV thuộc tầng lớp trên (nhà giàu) chiếm phần lớn, nên tiền trợ cấp trong đó chủ yếu lại chạy vào các tầng lớp dân cư giàu có" (GS Phạm Phụ). Như vậy việc tăng học phí, vô tình đã chồng thêm sức nặng lên cái gánh vốn đã quá nặng đối học sinh con nhà nghèo.

TS Nguyễn Thế Hùng, hiện đang giảng dạy tại đại học Đà Nẵng, rất trăn trở với chuyện tăng học phí, vì làm như vậy các em nghèo khó lòng mà học được:

DH-Xay-dung-HN-250.jpg
Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, ảnh chụp ngày 11-11-2011. RFA PHOTO.
"Hiện tại xã hội có rất nhiều sinh viên nghèo, nếu tăng học phí như vậy thì một số con em nghèo chúng ta không học được. Tôi biết học phí thấp chỉ là một phần thôi, một phần là do quản lý kém hiệu quả của ngành đại học. Nó kém hiệu quả ở chõ là quá cồng kềnh. Thứ hai nữa là tệ nạn tham nhũng rất lớn, một cái nguy cho nền giáo dục. Tệ nạn tham nhũng loang lỗ vào trong học đường, trong nghiên cứu khoa học. Tiếp theo nữa là chuyện học quá nhiều môn, nhiều giờ dạy. Ví dụ, tôi dạy chương trình kỹ sư. Đào tạo là 4 năm, khoảng 140 đến 150 tín chỉ. Nếu dạy như vậy thì thời gian dạy sẽ ít đi, số học phí chia cho tiết dạy sẽ nhiều lên. Còn như hiện nay chúng ta dạy với 180 tín chỉ như thế thì tự nhiên thù lao cho tiết nó sẽ giảm đi. Những yếu tố đó nó làm cho thù lao giáo viên ít đi và chất lượng sinh viên kém đi. Nếu bây giờ tăng học phí, nhiều con em nghèo chúng ta không có tiền để học"

Yếu tố tham nhũng, mặc dù không được đặt trên bàn hội thảo, nhưng chính nó là một trong những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng sa sút trong giáo dục đại học nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung. TS Bùi Trân Phượng cho rằng chống tham nhũng là khâu đột phá cho ngành giáo dục. Bà nói:

"Nếu mà hỏi quan điểm cá nhân tôi, thì tôi sẽ nói là nếu muốn làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn thì phải chống tham nhũng trong giáo dục. Cái đó nó rất rõ ràng là đột phá. Nếu người ta làm được thì nó là đột phá. Nghĩa là nó tạo một sự thay đổi mà người ta trông thấy được."

Quỹ cho sinh viên vay vốn là hết sức quan trọng, nhưng hiện nay quỹ vận hành không tốt, và vận hành như hiện nay nó có thể gây ra việc cho vay nhầm đối tượng.

GS Phạm Phụ

Việc tăng học phí sẽ tác động mạnh đến giới sinh viên nghèo. Quỹ cho sinh viên vay vốn cũng được đề cập trong hội thảo. Thật ra, chương trình này ra đời cách đây hơn ba năm, nhưng đã tỏ ra không hiệu quả, nếu không muốn nói là thất bại. Vì chương trình vừa không đủ vốn để cho vay lại thêm cho vay "nhầm" người. GS Phạm Phụ nói về chương trình này như sau:

"Quỹ cho sinh viên vay vốn là hết sức quan trọng, nhưng hiện nay quỹ vận hành không tốt, và vận hành như hiện nay nó có thể gây ra việc cho vay nhầm đối tượng. Có khi tỷ lệ các em nghèo nhận được của quỹ vay vốn lại ít hơn con nhà khá giả, như vậy nó bị lệch mục tiêu. Đó là một điều cảnh báo. Thực tế vừa qua không còn tiền cho sinh viên vay, tức là nó không bền vững về mặt tài chánh."

Chưa biết bao giờ việc tăng học phí được áp dụng, nhưng dư luận nghĩ rằng nếu áp dụng, cũng khó lòng đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, vì bản thân ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề cần giải quyết hơn bên cạnh chuyện yếu kém về tài chính.


Theo dòng thời sự: