Vụ Vinalines – Dương Chí Dũng đang tạo ra mối quan tâm lớn cho dư luận. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến việc các cán bộ Vinalines “tham ô” khoản tiền 1,66 triệu USD – tuy nhiên, đó chỉ là 1 trong số 8 sai phạm trong vụ việc này.
Để bạn đọc có cái nhìn được tổng thể, PetroTimes xin nêu ra 8 sai phạm đã đưa các cựu cán bộ Vinalines vào vòng lao lý.
1 – Các cán bộ chủ chốt của Vinalines đã phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam khi chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4805/VPCP-CN ngày 21/8/2006 của Văn phòng Chính phủ, một số quy định trong nghị định 16/2005 và 112/2006/NĐCP.
2 – Phê duyệt, mua ụ nổi 83M trước khi dự án nhà máy được phê duyệt 1 năm là không đúng trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án đầu tư trước khi chuẩn bị đầu tư là vi phạm Luật đầu tư.
3 – Phê duyệt, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M sản xuất năm 1965, quá tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu, trái quy định của điều 8, nghị định 49/2006/NĐ-CP
4 – Khi tổ chức chào giá cạnh tranh mua ụ nổi 83M, Vinalines không có thư thông báo mời thầu, khi nhận hồ sơ chào thầu chỉ có 2 đơn vị gửi thư chào bán là trái với Luật đấu thầu và nghị định 111/2006NĐ-CP.
5 – Lập biên bản giám định, báo cáo kết quả ụ nổi 83M không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua.
6 – Vinalines thanh toán 9 triệu USD cho công ty AP trong khi chưa nhận được các tài liệu, chứng từ quy định tại hợp đồng mua bán ụ nổi 83M là trái với điều 50, Luật Thương mại. Các ủy quyền ghi nợ tài khoản của Vinalines chỉ có chữ ký của Tổng giám đốc, không có chữ ký của Kế toán trưởng là trái với Luật Kế toán.
Những hành vi sai trái trên của các bị cáo đã khiến cho Nhà nước bị thiệt hại số tiền 336 tỉ đồng. Vì những hành vi này, các bị cáo bị đề nghị truy tố tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
7 – Ngoài ra, một số cán bộ của Vinalines như Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn… còn bị đề nghị truy tố tội danh “Tham ô” do dàn xếp để “ăn” 1,66 triệu USD tiền hoa hồng mua ụ nổi 83M.
8 – Chi cục Hải quan Vân Phong làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M, quá tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu là trái với quy định của nghị định 49/2006/NĐ-CP
Có một điều mà tất cả chúng ta đề quan tâm là việc bộ sâu Vinalines sai thì đã dành, nhưng vì sao một đống sắt vụn khổng lồ lại có thể chui lọt vào Việt Nam, lọt qua một hệ thống kiểm soát đăng kiểm, xuất nhập cảnh dày đặc từ trung ương đến địa phương và tồn tại trong một thời gian dài dưới dạng “tàu biển”?
Đầu tiên đó là việc các nhân viên Cục đăng kiểm Việt Nam “nhắm mắt làm ngơ”. Đăng kiểm viên Lê Văn Dương được cử theo đoàn công tác của Vinalines đi kiểm định ụ nổi 83M nhưng đã “nhắm mắt” xác nhận đống sắt vụn này “còn hoạt động tốt”.
Tiếp theo là việc Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa gật đầu cho “đống sắt vụn khổng lồ” 83M đi qua trong tình trạng cũ kỹ, han rỉ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhập khẩu ụ nổi do Vinalines nộp, qua nhiều khâu kiểm tra, giám định, Chi cục Hải quan Vân Phong vẫn “cho qua” dù biết ụ nổi 83M đã cũ nát, quá tuổi và không thể nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng tàu biển.
Cả 8 sai phạm cả từ bản thân ông Dương Chí Dũng, từ bộ máy cốt cán của Vinalines cho đến sự đồng lõa của các cơ quan kiểm soát đã đẩy Vinalines từ một “ngôi sao” trong nền công nghiệp hàng hải Việt Nam lâm vào bi kịch…
THEO PETROTIMES