Bà Rịa - Vũng Tàu:
(Dân trí) – Sau chuyến “cưỡi ngựa xem hoa”, Sở TNMT báo cáo UBND tỉnh BR-VT rằng chưa cần có nhà máy xử lý bụi thép vì nhà máy ở Hải Dương… đủ năng lực. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư vào BRVT bỏ đi và các nhà máy thép ngưng trệ vì ùn ứ bụi.
Kết quả khảo sát nhà máy tại Hải Dương: Báo cáo không đúng sự thật
Tháng 3/2013, Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đã có chuyến khảo sát thực tế tại Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim tại Hải Dương với thành phần gồm Giám đốc Sở, Chi cục trưởng và Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường,…Trên cơ sở kết quả khảo sát, Sở TNMT đã báo cáo UBND tỉnh nhà máy tại huyện Kinh Môn, Hải Dương "đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm", nhưng thực tế đã hết hạn từ ngày 31/10/2012 và đang hoàn tất các thủ tục để được Bộ TNMT cấp phép. Theo Sở TNMT, công nghệ xử lý bụi thép do Trung Quốc sản xuất, do các chuyên gia Trung Quốc vận hành nhà máy và sản phẩm Kẽm thu hồi có hàm lượng 52% sẽ được xuất khẩu đi…Trung Quốc. Bụi thép tại nhà máy chưa được lưu giữ hoàn toàn trong các nhà xưởng có mái che, nhưng có che bạt khi để ngoài trời. Từ tham mưu của Sở TNMT, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh BR-VT về kết quả khảo sát giống như Sở TNMT đã báo cáo ở trên.
Việc che bạt chỉ cho có, không đảm bảo quy định về quản lý CTNH (Ảnh: A.C)
Đến tháng 6/2013, theo đánh giá của Sở TNMT, có hơn 14.900 tấn bụi thép độc hại đang lưu trữ ở các nhà máy luyện thép trong tình trạng quá tải, không đảm bảo quy định, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Vì vậy, để giải quyết nhanh chóng ô nhiễm môi trường từ bụi lò thép tại tỉnh BR-VT, Sở TNMT đã kiến nghị Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) trong thời gian xem xét cấp Giấy phép hành nghề quản lý CTNH cho hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim tại tỉnh Hải Dương, cho phép Công ty khoáng sản Việt Nam được phép thu gom, vận chuyển CTNH bụi thép từ tỉnh BR-VT về nhà máy tại tỉnh Hải Dương để lưu giữ, chờ xử lý khi đã được Tổng cục Môi trường cấp phép. Như vậy, mặc dù Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim chưa có đủ giấy tờ pháp lý theo quy định, nhưng với việc đã khảo sát thực tế chỉ trong 1 ngày, Sở TNMT đã báo cáo Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh cho Công ty khoáng sản Việt Nam vận chuyển bụi lò thép tại tỉnh BR-VT đến tập kết, lưu giữ tại Kinh Môn, Hải Dương trong lúc không đáp ứng được các điều kiện nghiêm ngặt về quản lý chất thải nguy hại và đây là điều chưa hề có tiền lệ trong quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam.
Việc Sở TNMT đánh giá Công ty khoáng sản Việt Nam có đảm bảo năng lực hay không điều đó đã được thể hiện rõ qua việc tháng 09/2013 khi Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị người dân Phú Thứ, Kinh Môn phản ứng vì đầu độc sức khỏe người dân, làm chết hoa màu, ô nhiễm nguồn nước và Sở TNMT tỉnh Hải Dương đã xác định nhà máy này chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường, buộc phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục; Cục Cảnh sát Môi trường C49 cũng đã xử phạt 270 triệu đồng vì các vi phạm về môi trường. Đồng thời, Tổng cục Môi trường cũng đã có văn bản bác bỏ kiến nghị của Sở TNMT cho phép Công ty khoáng sản Việt Nam vận chuyển bụi lò thép từ BR-VT ra Hải Dương vì quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại không cho phép.
Trong suốt thời gian qua, người dân thị trấn Phú Thứ đã gửi đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền phản ánh tình trạng Nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim của Công ty khoáng sản Việt Nam không tuân thủ đúng các quy định về môi trường do nhà nước ban hành, nhà máy hoạt động sản xuất khi chưa có đủ giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Nhà máy này có diện tích nhỏ 1ha, nhưng đang tồn tại hàng chục nghìn bao chứa bụi thép không được che đậy, để lộ thiên ngoài trời, đã khiến nước thải bị rò rỉ, đổ vào hệ thống kênh mương cấp nước tưới phục vụ việc trồng trọt của nông dân gây chết cá, lúa, hoa màu xung quanh. Mỗi khi nhà máy tiến hành hoạt động, người dân trong khu vực luôn phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, đe dọa sức khỏe của hàng ngàn con người mỗi ngày, trong đó có nhiều người già và trẻ em. Đặc biệt nhà máy nằm trong khu dân cư, gần 3 trường học trong thị trấn Phú Thứ. Không chỉ vậy, tại cảng Phú Thái, nơi bụi thép được Công ty khoáng sản Việt Nam tập kết từ nhiều nhà máy thép đưa về đây có hàng ngàn bao chứa bụi đã bị bục, vỡ và lưu giữ ở ngoài trời trong thời gian dài, chất thải đổ tràn xuống sân cảng nằm bên cạnh sông Kinh Thầy, nhiều túi chất thải bị nước mưa hòa tan tạo thành vũng.
Như vậy, sau gần 9 tháng kể từ thời điểm báo cáo HĐND tỉnh sẽ đảm bảo mục tiêu 100% chất thải nguy hại, trong đó có bụi lò thép sẽ được xử lý đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, đã không có 1 tấn bụi nào rời khỏi tỉnh BR-VT và khối lượng bụi thép ngày càng tăng nhanh khiến cho các nhà máy phải đồng loạt gửi kiến nghị đến UBND tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ tìm nhà đầu tư để chủ động xử lý chất thải bụi thép vì hiện nay đã vượt quá khả năng quản lý của họ.
Với tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài của Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim là rất nghiêm trọng, khiến người dân trong vùng bức xúc, bao vây nhà máy yêu cầu phải ngừng hoạt động và không có các giấy tờ theo đúng quy định, rõ ràng, Sở TNMT đã báo cáo không đúng sự thật về năng lực xử lý bụi thép của Công ty khoáng sản Việt Nam trước HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đến thời điểm này, khi Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường thì toàn bộ bụi thép tại tỉnh BR-VT sẽ phải tiếp tục lưu giữ trong tình trạng không đảm bảo các quy định về môi trường và chờ đợi…có đơn vị xử lý.
Hàng ngàn tấn bụi thép để ngoài trời tại Cảng Phú Thải do Công ty khoáng sản Việt Nam tập kết từ nhiều nơi (Ảnh: A.C)
Ưu ái "bất thường" cho Công ty Khoáng sản Việt Nam
Việc tham mưu đưa bụi thép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới tỉnh Hải Dương để xử lý của Sở TNMT không chỉ khiến cho hàng chục ngàn tấn chất thải nguy hại tồn đọng tại các nhà máy luyện thép mà việc tham mưu này trái vớiQuy hoạch xử lý chất thải rắn 03 vùng Bắc, Trung, Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg là chất thải của vùng nào thì vùng đó phải quy hoạch để xử lý, không có trường hợp chất thải của vùng phía Nam chuyển ra phía Bắc. Vì vậy, việc chuyển bụi thép ra Hải Dương là vi phạm Quyết định 1440/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Đồng thời, đẩy tỉnh Hải Dương và tình thế phải tiếp nhận chất thải nguy hại tỉnh BR-VT mà năng lực thực tế tại đây hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý chất thải nguy hại và hệ lụy từ việc người dân Phú Thứ, Kinh Môn bức xúc bao vây nhà máy là điều không thể tránh khỏi.
Trước tình thế Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim bị phát hiện hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường, đề xuất đưa bụi thép đến tỉnh Hải Dương của Sở TNMT đã bị phá sản, trên địa bàn tỉnh không có nhà đầu tư, không có đơn vị xử lý; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết trong 6 tháng cuối năm 2013, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải thu hút được dự án xử lý bụi thép nhằm chủ động xử lý bụi lò thép, tránh trường hợp bị tồn đọng và phải chờ đợi đơn vị từ tỉnh khác đến thu gom, xử lý như trường hợp của Công ty Khoáng sản Việt Nam. Ngay lập tức, Sở TNMT lại tiếp tục tham mưu đưa Công ty Khoáng sản Việt Nam vào danh sách các nhà đầu tư để lựa chọn đầu tư xử lý bụi thép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ thực tế như trên, trong suốt thời gian dài qua, Sở TNMT đã ưu ái quá mức đối với Công ty Khoáng sản Việt Nam mặc dù công ty này hoàn toàn không đủ điều kiện về môi trường khiến cho vấn đề môi trường do bụi lò thép gây ra trên địa bàn tỉnh BR-VT ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề tiếp tục đặt ra, liệu nếu Công ty Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục được lựa chọn là đơn vị được đầu tư xử lý bụi lò thép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì vấn đề bụi lò thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ như thế nào khi mà ngay tại Phú Thứ, Kinh Môn, Hải Dương, đơn vị này vẫn đang phải tạm dừng và khắc phục những hậu quả ô nhiễm môi trường do hoạt động xử lý bụi lò thép gây ra?.
Để tìm hiểu những “khuất tất” này, PV Dân trí đã đến gặp lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh BR-VT, tuy nhiên, có nhiều câu trả lời vẫn chưa thỏa đáng nên PV tiếp tục đến gặp ông Lê Văn Sâm – Giám đốc Sở TNMT tỉnh BR-VT vào lúc 10h45 ngày 25/9. Tuy nhiên, dù trong giờ hành chính nhưng vị giám đốc này vẫn chốt cửa. Gặp PV bên ngoài phòng làm việc, ông Sâm cương quyết chối từ khi PV đề nghị được phỏng vấn: “Thôi thôi, không có phóng sự gì hết. Tụi anh hổng có tham gia cái vụ đó…”. PV đề nghị ông giám đốc Sở ngồi nói chuyện thì ông bảo: “Thôi, anh lu bu lắm. Môi trường thì hỏi bên môi trường”. Nói xong, ông vào phòng lấy cuốn sổ kẹp nách và nói là đi họp, dù giờ hành chính đã gần hết.
Công Quang