(Dân trí) - Vét lại một ít lúa, gạo dự trữ bấy lâu bị vùi lấp trong đống bùn, đất nhão nhoẹt, bốc mùi, nhiều người dân chỉ biết ngậm nước mắt vào trong. Để cầm cự với bão lũ, họ phải ăn mì tôm qua bữa…
Cơn lũ và lốc xoáy đi qua đã cuốn trôi, làm hư hại toàn bộ lương thực bấy lâu người dân quần quật, lam lũ mới làm được. Từng bao lúa được đánh đổi biết bao mồ hôi của nông dân nay bị ngâm nước và bùn, đất, một số bị lên mầm…khiến người dân vùng lũ đang đối diện với nguy cơ thiếu đói dài ngày.
Những ngày sống với người dân vùng lũ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một thực trạng đến nghẹn lòng. Bão, lũ đi qua đã gieo thêm nỗi đau cho những phận nông dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Người nông dân vốn đã cơ cực, nay bị thiên tai hành hạ khiến họ càng rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Lốc xoáy đã khiến hàng trăm ngôi nhà dân bị sập đổ, hư hỏng nặng
Tại xã Quảng Sơn và Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, mưa, lũ đã gây thiệt hại quá nặng nề. Chỉ trong phút chốc, toàn bộ gia sản làm được bấy lâu đã tan tành theo mây khói. Mất người, tài sản bị hủy hoại… là những đau đớn thể hiện rõ bên ngoài ai cũng nhìn thấy được. Còn bên trong là cảnh đói, rét… đang từng ngày hiện hiện, đe dọa cuộc sống người dân vùng lũ.
Đối với người nông dân, các loại gia súc, gia cầm là “cơ nghiệp” làm ra lương thực, của cải. Ấy thế mà cơn lũ đi qua, rất nhiều gia súc, gia cầm của người dân cũng bị cuốn đi theo, mất đi phương tiện kiếm sống cũng đồng nghĩa với cái đói đang cận kề. Thêm vào đó, số lương thực được họ tích trữ bấy lâu cũng đã bị hư hại hoàn toàn.
Chị Lan đưa số lúa, gạo bị ướt ra phơi gió mong cầm cự được vài ngày
Đang vớt lại ít lúa, gạo từ trong đống đổ nát, để đem phơi gió mong cầm cự được thêm vài ngày, chị Nguyễn Thị Lan nói trong nghẹn ngào: “Vợ chồng tui lam lũ cả năm trời mới trữ được mấy tạ lúa để đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình. Thế nhưng, giờ đã bị ướt sũng hết cả, chỗ thì dính đầy bùn đất, chỗ thì lên mầm, ngay cả ít gạo vừa xay trước bão giờ cũng mốc meo, lên men rồi. Còn vài tháng nữa mới đến vụ mới nhưng từ đây đến lúc đó không biết lấy gì để ăn, lấy gì để sống”.
Bà Liến đau đớn nhìn số lúa, gạo bị ướt sũng trong nước
Còn vợ chồng ông Lới, bà Liến cũng đã ngoài 70 tuổi, làm được mấy bao lúa để dành giờ cũng đành ngậm ngùi chua xót. Toàn bộ lúa gạo được ông cất giữ rất cẩn thận, nhưng trận lốc vừa qua đã đánh sập tường nhà, mưa lũ tràn vào khiến lúa gạo cũng bị ướt và lên mầm. Mở cho tôi xem bao gạo vừa đi xay cách đó mấy ngày, bà Liến chảy nước mắt khi thấy chúng đã mốc meo và lên mùi chua. Bà không biết những ngày tới lấy gì mà sống tiếp.
Chị Trần Thị Tình cho biết, do lốc xoáy vừa quét qua gây sập hết nhà cửa của người dân. Thêm vào đó, lũ lại ập đến bất ngờ, mưa xối xả khiến người dân chúng tôi quay cuồng, không kịp đưa tài sản đi bảo quản. “Nhà nào nhanh thì sơ tán được bao gạo mà sống tạm vài ngày, tuy bị ướt chút ít nhưng còn ăn được, còn không thì chịu hư hỏng hết. Cũng may là còn bảo toàn được mạng sống. Tui cũng chưa biết lấy tiền đâu mà đong gạo trong những ngày tới đây” – chị Tình lo lắng.
Để kịp thời giúp người dân, ngay sau khi cơn lũ đến, chính quyền các địa phương, các cơ quan, ban ngành đã chia sẻ, động viên kịp thời để giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn. Ngoài việc giúp họ sửa lại nhà cửa đã đổ nát, hỗ trợ vật chất, tinh thần thì các loại lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống, quần áo, chăn màn…cũng đã được chuyển đến tận tay các hộ dân vùng bị thiệt hại. Đây là những thứ rất cần thiết đối với người dân để họ có thể đảm bảo được cuộc sống trong lúc này.
Hàng cứu trợ đến với người dân vùng lũ
Bên cạnh đó, nhiều chuyến hàng cứu trợ bao gồm nhu yếu phẩm, gạo, mì tôm, nước uống… từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm khắp mọi miền đất nước cũng đã được vận chuyển đến trao tận tay từng hộ gia đình. Những nghĩa cử thiết thực thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đã làm ấm lòng người dân vùng lũ trong cơn khốn khó. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự giúp đỡ tạm thời, có thể giúp họ cầm cự thêm 1 – 2 tháng, còn vấn đề là làm sao để người dân không phải thiếu đói cho đến vụ cận kề thì cần rất nhiều tấm lòng hảo tâm ngoài xã hội quan tâm, chia sẻ.
Đăng Đức