Quốc Việt, thông tín viên RFA
2012-04-21
Chùa Rô không chỉ bị chính quyền gây khó dễ cấp giấy phép tu sửa từ năm 1985 mà còn đang đứng trước nguy cơ phải mất đất diện tích 18 công khi có một gia đình người Việt khẳng định diện tích đất vừa nói thuộc sở hữu của họ.
Vụ tranh chấp này ra tòa hồi năm 1997. Ngày 18/4 vừa qua, phía tranh chấp kéo côn đồ tới chém sư sãi trong chùa, khiến không ít sư sãi và Phật tử phẫn nộ. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình như sau.
Tranh chấp đất đai
Chùa Rô được người dân xã An Cư, thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang xây dựng hồi năm 1912. Nhưng do nhà chùa bị phá hoại nặng nề trong thời chiến với Khmer Đỏ, người dân phải chạy sang sinh sống ở khu kinh tế mới Sóc Trăng, khiến chùa bị bỏ lại hàng chục năm.
Từ năm 1985, sau khi trở về quê hương, Phật tử của chùa quyên góp của cải mỗi người một ít để tu sửa dựng lại mái chùa. Do gần 95% người Khmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long theo đạo Phật, niềm tin vào Phật pháp khiến họ gần nhau hơn. Và từ đó ngôi chùa này đã giúp họ hiểu rõ hơn giáo lý Phật pháp, đoàn kết hơn qua các buổi thuyết giảng của các vị sư sãi.
Tuy nhiên sự việc không đơn giản khi gia đình của ông Lê Văn Trung sống gần chùa khởi kiện lên tòa án cấp huyện, rồi tới Trung Ương cáo buộc nhà chùa tu sửa trên diện tích đất 18 công ruộng của họ. Sau khi ông Trung chết, con rễ là ông Banh Kim An tiếp tục thưa kiện sư sãi chùa Rô. Cuối năm 2011, Tòa án tối cao tỉnh An Giang mời hai bên đến làm việc nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Tấn công dã man có tổ chức
Sự việc tồi tệ hơn đã tới sau khi cháu của ông Banh Kim An tên Thanh kéo côn đồ tới chém, đánh đập sư sãi trong chùa hồi ngày 18/4/2012.
Trụ trì chùa Rô là sư Chau Sóc Khonl cho biết có hai vị sư bị thương do côn đồ tấn công. Chuyện này xảy ra khi vụ tranh chấp đất đai giữa một gia đình người Việt và sư sãi trong chùa kể từ năm 1997 đang ở đỉnh cao. Có lẽ họ thuê nhóm côn đồ tấn công vào sư sãi nhằm hăm dọa và khống chế tinh thần để không còn khiếu nại vụ đất đai đang có tranh chấp.
Trụ trì chùa Rô là sư Chau Sóc Khonl cho biết có hai vị sư bị thương do côn đồ tấn công. Chuyện này xảy ra khi vụ tranh chấp đất đai giữa một gia đình người Việt và sư sãi trong chùa kể từ năm 1997 đang ở đỉnh cao. Có lẽ họ thuê nhóm côn đồ tấn công vào sư sãi nhằm hăm dọa và khống chế tinh thần để không còn khiếu nại vụ đất đai đang có tranh chấp.
Trụ trì chùa Rô sư Chau Sóc Khonl phát biểu:
“Do thấy người Việt tấn công vào mấy ông sư nên các Phật tử đánh lại, rồi bắt giao cho công an. Họ tấn công vào ông sư lúc sư đang ngồi chơi trong chùa. Nếu các vị sư không chạy thì có lẽ họ sẽ đánh chết tại chùa.”
Trước những hành vi của nhóm côn đồ này, Phật tử của chùa Rô cho rằng đây là hành động tấn công dã man có tổ chức vì có vũ khí như búa, gậy, dao dài và ống tiếp trong tay. Trong nhóm côn đồ vừa nói chỉ có một người tên Thanh mà Phật tử của chùa quen mặt, còn bảy người khác đều là dân chơi từ xa đến.
Họ tấn công vào ông sư lúc sư đang ngồi chơi trong chùa. Nếu các vị sư không chạy thì có lẽ họ sẽ đánh chết tại chùa.Trụ trì chùa Rô sư Chau Sóc Khonl
Một phật tử sống gần chùa Rô là bà Neáng Chiên kể lại:
“Chúng tôi đang chuẩn bị đi lễ, bỗng nhiên thấy bọn côn đồ đuổi theo đánh hai ông sư. Sư chạy vào nhà tôi trốn nhưng họ sử dụng một con dao dài đâm thẳng vào nhà tôi, khiến con gái tôi 17 tuổi bị thương nhẹ và đập bể bóng đèn nhà tôi.
Tôi thấy tình hình hỗn loạn như vậy, tôi la lên. Ba thằng côn đồ khác thấy tôi la, họ xách búa, dao dài, ống tiếp đuổi theo chém tôi. Tất cả có 8 người đuổi theo chém ông sư. Sau khi tôi la lớn lên, mời ban quản lý chùa và Phật tử đánh trống triệu tập được khoảng 300 người để giúp bảo vệ ông sư.
Tôi tin rằng nếu không có Phật tử can thiệp thì hai vị sư kia sẽ bị chém chết. Chúng tôi rất sợ và lo lắng đến sự an toàn của sư sãi trong chùa. Chúng tôi yêu cầu chính quyền tiến hành kiểm tra làm rõ sự việc”.
Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ mất trộm đồ đạc ở các chùa Khmer và vụ côn đồ tấn công vào chùa Phật giáo cũng xảy ra triền miên. Ngoài ra, công nhân người dân tộc thiểu số Khmer đi làm ở Thành Phố cũng bị chém chết. Các vụ trọng án ngày càng nhiều, cuộc sống không còn an toàn nữa khiến cộng đồng dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long càng phẫn nộ khi chính quyền không tiến hành kiểm tra làm rõ trách nhiệm cụ thể, không có kết quả thông cho gia đình nạn nhân, ngược lại còn chụp mũ gia đình nạn nhân là phản động. Cụ thể hồi ngày 2/9/2010 vừa qua, ít nhất có một công nhân người Khmer bị chém chết và 11 người khác bị thương do nhóm người Việt tấn công trong lúc đang làm việc cho một công ty Cao Su ở tỉnh Đồng Nai.
Công an: hiểu lầm
Liên quan vụ nhóm côn đồ tấn công vào chùa Rô, chúng tôi có liên lạc đến Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân, Phó Công an huyện Tịnh Biên Chau Cơ, Chủ tịch UBND xã An Cư Chau Chanh Đô Ra, Phó Công an xã An Cư tên Trọng và nhiều quan chức khác có trách nhiệm điều tra sự việc và làm việc với sư sãi cũng như Phật tử của chùa nhưng đều từ chối cung cấp thông tin cụ thể.
Trong khi đó, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang Võ Thanh Liêm cho RFA biết rằng đây là sự hiểu lầm, không có chuyện tổ chức tấn công chùa.
Ông nói xong, chuyển máy cho một người khác giải thích tiếp:
“Vấn đề này không phải là vấn đề gì vì thanh niên không hiểu. Tôi đang xử lý vấn đề này rồi. Chuyện này, tôi cũng chưa rõ lắm nhưng để có vấn đề gì thì tôi sẽ báo cho ông sau. Tôi cũng chưa rõ vấn đề nữa, để tôi hỏi lại.
Sư thấy vụ đó, họ vào phá chùa, rồi đánh sư chứ không phải vào tắm bình thường. Nếu họ vô tắm bình thường thì không sao.Trụ trì chùa Rô sư Chau Sóc Khonl
(Chuyển máy cho người khác giải thích tiếp) bây giờ cái vụ này nó có thật xảy ra. Những người đi vô chùa Rô là những người ở thị trấn Nhà Bàn. Dân này là những đứa thanh thiếu niên, nó đi không phải là đem dao để tấn công chùa nhưng mà đi vô đó, mục đích là tới xin nước để tắm. Nhưng khi ông sư chưa kịp lấy cái gáo múc nước thì mấy ông này nhảy xuống hồ. Hồ nước sinh hoạt. Khi ông sư góp ý, anh em cự lại. Có nghĩa là cũng muốn có thái độ cự, rồi giằng co. Lúc đó, nhà chùa cho đánh trống triệu tập Acha (Ban quản trị chùa), bà con lại bắt mấy ông này. Hiện công an huyện đang xử lý.”
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như lời giải thích của Ủy Ban Dân tộc tỉnh An Giang vì trong số 8 người nói trên, đã có đến 7 người phải nhập viện tại thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên. Tin cho biết đến lúc này đã có một người chết, một người khác phải chuyển đi bệnh viện Sài Gòn do bị người dân đánh trọng thương.
Trụ trì chùa Rô có nhận định khác hoàn toàn: “Sư thấy vụ đó, họ vào phá chùa, rồi đánh sư chứ không phải vào tắm bình thường. Nếu họ vô tắm bình thường thì không sao. Thấy sư sãi ít người, họ đánh sư. Do sư cả không ở chùa, nếu sư cả ở chùa thì chắc họ đánh chết sư cả luôn. Vì ở trong chùa có hai vị sư chạy tới nhà dân nhưng họ vẫn đuổi theo đánh tới nhà dân.”
Trước đó, hàng trăm vụ khiếu kiện đất đai của người Khmer ở tỉnh An Giang, tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, và vụ côn đồ kéo tới chùa đánh đập sư sãi, quấy rối tài sản nhà chùa ở tỉnh An Giang và Trà Vinh, Sóc Trăng cũng chưa thấy chính quyền tiến hành làm rõ sự việc. Ngược lại, người dân oan lại bị cáo buộc trắng trợn; sư sãi bị chê bai, phỉ báng.