THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 April 2012

Bị "cướp trắng" ý tưởng không hiếm



22/04/2012 13:59:51
(Kienthuc.net.vn) - Từ ngày 25/4 tới đây, tác giả sáng kiến sẽ được nhận mức tối thiểu 7% tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến của mỗi năm. Theo PGS.TS Phạm Gia Điền thì dù đã muộn, song nó cũng là một cách động viên thiết thực. Thúc đẩy người ta nghiên cứu mà không tạo ra sự lãng phí, như hiện trạng của nền khoa học hiện nay.

Từ trước đến giờ làm gì có tiền!

Ông đánh giá thế nào về quy định tác giả sáng kiến sẽ được nhận tối thiểu 7% lợi nhuận?

Đó rõ ràng là một quy định tốt. Nó khuyến khích mọi người tìm ra những sáng kiến cải kiến kỹ thuật mới. Tuy nhiên, đến giờ mới có quy định này thì đã muộn mất rồi. Cái thời kỳ người người, nhà nhà tập trung sáng kiến đã qua rồi. Giờ máy móc phát triển, công nghệ sẵn có, các sáng kiến giờ cũng hạn chế nhiều.

Nhưng rõ ràng có còn hơn không. Từ trước đến giờ, việc ưu đãi với những sáng kiến này được thực hiện thế nào thưa ông?

Từ trước giờ, không ai nói gì, cũng như không có quy định nào về việc trả thù lao cho tác giả những sáng kiến đó cả.

Nghĩa là từ trước đến giờ, tác giả sáng kiến không hề có tiền?

Đúng thế. Tôi có quen một người, có đến hơn 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến. Họ nghĩ ra nhiều sáng kiến nhưng họ không thu được cái gì cả. Cùng lắm có nơi họ thưởng cho những sáng kiến ấy một khoản tiền nhỏ, thế thôi.

Vấn đề phát sinh của quy định này là tính lợi nhuận thế nào cho công khai, đảm bảo công bằng.

Ông có thể ví dụ cụ thể hơn?

Ví dụ như trước đây sản xuất một chiếc cốc thì họ làm chảy thủy tinh rồi thổi, cho vào mài và làm ra cái cốc. Giờ người ta làm một cái khuôn rồi đổ vào đó và ép là ra sản phẩm. Thế thì sáng kiến cải tiến quy trình đó trị giá bao nhiêu tiền, hiệu quả thế nào, thì sẽ rất khó tính hiệu quả cụ thể. Nếu không thể tính được hiệu quả thì cũng không thể tính được tiền phần trăm mà chia cho tác giả sáng kiến được.

Nghĩa là có quy định thì mừng, nhưng chưa thể yên tâm vì không biết cân đong thế nào cho đúng?

Cái này lại phải trông chờ vào sự trung thực của người tính toán. Đa phần các sáng kiến ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu sản xuất trực tiếp, mang tính tự phát chứ cũng không có cơ quan nào đứng ra hệ thống hay bảo vệ tác giả các sáng kiến này cả.
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hoá học, Viện KH&CN Việt Nam.
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hoá học, Viện KH&CN Việt Nam.

Chẳng nhà khoa học nào đủ sức đi kiện

Số người có sáng kiến trong giới khoa học có nhiều không thưa ông?

Trong giới khoa học chỉ có phát minh sáng chế hoặc bản quyền nghiên cứu, còn sáng kiến chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp. Sáng kiến là những thay đổi đem lại hiệu quả sản xuất và giảm nhẹ sức lao động.

Ở lĩnh vực phát minh sáng chế thì có cơ chế tương tự không? Hiện các nhà khoa học đã mặn mà với phát minh sáng chế hay chưa?

Tôi biết nhiều quy trình công nghệ được làm ra nhưng họ không đăng ký bản quyền. Vì nền khoa học của Việt Nam chưa phát triển. Ở các nước khác, dù cái nhỏ nhất được đăng ký bản quyền thì nhà nước cũng bảo vệ quyền lợi cho họ.

Còn ở Việt Nam, để thắng kiện khi ra tòa thì mất rất nhiều tiền. Đã không mang lại lợi ích mà lại phải mất tiền, nên người ta ít quan tâm đến việc kiện cáo đó. Những chi phí cho việc khiếu kiện hay thiệt hại trong quá trình sản xuất, bị ăn cắp bản quyền, đều không được bảo vệ.

Vì sao lại có tình trạng đó thưa ông?

Không phải là không muốn, nhưng muốn đăng ký thì thủ tục của nó cũng rườm rà. Thứ nữa là kinh phí bỏ ra tương đối lớn. Đáng lẽ Nhà nước nên giúp đỡ hỗ trợ cái tiền đăng ký đó. Các nhà khoa hoc không tham vọng sử dụng cái đó làm lợi cho bản thân mình nhưng công sức lao động, nghiên cứu của mình cần được công nhận. Hiện cũng có nhiều nhà khoa học có công trình sản phẩm được đăng ký bản quyền. Nhưng hiện tượng bị lấy cắp công thức, bị "cướp trắng" ý tưởng, cũng không phải là hiếm. Mà chẳng nhà khoa học nào có sức để đi kiện cả.

Nghiên cứu khoa học đang thất bại

Theo ông thì số nhà khoa học chủ động đem sản phẩm của mình đi ứng dụng có nhiều không?

Không. Ở Việt Nam đó là sự thất bại của quá trình nghiên cứu khoa học. Mọi người hay nói là ở Việt Nam, Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền để nghiên cứu khoa học mà làm ra ít sản phẩm, nhất là những sản phẩm có thể ứng dụng vào sản xuất.

Thực ra không phải thế. Họ làm rất nhiều thứ, nhưng lại không có cơ chế đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Muốn đưa được thì phải có công nghệ. Phần công nghệ của mình còn rất kém nên chỉ dừng ở mức nghiên cứu thành công. Từ đó đến sản xuất là một bước dài. Bước dài đó phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. 

Kết quả nhiều, ứng dụng ít, có phí quá không?

Rất phí. Có một điều, đầu tư nghiên cứu sản phẩm đưa ra thị trường phải cao gấp 5 lần đầu tư trong phòng thì nghiệm. Hiện nay, Nhà nước có quy định đầu tư 1/3 số tiền cho các đề tài khoa học triển khai ứng dụng. Nhà khoa học phải bỏ ra 2/3.

Nhưng đa phần nhà khoa học không có tiền. Muốn làm thì các nhà khoa học phải đi tìm đối tác, thường là công ty. Nhưng không phải công ty nào cũng dám bỏ tiền ra. Quả tình là khó.

Đó có phải là sự yếu kém của các nhà khoa học?

Không hẳn. Vì ở Việt Nam, người làm khoa học chỉ chăm chú vào làm khoa học chứ họ không nghiên cứu thị trường hoặc có quan hệ với các công ty. Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, một ông giáo sư có thể mở công ty riêng. Khi ông nghiên cứu ra một sản phẩm, nếu không bán hoặc chuyển giao được thì ông có thể tự ứng dụng tại công ty của mình. Nhưng ở Việt Nam thì nhà khoa học không được phép mở công ty. Họ chuyên tâm làm khoa học, không được tham gia vào sản xuất. Đó cũng là hạn chế. Rồi nhận thức về vai trò của khoa học của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Doanh nghiệp thì không dám mạo hiểm đầu tư. Thành ra đến giờ khoa học vẫn cứ dậm chân tại chỗ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP "Ban hành Điều lệ Sáng kiến" của Chính phủ, trường hợp chủ đầu tư tạo ra sáng kiến là tổ chức kinh tế hoặc là đơn vị sự nghiệp có thu và hạch toán độc lập, nếu giữa tác giả sáng kiến và chủ đầu tư tạo ra sáng kiến không có thỏa thuận thì việc trả thù lao được thực hiện theo quy định: Thù lao trả hằng năm trong 3 năm đầu tiên áp dụng sáng kiến, trả trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày kết thúc mỗi năm áp dụng, với mức tối thiểu 7% tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến của mỗi năm, trường hợp không tính được tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến thì trả với mức tối thiểu 5 lần mức lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước tại thời điểm trả thù lao...
Tô Hội (Thực hiện)