THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 June 2011

Đường vừa sửa lại hư



TT - Mặt đường nham nhở với ổ voi, ổ trâu, ổ gà chằng chịt. Nhiều đoạn đường bung nát, trơ sỏi đá, xe đi qua làm đất đá, bụi bay mù mịt. Sau cơn mưa lớn là xuất hiện vô số hố nước dày đặc mặt đường. Đó là hiện trạng của đoạn quốc lộ 1A tránh TP Huế, mà giới tài xế xe Bắc - Nam gọi là đoạn đường tồi tệ nhất quốc lộ 1A.

Mặt đường quốc lộ 1A tránh TP Huế nham nhở do lớp nhựa đường đã bong tróc hết - Ảnh: Tiến Long

Vừa vượt qua một đoạn đường nguy hiểm, tài xế Trần Duy Hải, chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Bình, ngày hai lần đi về trên tuyến đường này, bức xúc: "Đường quá xấu, mỗi lần điều khiển xe qua đây chúng tôi phải "bò" suốt đoạn đường này với tốc độ "rùa" 15-20km/giờ, trong khi tốc độ cho phép là 80km/giờ. Phải mất hơn cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới qua con đường xấu này".

Anh Hải kể anh từng chứng kiến xe trước chạy làm đá nổi trên mặt đường này văng lên cửa kính xe sau khiến tài xế bị thương.

Đang chờ người thay lốp trong tiệm sửa xe bên đường, tài xế Trần Quang Khương, chạy tuyến Huế - Quảng Bình, cho biết đi trên tuyến đường này các xe thường xuyên bị gãy nhíp, cháy lốp vì bị đá "ăn". Có ngày anh phải thay lốp đến hai, ba lần.

Khởi công từ năm 2001, đưa vào sử dụng năm 2003, đoạn quốc lộ 1A tránh TP Huế có chiều dài 37km đi qua 10 xã thuộc huyện Hương Trà và thị xã Hương Thủy, với tổng vốn đầu tư lên đến 385 tỉ đồng.

Đoạn đường này góp phần giảm thiểu một lượng lớn xe cộ đi vào nội ô TP Huế, đồng thời là điểm nối quan trọng của nhánh đông đường Hồ Chí Minh.

Ngày 2-6-2011, đi trên tuyến đường này, chúng tôi thấy bốn tốp công nhân đang giặm vá mặt đường. "Sửa như rứa có mà sửa cả đời" - chị Nguyễn Thị Dư, một người bán nước bên đường, lắc đầu nói.

Theo chị Dư, ngày nào chị cũng thấy công nhân sửa chữa trên tuyến đường này, nhưng vừa sửa xong chỗ này thì chỗ khác đã bị hư hỏng. Trong lúc thi công sửa đường, ban đêm đơn vị thi công không đặt đèn tín hiệu báo cho người dân biết, nên nhiều xe máy đi qua đây bị té ngã liên tục. Nguy hiểm hơn, mỗi lần đi qua đây các tài xế xe lớn phải điều khiển xe luồn lách để tránh ổ voi, ổ gà nên rất dễ đụng vào xe máy chạy bên đường.

Theo Phòng cảnh sát giao thông Công an Thừa Thiên - Huế, các tai nạn như tự ngã xe do tránh ổ gà, xe va chạm nhau xảy ra thường xuyên trên tuyến đường này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Châu Thành, trưởng Phòng quản lý giao thông Công ty cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tuyến đường này), cho rằng do nền móng đường phức tạp, vừa đi qua đồng bằng lẫn miền núi, lượng xe lưu thông trên đường lớn, cùng với thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác duy tu, bảo dưỡng đường.

Theo ông Thành, công ty ông chỉ chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, giặm vá và vệ sinh mặt đường, còn việc sửa chữa vừa và lớn phải phụ thuộc vào kinh phí và kế hoạch của Khu Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế). Một quý, Khu Quản lý đường bộ IV giao công ty vá 1.500-2.000m2 mặt đường cho hơn 300km đường chạy qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên  - Huế (bao gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh). Trong khi đó, riêng tuyến đường tránh TP Huế đã có hàng vạn mét vuông đường bị hư hỏng.

TIẾN LONG