THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 June 2011

'Công nghệ' sử dụng trẻ em đi bán kẹo cao su


Thứ năm, 9/6/2011, 16:24 GMT+7



Được địu trước bụng cậu bé 14-15 tuổi, đứa bé chốc chốc lại khóc thét, còn "người anh" tay cầm bình sữa, tay bê rổ kẹo, mặt buồn rầu mời chào khách. Ít phút sau, một phụ nữ to béo phi xe máy đến đón cả hai.

*ClipHai cậu bé đi bán kẹo cao su

Tối ngày đầu tháng 6, tại đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Hà Nội), sau khi đưa hai đứa trẻ xuống quán trà đá vỉa hè, người phụ nữ dáng to béo mặc bộ đồ ngủ đi xe Dream quay đầu xe lao vun vút về phía đường Xuân Thủy.

trẻ em bán kẹo cao su.
Cháu bé ngủ gật ngay trên tay người anh trong khi hai anh em trên đường đi "tác nghiệp".Ảnh: Bá Đô

Rời xe của người phụ nữ, một tay giữ bé trai địu trước ngực, một tay bê rổ nhựa đựng kẹo cao su, cậu bé chừng 14-15 tuổi quỳ gối bên quán nước với vẻ mặt buồn rầu và liên tục mời chào: "Mua giúp em phong kẹo cao su anh chị ơi".

Thấy ánh mắt có phần van lơn, đặc biệt thấy bé chừng hơn một tuổi chốc chốc lại ngọ nguậy, khóc thét lên từng hồi, nhiều người không ngần ngại rút ngay những tờ tiền mệnh giá 20.000-50.000 đưa cho cậu bé để đổi lấy một phong kẹo cao su.

Đi hết những hàng quán trên đường, rổ kẹo vơi dần, "người anh" dừng tại một góc tối, từ từ đếm tiền rồi rút điện thoại gọi. Vài phút sau, người phụ nữ to béo lại có mặt, tiếp tục chở chúng đi về hướng quảng trường Mỹ Đình.

Ngày hôm sau vẫn cậu bé, nhưng với trang phục khác và được đưa tới quảng trường Mỹ Đình bởi một thanh niên đi xe SYM màu xanh. Giống như hôm trước, với bộ mặt sầu não, tiếng khóc thét của đứa trẻ, hai anh em cậu bé nhanh chóng bán được khá nhiều kẹo.

Đến 23h đêm tại một điểm hẹn sẵn, người thanh niên quay lại đón hai cậu bé rồi lao về phía cuối đường Đê La Thành, khuất dần trong con ngõ nhỏ.

Lợi dụng trẻ em.
Hai cậu bé được người phụ nữ đi xe Dream đưa đón đi khắp các điểm để "tác nghiệp". Ảnh: Bá Đô

Ở một góc khác của thủ đô, trên đường Ngọc Hà, 12h trưa hằng ngày, 3 bé gái chừng 11-12 tuổi bê rổ kẹo cao su được một người đàn ông trung niên đưa đến quán bia 1B Bắc Sơn.

Thân hình nhỏ nhắn, gầy guộc, khoác trên mình chiếc áo cộc tay màu xanh nõn chuối với nhiều vết loang lổ, bé gái khoảng 11 tuổi vừa bước vào quán bia đã vội lôi lọ kẹo cao su trong rổ nhựa ra mời chào "Chú mua cho con lọ kẹo".

Thấy những vị khách mải mê nâng cốc không để ý đến lời mời, cô bé đưa lọ kẹo vào trong rổ rồi nhanh nhẹn đấm bóp vai cho khách và kiên trì mời chào. Trông cô bé nhanh nhẹn, lại khéo léo, không ít vị khách đã rút hầu bao mua kẹo. Đi khắp quán bia, bé gái bê rổ kẹo ra quán trà đá gần đó ngồi đợi người đến đón.

Bé gái cho biết tên Hương, 10 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa. "Cháu theo bà lên Hà Nội kiếm sống được 3 năm, hàng ngày bà đi bán báo dạo, còn cháu bán kẹo thuê. Mỗi tháng họ nuôi ăn và trả cháu 1,5 triệu đồng, số tiền này hàng tháng cháu lại gửi về cho bố mẹ", Hương cho biết.

Khi được hỏi thêm về danh tính, địa chỉ của người thuê và hàng ngày chở bé đi tới những hàng quán để bán kẹo, cô bé im lặng và nhanh chóng bỏ đi.

Nhìn Hương mất hút giữa dòng xe cộ, chị Vân, người bán trà đá gần 10 năm nay trên đường Ngọc Hà cho biết, trưa nào chúng cũng được một người đàn ông đưa đón ở đây. "Chúng nó chưa đủ tuổi lao động, không hiểu bố mẹ nghĩ gì mà cho đi lang thang để bị bóc lột sức lao động", chị Hương nói.

Không chỉ tại phố Nguyễn Phong Sắc hay Ngọc Hà, tại nhiều con phố của Hà Nội như Cấm Chỉ, Phùng Hưng, Cao Bá Quát hay Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch..., nơi có nhiều quán ăn uống, cũng thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ em rong ruổi cả ngày lẫn đêm để bán kẹo cao su thuê.

Theo nghị định 114 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trẻ em, nếu cha mẹ có hành vi bắt con đi lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng và phạt tiền 5-10 triệu đồng với hành vi chứa chấp trẻ lang thang để bán vé số, sách báo, tranh ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

Bá Đ
ô