THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 June 2011

Cà phê “bẩn” ở Việt Nam.


2011-06-09

Thời gian gần đây, trên Internet có nhiều thông tin và hình ảnh phơi bày sự gian đối của một số con buôn lập những đường giây sản xuất "cà phê bẩn" bằng cách pha trộn bột bắp, đậu nành rang cháy, hương liệu, chế biến tung ra thị trường.

AFP photo

Cà phê Việt Nam


Bắp+gòn+xương gà+hóa chất= cà phê

Báo Dân Trí cũng vừa có bài phóng sự điều tra về "các lò sản xuất cà phê bẩn". Muốn tạo cho cà phê bẩn có hương vị thật, trông đen sánh hấp dẫn, có mùi thơm , lái buôn phải tìm đến chợ Kim Biên, phường 13, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Chơ Lớn, Bình Tây, để mua các loại hóa chất, đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu không sử dụng các loại hóa chất, hương liệu này thì bột bắp, hạt gòn, đậu nành hay xương gà không thể "biến" thành cà phê bóng mịn được. 

Xay cà phê- Hà Nội-AFP photo
Xay cà phê- Hà Nội-AFP photo

Các hóa chất ấy bao gồm: caramen, tinh cà phê, ca cao, bơ công nghiệp, bột vani, sữa, mỡ động vật, đường hóa học,  có tác dụng tạo mùi vị, chất kết, chất đắng, gây bọt trắng. Giá những phụ gia này được bán ra từ 250 ngàn đồng, tới 350 ngàn đồng, một lít hay một kí lô, nếu mua sỉ thì rẻ hơn từ 10 ngàn đến 30 ngàn đồng, tùy từng loại. Những chủ nhân bán hương liệu, hóa chất còn "chỉ bày" cho khách là muốn cà phê thêm đậm đà thì pha thêm chút rượu rhum vào, dù là bột bắp khét cũng sẽ thành cà phê "thượng hảo hạng".

cái việc này chắc chắn không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu, cà phê xuất khẩu đi theo một kênh hoàn toàn khác
Phó chủ tịch hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam 

Tuy nhiên cà phê "bẩn" không thể được xuất khẩu ra bên ngoài. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo Vệ Người Tiêu dùng Việt Nam, từ  Hà Nội giải thích :""Tôi có thể khẳng định ngay là cái việc này chắc chắn không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu, cà phê xuất khẩu đi theo một kênh hoàn toàn khác, được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm nghiệm chất lượng, trước khi hàng được gởi đi xuất khẩu. Thế còn việc báo Dân Trí đăng, chúng tôi đang chờ cơ quan nhà nước vào cuộc, kiểm tra cho rõ thực hư như thế nào. Theo tôi biết nếu có thì đó chỉ là việc sản xuất nhỏ lẻ thôi, chứ không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu cả."     
Từ Saigon, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh rằng, không chỉ riêng đối với cà phê mà nhiều loại sản phẩm khác cũng bị gian thương, bất cứ ở đâu,  làm giả, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng:"Ở nước nào cũng có những trường hợp làm giả, với mục đích kiếm lời, không riêng gì cà phê mà ngay cả thuốc men, thực phẩm khác. Có lúc người ta nghe chuyện nước tương, thịt bò khô, heo khô của Trung Quốc làm. Tôi thấy ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào đều có. Nói chung thì người tiêu dùng phải cảnh giác với việc này, chánh phủ những nước đó  phải quan tâm để giảm bớt, hay chấm đứt việc làm hàng gian, hàng giả như thế này, nhưng cũng không phải là chuyện hi hữu, động trời, mà chúng ta có thái độ quá bức xúc." 

Mong ước bao giờ hiện thực?

Một trong những người chuyên canh tác cà phê từ nhiều đời ở Lâm Đồng, ông Toàn, kể về những mánh khóe của gian thương, đồng thời mong muốn tệ trạng này sớm chấm dứt:

bảo vệ sức khỏe cho mọi người, thứ hai là ổn định hàng hóa do người nông dân sản xuất ra, nó khổ lắm. Các ban ngành chức năng phải có trách nhiệm
ông Toàn, nông gia trồng cà phê lâu đời

Cà phê Arabica-AFP photo
Cà phê Arabica-AFP photo
"Tôi góp ý để có tiếng nói về vấn đề sản xuất cà phê được tồn tại, để cho người nông dân ở Việt Nam có được hướng phát triển mạnh hơn, ngành tiêu dùng được thuận lợi hơn. Tôi là người sản xuất ra, nhưng trở lại là người tiêu dùng cà phê, tôi thấy bất hợp lý ở nhiều điểm. Thứ nhất là khi họ pha chế, dùng độ mặn bằng hương liệu nước mắm, có hồi mặn quá. Điểm thứ hai là rang khét quá, cháy khét, thứ ba là pha chế những chất như đậu nành, hạt gòn hay các thứ, mình không rõ ngành chế biến của họ ở tại xưởng, có hồi béo quá. Tôi thấy nó rất ảnh hưởng cho sức khỏe. Nếu có số liên lạc của những nhà chế biến, xưởng cà phê, làm thế nào yêu cầu các ngành chức năng, đo lường, kiểm định, cho hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, thứ hai là ổn định hàng hóa do người nông dân sản xuất ra, nó khổ lắm. Các ban ngành chức năng phải có trách nhiệm để bảo vệ được hàng của người sản xuất."  
Theo tường thuật của báo Dân Trí thì ngoài chuyện buôn bán hóa chất làm cà phê giả, nhiều cửa hàng trong chợ Kim Biên còn bày bán đủ loại bao bì,  hàng hiệu, trình bày đẹp mắt, với trọng lượng chứa đựng cà phê khác nhau. Sau khi chịu giá cả xong, khách hàng có thể đặt in bất cứ tên, nhãn hiệu, chi tiết nào, để quảng cáo cho công ty của mình.
Các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm và y tế công cộng cho biết, những hóa chất như caramen hay các loại bắp, đậu nành, một khi bị rang quá lửa, cháy đen thì không còn giá trị dinh dưỡng mà còn có thể tạo nên hàng chục thứ độc chất có thể gây ung thư hay bệnh hiểm nghèo cho người vô tình hay lầm lẫn sử dụng về lâu về dài.
Người dân thì tin rằng chỉ khi nào Nhà nước kiên quyết xử lý, nghiêm trị thích đáng những kẻ làm ăn gian dối, xem nặng đồng tiền, bán rẻ lương tâm, xem nhẹ mạng sống con người thì lúc ấy giới tiêu dùng mới an tâm, không còn nghi ngại là đụng đến bất cứ thứ gì , ăn uống được, cũng có thể bị ngộ độc, bị nguy hại đến sức khỏe. 
Mong ước đó không biết đến bao giờ mới thành hiện thực,  vì người ta vẫn thường nói ở Việt Nam, có tiền "bôi trơn" thì mua cái gì cũng được cả.