Thứ Hai, 28/10/2013 23:24
Báo cáo trước Quốc hội sáng 28-10, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc phát hiện tội phạm chưa tương xứng với thực tế; tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, chất lượng chưa cao, còn để xảy ra vi phạm trong công tác tố tụng
Sáng 28-10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường để nghe báo cáo của Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao về công tác phòng chống tội phạm và kết quả thực hiện Nghị quyết 37/2012/NQ-QH13 của QH về công tác tư pháp.
Cán bộ nhà nước bảo kê băng nhóm
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2013, tội phạm tham nhũng gia tăng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen diễn biến phức tạp trở lại. Đặc biệt, xuất hiện những đối tượng cho vay nặng lãi chuyên nghiệp, lợi dụng hợp đồng vay để chiếm đoạt tài sản của người dân. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng kết quả phát hiện tội phạm lại chưa tương xứng với thực tế; tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, chất lượng chưa cao, còn để xảy ra vi phạm trong tố tụng. Bên cạnh đó, công tác giải quyết tin tố giác tội phạm của một số viện kiểm sát chưa thực hiện tốt…
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: “Ngành tư pháp đã thống nhất đưa các vụ án tham nhũng lớn ra xét xử trong quý IV/2013” Ảnh: Hoàng Bắc
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, ông Nguyễn Văn Hiện, đánh giá báo cáo của Chính phủ về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chưa phản ánh toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Báo cáo của VKSND Tối cao chưa phân tích, đánh giá toàn diện nguyên nhân của tình hình gia tăng tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế; báo cáo của ngành tòa án chưa phân tích sâu…
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, cần phải nhấn mạnh vào nguyên nhân phát sinh tội phạm như: Một bộ phận cán bộ chức quyền trong cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở có dấu hiệu bảo kê để các doanh nghiệp, băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên - khoáng sản, vận chuyển hành khách… “Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại nhưng các cơ quan chức năng ở một số địa phương không xử lý được” - ông Hiện nhấn mạnh.
Cuối năm sẽ xử bầu Kiên, Dương Chí Dũng
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề cập đến những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, trong đó vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) có 8 bị can, vụ Dương Chí Dũng có 9 bị can, vụ Dương Tự Trọng có 7 bị can, vụ Huỳnh Thị Huyền Như có đến 23 bị can… “Ngành tư pháp đã thống nhất đưa các vụ án này ra xét xử trong quý IV/2013” - Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có 6 vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất hồ sơ và chuyển cho ngành kiểm sát. Trong đó, 4 vụ đã ra cáo trạng truy tố là vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Vũ Quốc Hảo - Công ty Cho thuê tài chính II (Agribank), Huỳnh Thị Huyền Như - lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Huyền - tham ô tài sản tại Công ty Vifon. Hai vụ Dương Chí Dũng tham ô tài sản ở Vinalines và bầu Kiên ở Ngân hàng Á Châu đang ra cáo trạng.
Trong số trên, 3 vụ sẽ do TAND TP Hà Nội xét xử và 3 vụ xử tại TP HCM. “Ngoài 6 vụ án nêu trên, VKSND Tối cao sẽ phối hợp chặt với Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng còn lại, bảo đảm xử lý đúng thời hạn và nghiêm minh” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Báo cáo về công tác xét xử, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết trong năm 2013, đã giải quyết hơn 364.000/hơn 395.000 vụ án, đạt trên 92%. Tổng số các loại án tăng gần 35.000 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tính chất của các vụ án ngày càng phức tạp, phát sinh một số hành vi phạm tội và tranh chấp mới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo QH: Cả nước còn 684 tử tù chờ thi hành án. Trường hợp đầu tiên thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc đã thực hiện vào ngày 6-8 tại TP Hà Nội với tử tù Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986). Tiếp đó, trong tháng 10 này, đã có thêm 2 tử tù ở tỉnh Sơn La và TP Hải Phòng được thi hành án bằng hình thức tử hình mới.
|
Án tham nhũng: Khó thu hồi tài sản
Bên lề QH ngày 28-10, về lo ngại chậm đưa các đại án tham nhũng ra xét xử sẽ khiến việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn hoặc chỉ thu hồi được rất ít, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Không chỉ ở Việt Nam, việc thu hồi tài sản của các vụ án kinh tế và tham nhũng ở nhiều nước không bao giờ đạt 100%. Sau này cũng thế. Đây là một thực tế”. Ông Bình cũng khẳng định tinh thần chỉ đạo chung là thu hồi được càng nhiều càng tốt và sớm sửa các quy định trong Bộ Luật Tố tụng, Bộ Luật Hình sự để làm tăng khả năng truy thu tài sản trong các vụ án tham nhũng.
T.Kha
|
Nguyễn Quyết