ĐẤT VIỆT - Sáng 28/10, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đã tử hình 3 trường hợp bằng tiêm thuốc độc trong khi còn tồn đọng 684 án tử hình.
Báo cáo trước Quốc hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường cho biết hiện cả nước còn 684 phạm nhân đợi kết án tử hình. Trong đó 682 người thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án của Bộ Công an và 2 trường hợp thuộc trách nhiệm cơ quan thi hành án của Quân đội.
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường báo cáo trước Quốc hội |
Sau khi thực hiện xong vụ tử hình trên, Bộ Công an đã tổ chức họp rút kinh nghiệm để tiếp tục thi hành. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trong tháng 10/2013, cơ quan thi hành án đã tiến hành tử hình 2 trường hợp nữa bằng hình thức tiêm thuốc độc ở Sơn La và Hải Phòng.
Trong báo cáo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh việc tử hình bằng tiêm thuốc độc vẫn còn chậm. Hiện nay số người án tù tăng nhanh đang tạo áp lực rất lớn cho công tác giam giữ, cơ sở giam giữ đang bị thiếu. Hiện đang xem xét đề án giam giữ tập trung người bị kết án tử hình ở trại phía Nam và trại phía Bắc.
Trước đó, ngày 1/7/2011 luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực, Việt Nam không còn áp dụng tử hinh bằng xử bắn mà thay vào đó là tiêm thuốc độc. Để chuẩn bị cho việc thi hành án này, Bộ Công an phối hợp với một số cơ quan chức năng xây dưng 5 cơ sở thi hành án tại các khu vực, trong đó có Hà Nội.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu chuẩn bị thuốc độc, lực lượng thi hành án và cơ sở vật chất nên việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc bị kéo dài.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung về thi hành án tử hình. Theo đó, quy định thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại: thuốc làm mất trí giác, thuốc liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Mỗi tử tù sẽ bị tiêm một liều gồm cả 3 loại thuốc nói trên. Thuốc tiêm sẽ được truyền thẳng vào tĩnh mạch của tử tù và thực hiện theo quy trình 3 bước gồm: Tiêm thuốc mất trí giác, trong trường hợp tử tù chưa bị mất trí giác thì tiếp tục tiêm cho đến khi mất trí giác.
Tiếp đó, tử tù sẽ bị tiêm thuốc làm liệt hệ vận động và cuối cùng là tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Thùy Vân (Tổng hợp NLĐ, DT)