THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 September 2013

Quốc tế Cộng sản



"Lòng tin tưởng thái quá vào một chủ thuyết là kẻ thù lớn nhất của chân lý và sự thật, đồng thời còn nguy hiểm hơn cả sự lừa đảo." (Friedrich Nietzsche)

Tổng thống Hoa kỳ Ronald Reagan có nói: "Trong lịch sử nhân loại có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu. Nhưng trang sử đau thương và đẫm máu nhất, chính là trang sử cộng sản."

Một sử gia cũng viết: "Trong lịch sử nhân loại có nhiều cuộc lừa đảo, đàn áp, giết chóc và thủ tiêu. Nhưng cuộc lừa đảo, giết chóc lớn nhất vẫn là cuộc lừa đảo, giết chóc của cộng sản".

Nói đến cộng sản là nói chung chung, vì nói đến cộng sản thì chúng ta không thể không nói đến Quốc Tế Cộng sản. Tuy nhiên trong tổ chức này có ít nhất 4 Quốc tế Cộng sản, như Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam và Đệ Tứ. Hai tổ chức Đệ Nhị và Đệ Tứ không những không đàn áp, giết người, mà còn là nạn nhân tàn khốc của Đệ Tam.

Sơ lược về lịch sử Quốc tế Cộng sản:

Đây là một tổ chức quốc tế, qui tụ nhiều tổ chức, đảng chính trị của nhiều nước trên thế giới và họ cho rằng họ có thể thay đổi xã hội từ "tư bản" sang "xã hội chủ nghĩa" hay "cộng sản chủ nghĩa", chữ mà ngay từ lúc đầu Marx dùng lẫn lộn trong Tuyên Ngôn thư Đảng Cộng sản. 

Có nhiều Quốc tế cộng sản:

I) Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản 

Tiền thân của Đệ nhất: Ba người được coi là người khởi xướng Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản là: 

1) François Babeuf (1761-1797), người Pháp, theo Cách mạng Pháp lúc ban đầu, nhưng sau đó định làm một cuộc đảo chính chính phủ cách mạng thời bấy giờ (1795), nhưng không thành, ông bị bắt và bị xử tử. Ông thành lập Hiệp hội những Người Công bằng (Association des Egaux). Tư tưởng của ông đã được những người cộng sản, đặc biệt là Marx và Engels, theo sau này.

2) Karl Heinrich Marx (1818-1883): người Đức, gốc Do thái, tác giả Tuyên Ngôn thư Cộng sản, một trong những người chính thành lập ra Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản (1864-1876); 

3) Friedrich Engels (1820 -1895), bạn của Marx, người đã cùng Marx đấu tranh, thành lập ra Đệ Nhất.

Lúc đầu Marx và Engels gia nhập Nhóm những người chính nghĩa, sau đó đổi thành Nhóm những người Cộng sản (1847-1852). Tại Đại hội II của nhóm Marx được đề cử soạn thảo cương lĩnh, đến tháng 2/1848 Marx hoàn tất và Tôn nguyên thư Đảng Cộng Sản ra đời. Marx và Engels vẫn tiếp tục hoạt động trong Nhóm những người Cộng sản cho đến ngày 28/09/1864 Hiệp hội quốc tế những người thợ thuyền, hay Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản, được thành lập ở Luân đôn (Anh quốc). Nhưng những hội viên phần lớn là những người theo tư tưởng của chủ nghĩa vô trị của Proudhon (1809 -1865), của Auguste Blanqui (1805-1881), và những người theo trường phái triết lý thực nghiệm (Positivisme) của Anh, mà sau này họ trở thành Đảng viên của Đảng lao động Anh.

Auguste Blanqui (1805-1881), là nhà đấu tranh cách mạng Pháp, chống lại chế độ quân chủ, bạn của Charles Fourrier (1772-1837), của Saint Simon (1760-1825), nhà xã hội, kinh tế, kỹ nghệ gia Pháp, mà tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn ở xã hội Pháp vào thế kỷ thứ 19. Cả hai ông, đều bị Marx chỉ trích nặng nề trong quyển Tuyên ngôn thư, bị coi là những nhà xã hội không tưởng.

Trong Đại hội họp ở Lausanne (Thụy sĩ) vào năm 1867, Đệ Nhất Quốc tế có những người cũng theo chủ nghĩa vô trị, nhưng khuynh hướng Nga, của nhà triết học Nga, Michail Bakounine (1814-1876), tham dự; điều này làm Marx và Engels bất mãn. Nhưng đến đại hội họp ở La Haye (Hòa lan), năm 1872, sự kình chống giữa những người theo tư tưởng của Marx, chủ trương "Độc tài vô sản" và những người theo chủ nghĩa vô trị khuynh hướng Proudhon và Bakounine, đi đến chỗ quyết liệt. Marx tự lấy quyền trục xuất những người của Bakounine ra khỏi đại hội, làm ông này sau đó thành lập Quốc tế những người theo chủ nghĩa vô trị. Tổ chức này họp đại hội cuối cùng vào năm 1881.

II) Sự khác biệt về Tiền Quốc tế Cộng sản và Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản.

Như chúng ta thấy, ngay trong Đại hội tiền Quốc tế Cộng sản và trong Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản đã có 2 khuynh hướng chống nhau như mặt trời mặt trăng, như nước với lửa: khuynh hướng chủ trương vô trị, chủ trương vô chính phủ; khuynh hướng chủ trương độc tài, với chính phủ, nhất là đảng độc tài mạnh. Một thí dụ điển hình là Marx và Proudhon, hai người này gần như cùng thời, trao đổi tư tưởng với nhau rất nhiều. Marx đã từng khen những bài viết của Proudhon về kinh tế: "Ông đã đánh vào thành trì kinh tế của tư bản". Hai người có bút chiến với nhau. Proudhon viết quyển Philosophie de la misère (Triết lý của sự nghèo khổ), Marx trả lời lại bằng cách viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, quyển Misère de la Philosophie (Sự nghèo nàn của triết học).

Tuy nhiên Proudhon phản đối kịch liệt Marx qua quan niệm "Độc tài vô sản", vào ngay thời đó, ông đã tiên đoán: "Nếu tư tưởng của Marx được thực hiện, thì nó sẽ trở thành con sán lãi của xã hội." Ngày nay qua 100 năm thực hiện lý tưởng của Marx, với những nước cộng sản đã biến mất, như Liên sô và Đông Âu, và với những nước cộng sản còn lại, chúng ta thấy quả lời tiên đoán của Proudhon là đúng. Nhà nước cộng sản không biến mất như lời Marx tiên đoán, mà càng ngày càng lớn mạnh, cộng thêm với đảng Cộng sản, đặt trên tất cả mọi tổ chức, tiêu sài phung phí từ tiền thuế của dân. Quả thật là 2 con sán lãi khổng lồ.

III) Sự ra đời Đệ Nhị Quốc tế Cộng Sản

Marx lấy quyền độc đoán giải tán Đệ Nhất quốc tế Cộng sản. Nhưng từ ngày tổ chức này bị giải tán năm 1876 cho tới khi Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản được thành lập, năm 1889, ở Paris, có rất nhiều biến cố chính trị, xã hội, ý thức hệ ở Âu châu. Ở đây, tôi không thể đi quá vào chi tiết từng nước một, tôi chỉ lấy tiêu biểu là nước Đức, mà đảng Dân chủ xã hội, vừa mới kỷ niệm ngày 23/05/2013, tại Leipzig, 150 năm ngày thành lập đảng, tức là vào năm 1863.

Vào ngày nói trên, năm 1863, Ferdinand Lassalle (1825-1864), nhà đấu tranh cho thợ thuyền Đức, đã lập ra Tổng Hội những người Thợ thuyền Đức (Association générale des travailleurs); tổ chức này là tiền thân của đảng Dân chủ xã hội Đức. Có thể nói ông là bạn thân của Marx và Prouhon. Nhưng ông đã đứng giữa 2 quan điểm và lập trường quá khích của 2 người này. Theo Lassalle và những người theo đảng Dân chủ xã hội Đức sau này thì mục tiêu của đảng nhắm tới "Thay đổi xã hội bằng chính sách giải phóng con người, nhằm tạo ra sự tham gia của quảng đại quần chúng vào đời sống chính trị. Mục tiêu này trước hết bao gồm giáo dục, cưỡng bách giáo dục đối với mọi người, khuyến khích các nghiệp đoàn mở các lớp học cho thợ thuyền, nhằm giúp đỡ mọi cá nhân thăng tiến. Giải phóng con người bằng cách thực hiện các quyền đã ghi thành luật pháp, nhất là bằng cách mỗi người tự nâng cao sự hiểu biết và quyền năng của mình... Trong thời kỳ đảng Dân chủ xã hội mới được thành lập, với Cương lĩnh Eisenach năm 1869, có ghi rõ: bầu cử tự do, bình đẳng trong cả nước, bất chấp sự khác biệt về đẳng cấp xã hội của những người tham gia bầu cử... Thêm vào đó là luật cấm lao động trẻ em và sự độc lập của tòa án...

"Nhưng phong trào cộng sản thế giới đã quyết định cho mình một con đường đấu tranh khác, hiển nhiên với những hậu quả vô cùng khủng khiếp của nó. Phong trào này thiết lập lên một giai cấp thống trị mới, và đã thay thế sự thống trị cũ bằng sự thống trị mới... Còn quyền tự do, công bằng, ấm no... người dân chỉ được nghe và ngóng chờ, chứ không thấy được thực hiện."

(Trích Bài Diễn văn của Tổng Thống Đức Joahim Gauck, đọc tại Leipzig ngày 23/05/2013, nhân kỷ niệm ngày thành lập 150 năm đảng Dân chủ Xã hội Đức.)

Thực vậy, đảng Dân chủ xã hội Đức được thành lập vào thời kỳ mà nước Đức, đúng ra là nước Phổ (Prusse), phát triển rất mạnh, dưới sự cai trị của vua Guillaume I, và thủ tướng Otto Bismark (1815-1898). Ông này nắm quyền 29 năm từ năm 1862, một năm trước khi Lassalle thành lập đảng Dân chủ Xã hội, cho tới năm 1890. Nước Đức trở thành đệ nhất cường quốc Âu châu thời bấy giờ và đã đánh thắng Pháp năm 1870. Sau khi Lassalle chết, hai người điều khiển đảng Dân chủ Xã hội Đức là Karl Kautski (1854-1938) và Eduard Bernstein (1850-1932).

Bernstein được coi như lý thuyết gia của đảng và tư tưởng của ông hoàn toàn chống lại tư tưởng của Marx. Ông quan sát sự phát triển mạnh mẽ của Đức thời bấy giờ, từ giữa thế kỷ 19 tới cuối thế kỷ này, ông nhận thấy xã hội Đức không phân chia làm 2 giai cấp, mà ít nhất là 3 giai cấp. Đồng ý là có giai cấp chủ và thợ, nhưng ở giữa có giai cấp trung lưu, xuất thân từ con cháu của giai cấp thợ, tiến thân được là nhờ chịu khó và học hỏi. Giai cấp này đã đóng vai trò chính và tích cực cho sự phát triển. Từ đó ông phản bác lý thuyết của Marx là không có tính chất khoa học, vì không đúng với sự tiến triển của xã hội.

Thêm vào đó, Bernstein cho rằng không cần phải làm cách mạng, nhất là cách mạng bạo động, như Marx chủ trương. Người ta có thể thay đổi xã hội, thay đổi đời sống công nhân qua một chế độ đại nghị, tôn trọng luật lệ, tôn trọng bầu cử tự do và tôn trọng những quyền căn bản của con người, trong đó có quyền thành lập hội đoàn. Ông còn cho Marx là hồ đồ qua việc chỉ trích những người lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Đức là tay sai của tư bản (valets des capitalistes), trong quyển sách mà Marx viết chung cùng Engels chỉ trích Chương trình Gotha et d’Erfurt (1875, 1891) vào 2 kỳ đại hội của đảng này, cũng như hồ đồ qua việc cho rằng Nhà nước tức chính quyền cũng chỉ là công cụ, tay sai của tư bản. Vì ông quan sát nhà nước Đức từ giữa thế kỷ 19 cho tới cuối thế kỷ, qua chính quyền của Otto Bismark, thì ông thấy không phải lúc nào chính quyền cũng đứng về phía tư bản, mà chính quyền là trọng tài giữa tư bản và thợ thuyền, nhiều khi đứng về phía thợ thuyền nông dân nhiều hơn, như việc chính quyền đã ban hành luật xã hội đầu tiên của Âu châu (1883, 1889), theo đó người dân, nhất là thợ thuyền có quyền được bảo đảm về bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp và tuổi già.

Trong tinh thần đó, vào tháng 7/1889, các đảng Dân chủ xã hội, Xã hội của Âu châu, họp Đại hội thành lập ra Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, theo đó: 1) Vẫn giữ tư tưởng đấu tranh giai cấp của Marx; 2) Nhưng chống lại tư tưởng độc tài vô sản; 3) Chủ trương đi đến một nền cộng hòa đại nghị, người dân được tự do bầu cử người đại diện của mình, cho một quốc hội dân cử để đi đến một chính quyền dân cử thật sự.

Chúng ta nên nhớ là lúc này Marx đã chết, 1883, chỉ còn Engels. Cuối đời Marx và ngay cả Engels, hai người đều nhận thấy rằng có nhiều điều sai lầm trong lý thuyết của mình, vì có nhiều đồ đệ bỏ, chẳng hạn như Paul Lafargue, con rể Marx, người trước đó đã giúp Marx và Engels rất nhiều, như tóm tắt và dịch quyển Chống lại Durhing (Anti - Durhing) của Engels ra tiếng Pháp, đã bỏ Marx, theo chủ nghĩa vô trị, khiến Marx phải nói câu: "Tôi hy vọng rằng Lafargue là người cuối cùng theo chủ nghĩa vô trị." Ngay cả con gái của Marx, vợ của Lafargue, Laura Fargue, người đã dịch quyển Tuyên Ngôn thư ra tiếng Pháp, cũng bỏ Marx, trở về đạo của tổ tiên, tức Do Thái giáo.

Theo Claude Mazauric, người viết lời Mở đầu (Lire le Manifeste) quyển Tuyên Ngôn thư, thì: "Người ta nhận thấy rằng, sau này, những đồ đệ của tác giả quyển Tuyên Ngôn, và ngay chính cả Engels, vào cuối đời, năm 1895, khi nhìn thấy tình trạng trưởng thành của Phong trào thợ thuyền và xã hội, họ đã đi đến giả thuyết cho rằng một nhà nước cộng hòa dân chủ và một cuộc bầu cử qua phổ thông đầu phiếu đã trở thành con đường duy nhất để những người thợ thuyền, nam hay nữ, có thể thoát khỏi sự thống trị của xã hội tư bản." (Marx và Engels – Manifeste du Parti communiste – Traduction de Laura Lafargue, précédé de Lire le Manifeste par Claude Mazauric - trang 9 - Edition www.Librio.net - 1998).

Trở về Đệ Nhị quốc tế Cộng sản, chúng ta thấy ngay từ lúc đầu đã có sự chia rẽ giữa "khuynh hướng Trung" của Kautski và "khuynh hướng cực đoan" của Lénine, vẫn giữ quan niệm "Độc tài vô sản", "cách mạng bạo động".

Vào tháng 2/ 1919, trước khi có việc tách ra của Lénine để lập Đệ Tam Quốc tế, Đệ Nhị có họp Đại hội ở Berne, rồi ở Genève (tháng 7/1920), tiếp theo đó là Đại hội ở Hamboug (1923) bởi những người xã hội khuynh hướng trung tả, mà về sau người ta thường gọi những người này là Đệ Nhị Một Nửa (2-1/2).

Đệ Nhị thực sự không hoạt động từ năm 1939, nhường chỗ cho Quốc tế Xã hội, thay vì là Quốc tế Cộng sản, và họp Đại hội từ ngày 30/06 tới ngày 03/07/1951, ở Frankfurt, Đức.

Quốc tế Xã hội được thành lập từ đó và hoạt động mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay bao gồm 180 thành viên trên toàn thế giới, trong đó có nước Đức và đảng Dân chủ Xã hội, vừa mới kỷ niệm 150 năm thành lập, giữ một vai trò rất quan trọng.

Chúng ta biết, từ ngày đầu thành lập năm 1889, cho tới sau Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Quốc tế cộng sản có rất nhiều chia rẽ nội bộ, vì ý thức hệ, vì thái độ cần phải lấy trước khi thế chiến xảy ra. Thế rồi thời gian trôi qua, Thế chiến xảy ra, rồi kết thúc, lợi dụng tình thế trước khi thế chiến chấm dứt, Lénine, lúc đó đang sống lưu vong ở Thụy sĩ, tuyên bố: "Hòa bình bằng bất cứ giá nào, ngay dù phải nhượng đất để có hòa bình và có quyền."

Vì lẽ đó mà chính quyền quân chủ Đức Guillaume I I và Bộ Tham mưu đã tìm cách đưa Lénine về để cướp chính quyền. Hành động này của Bộ Tham mưu Đức rất là tính toán và khôn ngoan, bắn một mũi tên nhằm 3 con chim: 1) Lúc đó Bộ Tham mưu Đức đang phải đương đầu với 2 mặt trận lớn, Đông bắc với Nga của Nga Hoàng Nicolas I I, Tây nam với Pháp, giờ muốn dồn lực vào mặt trận chính tây nam; 2) Ở trong phần lớn các nước Âu châu, khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, không theo khuynh hướng của Lénine, rất mạnh, nhất là ờ Đức, chính quyền sợ có vụ dân nổi lên làm cách mạng, nên đã đánh lạc hướng bằng cách giúp Lénine về nước, làm giảm uy thế của cánh trung của Kautski trong Đệ Nhị Quốc tế; 3) Đấy là chưa nói, khi Lénine về nước cướp được chính quyền, thì cử Trotski đi họp hội nghi Brest - Litovsk vào tháng 3/1918 với Đức và cắt đất cho Đức.

Tuy nhiên khi lòng dân thay đổi, chán chế độ quân chủ, tình thế không cho phép, thì dù "Bắn mũi tên khôn ngoan" thế nào chăng nữa cũng không cứu vãn được tình thế. Đức thua trận, chính quyền quân chủ Đức Guillaume I I bị sụp đổ. Chẳng khác nào như sự sụp đổ của Liên sô và các nước cộng sản Đông Âu gần đây. Khi lòng dân đã đổi chiều, khi mà tình trạng xã hội đã không còn cách cứu chữa, đến nỗi trước khi chết, Brejnev phải than lên: "Xã hội chủ nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp săng của công, 1/3 bằng cấp là giả, công chức đến sở làm việc là để chỉ có mặt, sau đó thì đi coi hát hay đi làm việc riêng!" 

Nhiều người đỗ lỗi cho Gorbatchev. Nhưng không phải vậy. Gorbatchev chỉ muốn sửa đổi, cải cách chế độ. Nhưng "chế độ cộng sản gần như không thể cải cách, mà phải thay đổi", như Boris Eltsine nói, thêm vào đó lòng dân đã quá chán ngán và tình trạng đã trở nên quá trầm trọng.

Trở về với Quốc tế Cộng sản, sau khi được Bộ Tham Mưu Đức, đưa từ Thụy sĩ về trong một toa xe lửa bọc sắt, trong đó có cả mấy người tình báo Đức, nói tiếng Nga rất giỏi, được sự giúp đỡ tiền bạc của Đức, với số tiền này, Lénine đã đưa cho Trotsky tổ chức những khóa học cho đội cảm tử cách mạng (Commendots révolutionnaires), đợi thời cơ đảo chính cướp chính quyền. Và chuyện đến đã đến: Tháng mười năm 1917, Trotsky đã làm cuộc đảo chính chính quyền Kérensky thuộc đảng Xã hội Thợ thuyền Nga, nằm trong Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản.

Sau khi cướp được chính quyền vào đầu năm 1918, Lenine đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lập pháp. Tuy nhiên kết quả bầu cử cho thấy phe của Lénine đã bị lâm vào thiểu số. Lénine lấy quyền lúc đó là đang nắm cơ quan hành pháp, giải tán quốc hội này. Hành động này của Lénine và những người của Đệ Tam mà Lénine lập ra sau này, chẳng coi bầu cử và ý dân là gì cả. Chính vì vậy mà bà Rosa Luxembourg, bạn của Lénine, cùng đấu tranh trong Đệ Nhị, đã viết thư cho ông vào cuối đời bà, 1919, như sau: "Đảng và nhà nước độc tài mà anh dựng lên, anh bảo rằng để phục vụ thợ thuyền và nhân dân; nhưng trên thực tế nó chẳng phục vụ một ai cả, vì nó đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội: Đó là tôn trọng tự do và dân chủ".

Đây là điểm khác biệt chính và lớn nhất giữa Đệ Nhị và Đệ tam Quốc tế Cộng sản.

Đệ Tam Quốc tế Cộng sản 

Sau khi cướp được chính quyền, sau gần 2 năm nội chiến, tháng 3/1919, Lénine (1870 – 1924) lập ra Đệ Tam Quốc tế Cộng sản.

Như trên đã nói, Lénine vẫn tin ở tư tưởng bạo động lịch sử, cách mạng tất yếu; nhưng những biến cố xảy ra ở Hung gia lợi năm 1918 và ở Đức năm 1919, làm Lénine thất vọng, quay sang hy vọng ở phía đông, ở Á châu, vì vậy Lénine đã ký Hiệp ước thân thiện với Tôn dật Tiên năm 1923, giúp họ Tôn mở trường Hoàng Phố ở Quảng Đông, mở trường Tôn dật Tiên, lúc đầu ở Moscou, sau đó là trường Đông Phương. Trong Đại hội lần thứ 4, năm 1923, đại hội cuối cùng của Đệ Tam với sự có mặt của Lénine, ông tuyên bố: "Chủ nghĩa cộng sản sẽ đi qua cửa ngõ Tân đề li (Ấn độ), Bắc kinh (Tàu), rồi sau mới tới Bá linh (Đức) và Paris (Pháp)..."

Về trường Đông phương, những người cộng sản sau này thổi phồng lên là đại học, trên thực tế thì trình độ rất thấp; vì để được vào học, chỉ cần chứng chỉ làm việc thợ thuyền trong 2 năm ở một hãng xưởng. Chương trình học có lý thuyết đơn giản về cộng sản, còn phần lớn là dạy phá hoại, hoạt động bí mật, chẳng hạn để được nhận vào, học viên phải tự mình làm ra 2 phiếu lý lịch giả và phải học thuộc lòng.

Sau khi họp Đại hội lần thứ 4 của Đệ Tam, thì Lénine chết. Người chủ tịch đầu tiên của Đệ Tam là Zinoviev (1919-1926), sau đó được thay thế bởi Boukharine (1926-1929), rồi Molotov (1929-1934), Manouilski, cuối cùng là Otto Kuusisen.

Đệ Tam bị Staline giải tán vào ngày 15/5/1943).

Vì vẫn tin ở bạo động lịch sử, những người chóp bu của Đệ Tam, thực ra là của đảng Cộng sản Liên sô, tiêu biểu là Trotsky (1879-1940), nắm Nhà nước và quân đội, và Staline (1879-1953), nắm Đảng, đã xảy ra cuộc đấu đá, tranh quyền giữa 2 người rất là khốc liệt. Hai người đã công khai dùng hết tất cả phương tiện của mình, một bên là nhà nước, một bên là đảng tố cáo nhau là phản cách mạng, là phản dân tộc, phản con đường đã vạch ra bởi Lénine. Tuy nhiên, vì theo như Lénine khi lập ra đảng cộng sản Liên sô, thì đặt đảng này trên tất cả mọi tổ chức, nay Staline nắm đảng, nên phần thắng đã về Staline.

Mặc dầu Totsky được những người như Zinoviev, Kamanev ủng hộ lúc đầu, nhưng sau cũng thua.

Zinoviev, Chủ tịch đầu tiên của Đệ Tam, sau đó bị Staline cướp hết quyền hành, sống ẩn dật ở Liên sô, cho mãi tới năm 1978 thì trốn sang Tây Đức và sống ở Munich. Về cuối đời ông đã viết rất nhiều sách, tố cáo chế độ độc tài toàn trị Staline, dưới dạng tiểu thuyết, thơ văn, bình luận, như quyển Không còn Ảo tưởng (Sans Illusion) xuất bản năm 1979, quyển Cộng sản như một Thực tế (Communisme comme réalité) xuất bản năm 1981. Kamanev, người rất quan trọng trong thời Lénine, sau đó bị Staline kết án tử hình, trong một phiên tòa nổi tiếng được gọi là Phiên tòa Moscou vào năm 1935. Nó chẳng khác gì những phiên tòa của Đức Quốc xã Hitler, vì lúc này Hitler đã lên nắm quyền ở Đức.

Trotsky bị bị tước hết quyền hành năm 1925, bị loại khỏi đảng năm 1927, bị đi đày, rồi bị trục xuất khỏi Liên sô năm 1929. Sau đó ông lập ra Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản năm 1938, rồi bị Staline cho người theo dõi và ám sát chết ở Mễ tây cơ năm 1940. Ông có viết nhiều sách, nhưng theo tôi nghĩ, 2 quyền quan trọng sau này trước khi chết và có liên quan đến Đệ Tứ, đó là: Cách mạng thường trực (La Révolution permanante) và quyển Cách mạng bị phản bội (La Révolution trahie).

Trở về với Đệ Tam Quốc tế Cộng sản và tình hình Liên bang Xô viết sau khi Lénine chết và sau khi Trotsky bị trục xuất, thì Staline nắm tất cả mọi quyền hành, từ Đệ Tam cho tới tình hình chính trị của Liên sô.

Staline đã làm những cuộc thanh trừng vô cùng đẫm máu và khốc liệt. Suốt từ khi nắm trọn quyền cho tới khi chết, thanh trừng trong Đảng, 90% người của Trung Ương và Bộ Chính trị và 90% sỹ quan cao cấp trong quân đội. Những cuộc thanh trừng và đàn áp giết dân này, có sử gia cho rằng có 20 triệu người chết vì ông ta và chế độ Cộng sản Đệ Tam, có người nói con số lên đến 35 triệu.

VI) Cuộc đấu đá giữa Staline và Trotsky

Hai người tố cáo lẫn nhau là phản bội. Nhưng câu hỏi đến với chúng ta, đó là: Ai phản bội ai? Phản bội Marx, Engels, phản bội Lénine?

Như trên chúng ta vừa nhận định, về cuối đời Marx (1883) và nhất là Engels (1895) đã hoài nghi về quan niệm "Độc tài vô sản" và "cách mạng bạo động". Trong khi đó con gái, con rể và các đồ đệ của Marx lại chấp nhận tư tưởng cho rằng con đường giải phóng thợ thuyền khỏi sự bóc lột của tư bản là một thể chế cộng hòa, đại nghị, trong đó quyền tự do bầu cử, tự do hiệp hội phải được tôn trọng. Đó là con đường duy nhất và hay nhất.

Ở điểm này chúng ta thấy không phải chỉ Staline, Trotsky mà ngay cả Lénine đã phản bội Marx.

Thêm vào đó Marx cho rằng cách mạng cộng sản chỉ có thể xảy ra và thực hiện ở những nước kỹ nghệ. Trong khi đó Lénine, Staline và Trotski làm cách mạng cộng sản ở nước Nga, vào lúc đó phần lớn là nông nghiệp, lạc hậu, phần nhỏ mới kỹ nghệ.

Marx không bao giờ chủ trương độc đảng. Ngay trong Tuyên Ngôn thư Đảng Cộng sản, Marx để nguyên một chương cuối với đề tựa: "Lập trường của những người cộng sản đối với những đảng đối lập khác" (Position des communistes envers les différents partis d’opposition.) (Le Manifeste du Parti communiste - trang 59 - Nhà xuất bản Union générale d’Eđitions - Paris 1962), Trong khi đó thì Lénine trong đó có cả Staline và Trotsky chủ trương độc đảng.

Phản bội đối với Lénine?

Nhiều người cho rằng Staline trung thành với Lénine hơn Trotsky. Họ đã lầm. Bề ngoài, trên lý thuyết, thì Staline tỏ vẻ trung thành với Lénine, vì ông đã viết quyển sách "Những nguyên tắc của chủ nghĩa Lénine" (Les principes du léninisme); nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Như chúng ta đã biết ngày hôm nay qua sử liệu, thì Lénine bị bệnh giang mai (syphilis) vào giai đoạn cuối, nhiễm vào tủy và óc, nên bị liệt nửa người. Người lo chăm sóc cho Lénine không ai khác hơn là Staline. Vào cuối đời, Lénine đã ý thức được tính cách không tưởng của chủ nghĩa Marx qua kinh tế tập trung, nên ông đã làm chính sách Kinh tế mới (NEP), và sự lầm lẫn của mình qua việc chủ trương độc đảng, đặt đảng lên trên mọi tổ chức của quốc gia, và nhất là việc trao cho Staline nắm đảng. Ông muốn loại Staline khỏi chức vụ này, đã viết thư cho Trung Ương đảng, nhưng Staline đã cài người quanh Lénine, bức thư trao cho một người y tá, nhưng bị Staline giữ lại. Từ đó, ông đã hại Lénine bằng cách cho liều độc dược cao, vì lúc này chưa có thuốc trụ sinh để chữa bệnh giang mai, chỉ có thể làm giảm đau qua việc uống độc dược. Staline cho Lénine uống liều độc dược cao, đi đến chỗ chết, chính vợ Lénine đã tố cáo Staline.

VII) Sự ra đời của Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản, sự tương đồng và khác biệt giữa Đệ Tam và Đệ Tứ 

Sau khi bị tước mọi quyền hành năm 1925, bị trục xuất khỏi Đảng năm 1927, khỏi Liên sô năm 1929, sống lẩn trốn và hoạt động bí mật ở châu Âu, chống Staline, lập ra Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản năm 1938, rồi trốn sang Mễ Tây Cơ, Trotsky vẫn bị Staline cho người theo dõi, và ám sát chết năm 1940 ở nước này.

Đệ Tứ Cộng sản qui tụ tất cả những người cộng sản, bất mãn với Staline và Đệ Tam, hoạt công khai hay bí mật trong những đảng, những phong trào thợ thuyền cực tả ở những nước Tây Âu, tất nhiên không thể nào ở những nước cộng sản theo Staline, chẳng hạn như ở Việt Nam, những người theo Đệ Tứ như Tạ thu Thâu, Phan văn Hùm v.v... đều bị trù dập, thủ tiêu bởi đảng Cộng sản (theo Đệ Tam).

Có người nói không có gì khác biệt giữa Staline và Trotsky, giữa Đệ Tam do Lénine lập ra, Staline kế tiếp, và Đệ Tứ do Trotsky lập ra?

Lời nói trên cũng không sai, vì cả 2 tổ chức đều lấy lý thuyết của Marx làm nền tảng, vẫn giữ quan niệm bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp và quan niệm độc tài vô sản. Tuy nhiên cũng có điểm khác biệt, nhất là từ khi Staline đưa ra quan niệm "Cộng sản trong một nước" (Communisme dans un seul Etat), cho rằng phải xây dựng củng cố chế độ cộng sản trong nước Liên sô trước tiên, rồi sau đó mới nghĩ đến việc bành trướng ra thế giới. Trotsky đã chỉ trích mạnh mẽ quan niệm này, cho rằng làm như vậy chỉ làm thui chột nhuệ khí cách mạng cộng sản ở trên thế giới và hơn thế nữa chỉ gói ghém tinh thần đế quốc, làm cho tinh thần cách mạng cộng sản thế giới bị phản bội. Trotsky nói đến Cách mạng bị phản bội (Révolution trahie) là như vậy.

Người khác cho rằng: Nếu Đệ Tam quốc tế không do Staline lãnh đạo, mà do Trotsky lãnh đạo, thì lịch sử nhân loại không có những trang sử đau thương và đẫm máu, với cả trăm triệu người chết, vào thế kỷ 20. Dầu sao đây cũng chỉ là một giả thuyết và lại dùng chữ nếu. Người Pháp có câu châm ngôn: "Với chữ nếu, người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào trong một cái chai". Nói rằng Đệ Tứ ít bạo động hơn Đệ Tam, ít giết người, và hơn thế nữa những người Đệ Tứ còn bị giết bởi người Đệ Tam. Nhưng hoàn cảnh lịch sử có khác. Đệ Tứ không có nắm quyền, nếu có quyền thì cũng tàn sát như Đệ Tam, vì vào thời đầu Cách mạng Liên sô 1917, lúc đó Trotsky là người thứ nhì sau Lénine, đã có những cuộc tàn sát đẫm máu ở Nga. Chính Trotsky cho rằng phải phát động nội chiến để tiêu diệt, nhận chìm (noyer) những khó khăn nội bộ. Ông còn chủ trương Cách mạng liên tục. Ông viết quyển Cách mạng thường trực (La Révolution permanante) là thế. Những tổ chức của Đệ Tứ, ở những nước tây Âu, nhiều khi bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, không được hoạt động là vì tính bạo động của nó.

Hơn bao giờ hết, khi nói đến Quốc tế Cộng sản, chúng ta đừng vơ đũa cả nắm, mà cần phân biệt giữa Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam và Đệ Tứ. Hai Quốc tế Cộng sản đã có dịp nắm quyền là Đệ Nhị, như đảng lao Động bên Anh, đảng Xã hội bên pháp, đảng Dân chủ Xã hội bên Đức mà họ vừa mới kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, và nhiều đảng xã hội bên bắc Âu và Đệ Tam với những nước như Liên Sô, Đông Âu, trước đây và ngày hôm nay còn lại với Trung cộng và Việt cộng. Chỉ có những chính quyền của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản mới độc tài, giết người, bắt đầu từ Lénine qua Staline, Mao, Hồ và Pol Pot.

Nhưng câu hỏi đến với chúng ta là tại sao như vậy.

Như trên tôi đã trích câu nói của một nhà tư tưởng: "Lòng tin tưởng thái quá vào một chủ thuyết là kẻ thù lớn nhất của chân lý, sự thật và còn nguy hiểm hơn cả sự lừa đảo."

Và không đâu xa, một người Việt Nam, ông Lê xuân Tá, đã từng là Phó Trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật của đảng Cộng sản Việt Nam, cũng đã viết: "Sự ngu dốt và thấp hèn, tự nó không đáng trách và không làm nên tội ác. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được trao quyền lực và cấy vào vi trùng ghen tị, thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Và con quỷ này, hơn bao giờ hết, nó ý thức rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó, chính là sự hiểu biết, văn hóa và văn minh. Nên nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, vô nhân đạo và không thương tiếc. Cách mạng Hồng vệ Binh bên Tàu là thế. Vụ Nhân văn Giai phẩm ở Việt Nam là vậy. Tuy nhiên, vì nó là ngu dốt và thấp hèn, nên những thứ này, lâu ngày đã trở nên sỏi thận, sỏi mật, sơ gan, cổ chướng, trong lục phủ, ngũ tạng của chế độ, làm cho chế độ này không ai đánh mà tự chết."

Câu này không những đúng cho những người Đệ Tam quốc tế Cộng sản, mà đúng cho cả Marx, Engels, Lénine, Staline, Mao, Hồ và Pol Pot.

Chúng ta đừng nghĩ những người có học cao mà không ngu dốt, càng có học cao, mà càng mù quáng, tin thái quá vào một chủ thuyết, thì không còn thấy đâu là sự thật, chân lý và khoa học (1).

Bắt đầu bằng Marx, vì ông quá tin tưởng vào những điều ông viết; nhưng ngày hôm nay người ta thấy nó phản sự thật, phản khoa học.

Tiếp theo là đồ đệ của ông, ngoài việc mù quáng tin vào lý thuyết của Marx, lại được trao quyền lực và đã có sẵn vi trùng ghen tị là tư tưởng đấu tranh giai cấp và bạo động lịch sử, đã biến lý thuyết ông trở thành giáo điều, những ai chống lại đều phải loại bỏ, trở thành một sự lừa đảo, và hơn thế nữa trở thành quỷ, như ông Lê Xuân Tá nói.

Lénine thì được bộ Tham mưu Đức đưa từ Thụy sĩ về nước rồi cướp được quyền lực. Những người lãnh đạo đảng cộng sản Đông Âu thì được Đệ Tam Quốc Tế lúc đầu, sau đó là Liên sô trao quyền. Mao, Hồ, Kim nhật Thành, Pol Pot thì được Cộng sản Liên sô đưa về cướp chính quyền, trao quyền lực, và cấy vào vi trùng ghen tị là lý thuyết đấu tranh giai cấp.

Vì lẽ đó mà nhân loại có những trang sử đẫm máu nhất vào thế kỷ 20, với 100 triệu người là nạn nhân của Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản, được chia ra như sau:

- Liên sô, 20 triệu người chết.
- Tàu, 65 triệu người chết.
- Việt Nam, 1 triệu người chết.
- Bắc Hàn, 2 triệu.
- Căm Bốt, 2 triệu.
- Đông Âu, 1 triệu.
- Châu Mỹ La tinh, 150 000 người chết.
- Phi châu, 1,7 triệu người chết.
- A Phú hãn, 1,5 triệu người.
- Những phong trào cộng sản và những đảng cộng sản khác không nắm chính quyền, nhưng theo Đệ Tam, hàng chục ngàn người chết.

(Theo Stéphane Courtois, Nicolac Werth, Jean Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek, Jean Louis Margolin - Le Livre Noir du Communisme - Crimes, terreur, répression - trang 8 - Nhà xuất bản Laffont - Pháp - 1997).

Bởi vậy Quốc hội Âu châu đã biểu quyết đạo luật 1481 kết án cộng sản, tức Đệ Tam, là diệt chủng, và ông Gorbatchev, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản của Liên sô trước đây, đã nói: "Tôi đã bỏ hơn nửa đời người phục vụ cho lý tưởng cộng sản (tức Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản - Lời của người viết bài này); nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo".

Dân tộc Nga và Đông Âu đã can đảm đứng lên lật qua trang sử đau thương của Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản.

Dân tộc Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba hãy can đảm vùng lên viết lại trang sử mới cho chính mình.

Paris ngày 11/09/2013



_________________________


Xin xem thêm những bài Phê Bình Marx, trên: perso.orange.fr/chuchinam