Người xưa bảo, “cháy nhà ra mặt chuột”. Ở đây, chẳng biết có “con chuột” nào lộ mặt không nhưng theo như những thông tin trên các báo đã đưa tin thì sự yếu kém và tắc trách của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Hải Dương đã bị bóc trần.
Có thể nói, vụ cháy Trung tâm Thương mại (TTTM) Hải Dương là một trong những vụ cháy lớn nhất của nhiều năm trở lại đây. Vụ hỏa hoạn đã để lại một hậu quả vô cùng lớn, hơn 500 tỉ đồng phút chốc đã bị bà Hỏa “hóa vàng”; hơn 500 hộ kinh doanh đã trở thành trắng tay, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, cùng quẫn.
Quan trọng hơn, vụ cháy đã để lại những bức xúc rất lớn trong lòng dư luận xã hội. Người xưa bảo, “cháy nhà ra mặt chuột”. Ở đây, chẳng biết có “con chuột” nào lộ mặt không nhưng nhưng theo như những thông tin trên các báo đã đưa tin thì sự yếu kém và tắc trách của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Hải Dương đã bị bóc trần.
Người yếu tim thì sẽ bị sốc và người có tự trọng thì sẽ đỏ mặt, phẫn nộ khi đọc đoạn tường thuật này trên các báo như Vnexpress và Đất Việt: Đám cháy được nhiều người dân phát hiện ra vào lúc 1h sáng ngày 15/9, lập tức gọi điện báo cho đội PCCC và 113 thì một anh hỏi “bác nói đùa hay thật?” rồi bảo đang tới.
Và chắc tưởng là đùa nên cái sự “đang tới” ấy kéo dài hơn 2 giờ, cho đến gần 4 sáng. Trong khi đó, đội cứu hỏa chỉ đóng cách TTTM có hơn 1km và tất nhiên giữa đêm tỉnh lẻ thì chẳng có cảnh tắc đường. Tệ hại hơn, theo thông tin phản ánh của người dân trên tờ VTC thì bên cạnh sự thiếu kịp thời là việc không đủ phương tiện, chỉ có 2 xe chữa cháy đến, trong đó có 1 xe hỏng, không phun được giọt nước nào và đương nhiên chẳng thể ngăn chặn được đám cháy cho đến tận khi “đội bạn” Hưng Yên cùng xe cứu hỏa của một số doanh nghiệp tới hiện trường.
Nếu nghe đoạn tường thuật trên chưa đủ “ép phê”, xin mời quý vị lắng nghe tâm sự này của tiểu thương Mai Thị Loan: “Các vị ấy không mở cửa, không phá kính để cho nước tiếp cận đám cháy mà chỉ đứng ngoài bê cái vòi nước bé tý phun vào như rửa kính.
Tôi đau lòng quá mới quỳ xuống van lạy: Các cháu ơi, các cháu cứu dân với. Đập kính, phá cửa để dân cùng tham gia cứu cháy. Hãy gọi các tỉnh bạn đi, gọi thêm xe, thêm nước đi… “. Và đáp lại lời kêu cứu đó là câu trả lời lạnh lùng của lực lượng PCCC: “Bọn tôi chỉ thừa lệnh, chúng tôi không biết”…
Tất nhiên trước những thông tin “rất làm xấu” hình tượng người chiến sĩ công an như vậy, ông Phó Giám đốc phụ trách Công an tỉnh đã “thẳng thắn” và quyết liệt khẳng định: 3h25’ ngày 15/9, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hải Dương mới nhận được tin báo về vụ cháy. Tin báo sớm nhất lưu tại máy của lực lượng PCCC là do một bảo vệ của TTTM TP Hải Dương gọi đến.
Trước đó, trực ban Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy không nhận được một thông tin nào báo cháy như một số thông tin trên các báo đã đưa, bởi trên thực tế các cuộc điện thoại gọi đến đều được lưu trong hệ thống của lực lượng phòng cháy. (trên tờ báo Công an nhân dân dẫn nguồn)
Ông cũng không quên liệt kê thành tích: Tổng số xe phương tiện tham gia là 16 xe ôtô cùng gần 300 cán bộ, chiến sỹ đã có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy vừa làm công tác chữa cháy, vừa bảo vệ hiện trường và đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân.
Và cuối cùng, ông kết luận: Các kết quả thống kê cho thấy, công tác an toàn phòng chống cháy nổ tại đây bị xem nhẹ. Bộ phận quản lý trên thực tế rất chủ quan, lơ là trong PCCC.
Chả hiểu những thông tin mà báo chí thu thập nêu trên chính xác đến đâu, nhưng cơ bản mọi người đều tin vì trong lúc xót đau này, chẳng có người dân nào muốn bịa chuyện vu vạ cho lực lượng sinh ra để “chữa cháy” cho mình. Và hơn thế, họ còn là những nhà chức trách, nhà công vụ. Người dân “thấp cổ bé họng”, chỉ khi quá bức xúc thì họ mới bật dậy mà phản ứng mạnh mẽ đến vậy thôi.
Những lý lẽ ông Phó Giám đốc đưa ra cũng chưa đủ sức thuyết phục để quân của ông có thể chối bỏ trách nhiệm. Ghi nhận cuộc gọi ư? Ghi được thì xóa được. Và kể cả là không có cuộc gọi, thì liệu một vụ cháy to như vậy, trong khi lực lượng PCCC chỉ ở cách 1 km, chạy bộ cũng chỉ mất 5 phút mà tại sao lại không phát hiện ra?
Ông kể ra số quân, số xe đến hiện trường “bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân” làm gì khi toàn bộ TTTM chỉ còn là đống tro tàn, chỉ tắt khi… không còn gì để cháy?! Và ông đổ lỗi cho công tác PCCC yếu kém. Vậy sinh ra lực lượng cảnh sát PCCC, nuôi tốn bao nhiêu tiền bạc từ thuế của dân để làm gì?
Với sự tắc trách của lực lượng PCCC và cách hành xử sau vụ cháy cũng của lực lượng này; người ta đã phải chua xót thốt lên rằng, vụ cháy còn làm tiêu tan luôn cả niềm tin vào lực lượng cứu hỏa mà sâu xa hơn là mất niềm tin vào những cơ quan mà tên luôn được gắn thêm vào hai chữ “nhân dân”.
Vụ cháy thì đã xảy ra; dân thì đã “tiền mất tật mang” nhưng không vì thế mà có thể nói là “chuyện đã rồi”. Một lời xin lỗi là chưa đủ mà cần phải có biện pháp cứng rắn hơn; quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm của từng đơn vị, cá nhân vi phạm. Có vậy, mới mong “ngọn lửa” trong lòng dân bớt nóng.
Nói đến công an Hải Dương, gần đây, người ta hay nhắc đến vụ “bạch tuộc Cần Giờ”. Còn nhớ khi đó đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang đã lên tiếng, yêu cầu công an Hải Dương khẩn trương làm rõ sai phạm.
Và ngay lập tức, những vị “cảnh sát hành dân” đã bị kỷ luật, người dân Cần giờ đã được đích thân lãnh đạo công an tỉnh đến xin lỗi và đền bù. Và người ta mong rằng, trong vụ cháy TTTM lần này, dân chúng lại được thấy một chỉ đạo quyết liệt như thế từ Bộ trưởng.
THEO GIÁO DỤC