VNE -Thứ năm, 26/9/2013 Hành vi “cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ” bị pháp luật nghiêm cấm, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Theo điều 9 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 quy định phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng với các hành vi:
a) Sau khi sinh con, cha hoặc mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Cha, mẹ bỏ mặc con, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, để trẻ em này rơi vào hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
c) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ngoài mức phạt trên, cha mẹ, người giám hộ của trẻ còn bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em.
Theo quy định của pháp luật, người giám hộ là cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, bị tòa án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Người giám hộ đương nhiên của trẻ em được xác định theo thứ tự: anh, chị ruột; ông, bà nội ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì.
Ngoài ra, người mẹ nào mà do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết có thể bị xử lý hình sự về tội Giết con mới đẻ theo quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự. Người có hành vi phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội