Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (người đang đứng phát biểu): “Đa số các chỉ đạo thực hiện không nghiêm” - Ảnh: Đình Phú |
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã nói thẳng như vậy tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 9 tháng đầu năm; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2013, vào sáng nay 26.9.
Theo ông Lê Mạnh Hà, hậu quả của bất cập này dẫn đến việc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
|
Ông Hà dẫn chứng một vụ việc điển hình, đó là vụ lương "khủng" của giám đốc doanh nghiệp công ích gây “bão” dư luận thời gian vừa qua.
“Nếu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND thành phố đã đưa ra trước đó thì làm sao có chuyện sai phạm như thế được”, ông Hà nói.
Ông Lê Mạnh Hà còn nêu ra một bất cập khác, đó là “các đơn vị báo cáo không đúng thời hạn đã có, mà báo cáo không đạt yêu cầu cũng có nhiều”.
"Cái gì cũng lập ban chỉ đạo nhưng chưa chuyển biến lắm"
Đồng tình với nhìn nhận của người đồng cấp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nói thẳng: “Có những cơ quan, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm, còn đùn đẩy. Việc này thì thấy rõ, ngay cả ở cấp thành phố”.
Ông Tín nói thêm: “Cái gì cũng lập ban chỉ đạo nhưng chưa chuyển biến lắm. Rất nhiều việc chậm”.
Dẫn ra tình trạng ì ạch cấp sổ đỏ, xóa quy hoạch treo tại một số quận, huyện, ông Tín bức xúc: “Nhiều chuyện ủy ban đã có chỉ đạo rồi nhưng xuống cơ sở thì đứng một chỗ. Báo chí lên tiếng phản ánh. Thấy sốt ruột, tôi cho kiểm tra thì thấy có nơi thực hiện không đúng chỉ đạo hoặc không thông”.
“Thiếu kiểm tra, thiếu đeo bám thì công việc sẽ chậm”, ông Tín chia sẻ kinh nghiệm về chỉ đạo điều hành công việc chung.
Không được tránh né báo chí
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết thành phố đã ban hành quy chế phát ngôn báo chí, cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các quận, huyện, sở ngành.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Hà yêu cầu phải thực hiện tốt quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là không được tránh né báo chí.
CPI tăng cao do tăng học phí
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Thái Văn Rê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,13% so tháng trước. Nguyên nhân tăng do học phí tăng trong năm học 2013 - 2014, bắt đầu từ tháng 9. Nếu không tính tăng học phí thì CPI tháng 9 của thành phố chỉ tăng 0,27%. So tháng 12.2012, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,43%.
Một khó khăn khác cũng được nêu ra, đó là khả năng sẽ hụt thu ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng vì tình hình khó khăn chung.
Theo ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục thuế TP.HCM, nợ đọng kéo dài ngày càng tăng. Nợ đọng tại nhiều địa bàn quận, huyện tăng lên 50%.
“Doanh nghiệp khó khăn quá, làm hết các bước rồi nhưng vẫn không thu được. Thu tiền đất của các doanh nghiệp bất động sản càng khó”, ông Dương phân trần.
Kết luận buổi họp, để đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các quận, huyện, sở ngành “phải làm hết sức trách nhiệm, với tinh thần cao”.
“Không được chạy theo thị trường mà để méo mó chính sách”, ông Quân lưu ý thêm các sở ngành liên quan trong việc thực hiện chủ trương về bất động sản, quy hoạch…
|
Đình Phú