THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 July 2013

16 kg uranium được chuyển ra khỏi Việt Nam như thế nào?

(TNO) Như Thanh Niên Online đã thông tin, rạng sáng nay 3.7 Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NCHNĐL) đã hoàn thành việc trao trả 16 kg uranium có độ giàu cao.
Việc vận chuyển và trao trả 16 kg uranium diễn ra dưới sự giám sát nghiêm ngặt của đại diện Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và hơn 40 chuyên gia hạt nhân đến từ Mỹ, Nga.
Việc trao trả uranium hoàn thành lúc 5 giờ 5 phút tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là đợt 2 của dự án trao trả 141 bó uranium cho Nga mà Việt Nam khởi động từ năm 2004.
Năm 2007, đợt 1 của dự án được thực hiện bằng việc trao trả cho Nga 35 bó uranium có độ giàu cao chưa qua sử dụng.
Đợt 2 này, Việt Nam trả cho phía Nga 106 bó uranium đã qua sử dụng, theo đúng với cam kết với IAEA.
Uranium 1
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Uranium 2
Phòng điều khiển hoạt động lò phản ứng hạt nhân
Hơn 1.000 công an, bộ đội bảo vệ
PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện NCHNĐL, Phó giám đốc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho Thanh Niên Online biết thêm: “Việc vận chuyển uranium đòi hỏi bảo đảm an toàn tuyệt đối về phóng xạ và an ninh dọc suốt tuyến đường từ Viện NCHNĐL đến sân bay Biên Hòa”.
Theo ông Điền, vấn đề an toàn phóng xạ được đảm bảo tuyệt đối, khi có nhiều dụng cụ, thiết bị chuyên dùng được CH Czech và Nga cho ta mượn, các thiết bị này được nhập về theo đường biển từ tháng 5, sau đó được vận chuyển bằng đường bộ lên Đà Lạt.
 Uranium 3
Máy đo phóng xạ
106 bó uranium có trọng lượng 16 kg được chuyển vào một cask (thùng chuyên dùng) rất dày, nặng 10 tấn, nhằm đảm bảo nguồn phóng xạ không ảnh hưởng ra bên ngoài.
Cask còn được bao thêm một vỏ thép nặng khoảng 5 tấn rồi mới được đưa lên xe container vận chuyển đi Biên Hòa.
Về an ninh, có gần 30 xe tháp tùng chạy trước và sau xe chở uranium, dọc đường đoàn xe chạy qua có trên 1.000 công an và bộ đội được huy động canh gác cẩn thận.
Khi đến sân bay Biên Hòa, cask đựng uranium lại được bao thêm bằng một hộp thép chuyên dùng nặng khoảng 20 tấn, đây là thiết bị nhằm bảo đảm an toàn phóng xạ khi chẳng may máy bay bị rớt.
Một chiếc máy bay quân sự của Nga nhận nhiệm vụ chở số uranium trên đã cất cánh rời sân bay Biên Hòa an toàn.
 Uranium 41
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Sử dụng uranium độ giàu thấp
PGS-TS Nguyễn Nhị Điền cho biết, dự án thay đổi nhiên liệu uranium từ độ giàu cao sang độ giàu thấp cho Viện NCHNĐL là dự án quốc tế, được sự tài trợ của IAEA, của Mỹ, Nga và Canada.
Việc thay thế số uranium có độ giàu cao (sử dụng từ năm 1983) vừa trao trả, được thực hiện từ năm 2007, Việt Nam đã mua một lượng uranium có độ giàu thấp để thay thế cho 106 bó uranium vừa trả.
Theo ông Điền, số lượng uranium độ giàu thấp đã nhập về đủ để Viện NCHNĐL vận hành. Quá trình thay thế uranium diễn ra an toàn và tốt đẹp, từ năm 2007 đến nay lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động ổn định với những bó thanh nguyên liệu uranium mới.
Được biết, kinh phí để thực hiện dự án thay thế nhiên liệu uranium này tiêu tốn khoảng 30 triệu USD, do Mỹ và Canada tài trợ. Đây là dự án toàn cầu nhằm cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân.

Uranium độ giàu cao là gì?
Theo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, uranium giàu là loại nhiên liệu được sử dụng trong phần lớn các lò phản ứng hạt nhân, trong đó có lò ở Đà Lạt. Uranium giàu còn được chia thành hai loại: độ giàu thấp và độ giàu cao.
Về lý thuyết, nhiên liệu uranium có độ giàu cao có thể được khai thác để chế biến thành nhiên liệu cho vũ khí nguyên tử (nếu hơn 90%). Do đó, từ năm 1978, quan ngại vấn đề này, Mỹ là nước đi đầu và kêu gọi các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân thực hiện việc dùng uranium thấp dưới 20%.
Loại nhiên liệu uranium sản xuất ở Nga được dùng từ thập niên 1980 cho đến 2007 tại lò Đà Lạt chứa hàm lượng uranium là 36%, được gọi là uranium độ giàu cao. Còn loại nhiên liệu mới được thay thế hoàn toàn hiện nay chứa hàm lượng uranium gần 20%, được gọi là uranium độ giàu thấp.
Các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được thay thế hoàn toàn bằng uranium có độ giàu thấp, khẳng định cam kết sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình của Việt Nam. (T.T)
Bài, ảnhLâm Viên