Với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, Thuận Phước – cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam – hiện đã hư hỏng nặng, gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông
Cầu Thuận Phước có tổng vốn xây dựng gần 1.000 tỉ đồng do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được chính thức đưa vào sử dụng tháng 7-2009, có nhiệm vụ kết nối nhịp sống của người dân vùng bán đảo Sơn Trà với trung tâm TP và kỳ vọng tạo nên một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân bắt đầu ngại qua lại cây cầu này vì mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng.
Mặt cầu Thuận Phước hầu như bị biến dạng, không còn chỗ nào bằng phẳng, rất nguy nhiểm cho người đi đường
Qua cầu mà run
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay, mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt, ổ gà. Đặc biệt, làn đường phía Bắc hầu như bị biến dạng, không còn chỗ nào bằng phẳng, lớp nhựa dồn thành từng ụ lớn. Rất nhiều phương tiện tham gia giao thông phải lấn qua làn đường kế bên để tránh ổ voi, ổ gà bên phía mặt đường bị hư hỏng.
Anh Trần Văn Trung (thợ chụp ảnh dạo trên cầu Thuận Phước) đã chứng kiến rất nhiều trường hợp mô tô đi qua cầu bị ngã do vấp phải những ụ lớn. “Những trường hợp như vậy rất nguy hiểm vì chỉ cần ô tô chạy phía sau không làm chủ được tay lái thì sẽ dẫn đến tai nạn chết người” – anh Trung nói.
Từ khi cầu Thuận Phước được đưa vào sử dụng, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) rất vui mừng vì đoạn đường từ nhà đến nơi làm việc (Khu Công nghiệp Hòa khánh) được rút ngắn, đỡ tốn tiền xăng đi lại. Thế nhưng, chưa đến 4 tháng sau, mặt cầu đã bị hư hỏng nặng. “Từ đó đến nay, các đơn vị thi công liên tục chắp vá, sửa chữa gây rất nhiều phiền phức cho người dân xung quanh” – chị Hoa ngán ngẩm. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân quận Sơn Trà bởi hơn 3 năm nay, ai đi qua cây cầu này cũng run vì sợ té ngã.
Do công nghệ mới quá!
Cầu Thuận Phước bắc qua cửa sông Hàn được thiết kế và thi công theo công nghệ cầu treo dây võng với tổng chiều dài 1.855 m, toàn dự án là 2.119 m. Đây là cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam, được thiết kế với bề rộng 18 m cho 4 làn xe lưu thông, tải trọng 13 tấn. Trong đó, lớp phủ mặt cầu được thi công bằng bê tông nhựa Epoxy dày 4,1 cm cùng vật liệu dính bám tiên tiến với chi phí lên đến hơn 14 tỉ đồng. Sau khi mặt cầu bị hư hỏng, đơn vị tư vấn và thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước là Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC (Công ty ECC) đã nhiều lần sửa chữa nhưng không bao lâu sau thì các vết nứt trên mặt cầu lại xuất hiện với mức độ nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng kiêm Trưởng Ban Quản lý các dự án công trình giao thông TP Đà Nẵng, cho rằng lớp phủ mặt cầu Thuận Phước được thi công bằng công nghệ hiện đại và vật liệu Epoxy nhưng do công nghệ mới quá, không lường hết biến dạng cơ học và tác động của nhiệt độ lên dầm cầu nên đã xảy ra tình trạng hư hỏng trong thời gian qua. Hơn nữa, cũng không lường hết những biến dạng giữa 2 lớp vật liệu nên đã xảy ra vết nứt. Dưới tác động của nhiệt độ tăng cao kèm biến dạng cơ học của hệ dây võng đã làm dầm cầu co giãn dẫn đến hư hỏng lớp vật liệu mặt cầu.
Thay toàn bộ lớp phủ mặt cầuTheo ông Lê Văn Trung, đã có kế hoạch thay toàn bộ lớp phủ mặt cầu Thuận Phước phần nhịp chính tại 2 vệt xe giữa dầm bằng lớp phủ mới.Dự kiến, từ ngày 15 đến 20-7 sẽ tiến hành sửa chữa với kinh phí là 3 tỉ đồng, do nhà thầu Công ty ECC chịu vì thời hạn bảo hành kéo dài đến năm 2019. “Sở Giao thông Vận tải sẽ đề xuất UBND TP ra quyết định dừng lưu thông qua cầu trong thời gian sửa chữa nhằm bảo đảm chất lượng công trình” – ông Trung cho biết.
Theo NLĐ