Trung Quốc vẫn mở tour du lịch Hoàng Sa
Cập nhật: 15:43 GMT - BBC UK - thứ hai, 9 tháng 4, 2012
Hoàng Sa đã về tay Tàu cộng
Trung Quốc vừa chính thức khai trương thử tuyến du lịch tới Hoàng Sa, khiến Việt Nam lên tiếng phản đối.
Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đưa tin hôm thứ Bảy 7/4 rằng một hôm trước đó tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam, đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc gọi đây là đảo Bắc Tiêu, thuộc Tây Sa.
Ba ngày sau chuyến đi của tàu Coconut Princess, Việt Nam lên tiếng gọi đây là việc làm "bất hợp pháp".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị trong một thông cáo đăng trên website của bộ này nói:"Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
Ông Nghị nói Việt Nam đòi hỏi "Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông".
Ông cũng nhắc lại một lần nữa: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Du lịch Hoàng Sa
Trung Quốc đã nhiều lần loan tin về kế hoạch du lịch Hoàng Sa, mà giới chức nước này cho là có tiềm năng lớn.
Thông tin quảng bá du lịch Hoàng Sa đã bắt đầu được các cơ quan hữu quan của Trung Quốc quảng bá rộng rãi. Ngành du lịch Trung Quốc thậm chí đã nghĩ ra khẩu hiệu thu hút khách tới Phú Lâm: "Tây Sa (Hoàng Sa), một Tam Á đang lên".
Tam Á (Sanya) là thủ phủ của đảo Hải Nam, đã được Trung Quốc phát triển thành trung tâm du lịch lớn.
Bắc Kinh cũng cho việc tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa là động tác khẳng định chủ quyền, mà Việt Nam là quốc gia duy nhất còn tranh chấp với Trung Quốc cho dù đã mất quyền kiểm soát quần đảo này từ năm 1974.
Gần đây, ở Việt Nam dư luận chính thống bắt đầu nhắc tới việc Trung Quốc "dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa" từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái cũng nói trước Quốc hội rằng Việt Nam chủ trương đòi lại quần đảo này bằng "biện pháp hòa bình".
Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa là nơi Trung Quốc giam giữ nhiều ngư dân Việt bị tuần duyên nước này bắt vì cáo buộc xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc.