Quyết định này có lẽ
đã manh nha từ hai năm trước khi Bradley Birkenfeld - nguyên Giám đốc
quản lý tài sản của ngân hàng UBS, một trong những ngân hàng lớn nhất
của Thụy Sỹ, nơi chứa nhiều tài sản của các tỷ phú giàu nhất hành tinh -
đã phá tan luật bí mật thông tin nổi tiếng của hệ thống ngân hàng Thụy
Sỹ khi công bố danh sách 250 khách hàng bị nghi ngờ trốn thuế cho Mỹ.
Chính nhân vật này, trước đó, đã từng
giúp các khách hàng gian lận những khoản thuế khổng lồ, trong đó có
nhiều người Mỹ. Các tài liệu mật mà Bradley Birkenfeld cung cấp cho giới
chức Mỹ đã buộc Ngân hàng UBS và cả chính phủ Thụy Sỹ phải có những
nhượng bộ. Sau đó, Nghị viện Thụy Sỹ đã phê chuẩn nghị quyết cho phép
cung cấp thông tin của 4450 tài khoản khách hàng bị nghi ngờ là trốn
thuế tại ngân hàng UBS cho cơ quan tư pháp Mỹ. Hậu quả là chỉ trong vòng
2 năm, số lượng khách hàng giao dịch với ngân hàng UBS đã bị giảm sút
nghiêm trọng.
Sức ép quốc tế
Dưới sức ép từ dư luận nhiều nước, đặc
biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu, tới nay, Thụy Sỹ đã buộc phải đưa ra cam
kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước để điều tra những trường hợp
nghi ngờ trốn thuế và hơn thế nữa, đó là ngăn chặn các dòng tiền bẩn
tuồn vào hệ thống ngân hàng nước này. Năm 2011, 11 ngân hàng của Thụy Sỹ
đã bị Mỹ đưa vào danh sách cần điều tra, sang năm 2012, danh sách này
có thêm ngân hàng Wegelin.
Vào ngày 7/4 vừa qua, một ngày sau khi
Đức và Thụy Sỹ ký một thỏa thuận quan trọng liên quan tới việc đánh thuế
các khoản tiền gửi, Đức đã đặt vấn đề mua dữ liệu ngân hàng của Thụy Sỹ
để hỗ trợ các cơ quan thanh tra thuế phát hiện những trường hợp gian
lận thuế ở Đức. Các thỏa thuận này sẽ ngăn chặn giới nhà giàu Đức giấu
tài sản vào các tài khoản bí mật ở ngân hàng Thụy Sỹ. Thỏa thuận trên sẽ
chỉ có hiệu lực từ năm 2013 và nhiều người cho rằng thời gian đó quá đủ
để những người trốn thuế di chuyển tài sản của mình tới nơi khác an
toàn hơn.
Chính phủ hai nước hy vọng thỏa thuận
trên sẽ chấm dứt những tranh cãi ngoại giao kéo dài nhiều năm qua. Bởi
ngay tuần trước đó, chính quyền Thụy Sỹ đã yêu cầu bắt giữ 3 nhân viên
thanh tra thuế của Đức với cáo buộc làm gián điệp công nghiệp khi tìm
cách mua dữ liệu của những người Đức trốn thuế ở ngân hàng Thụy Sỹ. Ước
tính người Đức có khoảng 150 triệu Franc Thụy Sỹ đang gửi trong két sắt
của các ngân hàng ở quốc gia láng giềng này.
Trở lại với quy định mới của chính phủ
Thụy Sỹ, các ngân hàng sẽ có thêm 5 tháng nữa để chuẩn bị cho bước ngoặt
quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các quỹ tài chính. Sau thời
điểm đó, các ngân hàng sẽ chỉ được tiếp nhận những "đồng tiền sạch", tức
đã được thẩm định rằng không có chuyện rửa tiền, trốn thuế đằng sau các
khoản ký gửi khổng lồ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới sức hút
và lợi nhuận của ngân hàng Thụy Sỹ.
Sự thay đổi này sẽ đánh dấu chấm hết cho
truyền thống tự do nhận các khoản tiền gửi mà không cần phải khai báo
cho chính quyền kéo dài hàng trăm năm nay của các ngân hàng Thụy Sỹ.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều món tài sản kếch sù của các tỷ
phú trên khắp thế giới có nguy cơ bị điều tra và đem ra ánh sáng.
Ngân hàng Thụy Sỹ "mất uy"?
Ngày 22/2/2012 được đánh dấu là bước
ngoặt đối với ngành ngân hàng Thụy Sỹ khi chính phủ nước này lần đầu
tiên thể chế hóa vấn đề dưới dạng một "biên bản thảo luận". Theo đó, các
ngân hàng sẽ không được phép tiếp nhận các khoản tiền, quỹ không khai
báo, đồng thời còn phải giải quyết cả các trường hợp tồn đọng trong quá
khứ. Để thực hiện quy định mới này, giải pháp khả thi đối với các ngân
hàng Thụy Sỹ hiện nay là sẽ phải ngừng giao dịch với các khách hàng và
nếu khách hàng muốn chuyển tiền đi nơi khác, "ngân hàng cần đảm bảo rằng
các khoản tiền này sẽ phải xuất cảnh hoàn toàn khỏi Thụy Sỹ".
Phản ứng với quyết định kể trên, giới
vận động hành lang ngành ngân hàng có nhiều ý kiến khác nhau. "Một điều
không thể tưởng tượng được là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đã
quyết định không còn muốn tranh đấu để bảo vệ bí mật thông tin của ngành
ngân hàng", một nhân viên ngân hàng tại Geneve nói, "Các ngân hàng lớn
đã lùi bước trong khi đó ngân hàng nhỏ, những đơn vị luôn mong muốn bảo
mật thông tin khách hàng lại có tiếng nói không trọng lượng đối với giới
chính trị gia". Nhiều khách hàng ngoại quốc tỏ ra lo ngại với điều
chỉnh này bởi họ sợ rằng ngân hàng Thụy Sỹ sẽ cung cấp thông tin cho
giới chức nước họ về các tài khoản mà họ không bao giờ muốn công bố.
Năm ngoái, chính phủ Pháp đã yêu cầu
công dân nước mình làm việc trong tổ chức quản lý tài sản phải cung cấp
thông tin cho chính phủ. Giới thạo tin cho biết, ngân hàng Credit Suisse
đã quyết định yêu cầu các khách hàng có tài khoản không được khai báo
phải rút tiền khỏi ngân hàng và không cho phép những người này được mở
lại. Quyết định này có thể sẽ khiến Credit Suisse mất 664 triệu euro.
Trong khi đó, tại UBS, khách hàng Pháp vẫn có thể mở các tài khoản mới.
Mặc dù các ngân hàng yêu cầu khách hàng
phải khai báo tài sản ngày càng khắt khe nhưng có vẻ điều đó chưa trả
lời được vấn đề cốt lõi nhất đó là các ngân hàng sẽ dựa vào tiêu chí nào
để biết rằng một khách hàng đang gian lận thuế để cắt đứt giao dịch tài
chính hay thông báo cho chính quyền? Mặt khác, nếu khách hàng chứng
thực được rằng họ đã chấp hành tốt các quy định tài chính, nghĩa vụ thuế
đối với các Nhà nước thì liệu ngân hàng có phải xác minh lại lời khai
đó là chân thực. Hoạt động này hẳn sẽ phải mất rất nhiều thời gian, tiền
bạc và trải qua các thủ tục khá phức tạp.
Nhiều người cho rằng sức hút của các
ngân hàng Thụy Sỹ có thể sẽ giảm đi bởi các khách hàng sẽ không còn thấy
an toàn khi để lại các khoản tiền ở lại trừ phi chi phí quản lý tài sản
giảm mạnh. Bởi vì hiện nay "dịch vụ ngân hàng của Thụy Sỹ cao hơn nhiều
so với các nơi khác trên thế giới", luật sư người Thụy Sỹ Carlo
Lombardini cho biết.