(Dân trí) - Tại xã Ba Điền, đã có 3 người tử vong
trong tuần qua. Trong khi đó, 35 bệnh nhân khác đang nằm ở khoa hồi
sức-cấp cứu, BV Da liễu TƯ Quy Hòa. Các cơ quan chức năng từ xã tới tỉnh
đều khẩn thiết mong được hỗ trợ để làm rõ căn bệnh này.
Bác sĩ không được lơ là 1 phút
Dù chỉ có biểu hiện dày sừng, lở loét ở chân nhưng bệnh nhân Phạm Thị Kê phải truyền dịch giải độc gan (Ảnh: D.Công)
Có
mặt tại Khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện phong - da liễu TƯ Quy Hòa, hơn
60 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tỏ rõ sự lo lắng trước thông
tin có nhiều bệnh nhân tử vong do bệnh này trong thời gian qua.
Bệnh
nhân Phạm Thị Kê (50 tuổi) ở xã Ba Điền, Ba Tơ, Quãng Ngãi lo lắng:
“Lâu nay chỉ có cảm cúm thông thường, mua ít liều thuốc uống rồi tự
khỏi. Tự nhiên, năm ngoái hàng loạt người dân trong xã mắc căn bệnh lạ
này, có người đã bị chết nên chúng tôi cũng thấy lo sợ”.
Bác
sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu BV Phong - da
liễu TƯ Quy Hòa, cho biết: “Đa số bệnh nhân nhập viện đều có hiện tượng
suy nhược cơ thể như: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da và rụng tóc.
Bệnh nhân bị các tổn thương da (dày sừng da lòng bàn tay, chân tạo thành
một bờ rõ nổi cao, thâm tím hoặc nổi sẩn đỏ 2 bên má, trán) và các hội
chứng dạ dày, tắc mật, hủy hoại tế bào gan. Một số người bị nặng còn kèm
thêm hội chứng tràn dịch đa màng và viêm cơ tim”.
Các bác sĩ bệnh viện Da liễu Quy Hòa phải túc trực 24/24h để phòng các biến chứng bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Ảnh: D.Công)
Theo
báo cáo nhanh vào lúc 10h ngày 9/4 của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tính
đến nay đã có 164 ca mắc bệnh, trong đó xã Ba Điền chiếm 155 ca, xã Ba
Ngạc (5 ca), Ba Xa (2 ca), Ba Vinh (1 ca) và Ba Tô (1 ca). Riêng trong
năm 2012, số người mắc bệnh lạ là 68 ca.
Các
triệu chứng của bệnh lạ như sưng lòng bàn tay, bàn chân, phù mặt, dẫn
đến suy gan và tử vong. Hậu quả đã làm 17 người tử vong, trong đó có 6
trường hợp tử vong ở bệnh viện.
Nạn nhân tử vong hầu hết là trẻ em (sinh năm 2008-1992), đều ở xã Ba Điền.
|
Cũng theo bác sỹ Loan,
ngoài điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, các bác sĩ phải chữa trị theo
từng diễn biến cụ thể của bệnh nhân một. Ví như bệnh nhân bị năng biểu
hiện suy gan dẫn đến tình trạng phù nề, tràn dịch đa mang thì phải điều
trị thuốc Albumin, rồi truyền thuốc Morihepamin để giải độc gan….
Theo
thống kê của bệnh viện, đến nay số bệnh nhân nhập viện là 61 bệnh nhân .
Trong đó bệnh nhân đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu là 35 bệnh nhân
(trong đó có 4 bệnh nhân rất nặng), số còn lại nằm ở khoa truyền nhiễm.
Do số bệnh nhân tăng đột biến nên bệnh viện phải chủ động kê thêm giường
bệnh tăng thêm gấp rưỡi (lên 36 giường); tăng thêm 3 bác sỹ và 4 điều
dưỡng trực 24/24 để theo dõi tình hình diễn biến của bệnh nhân.
“Do
bệnh nhân nhập viện tăng đột biến lại là bệnh lạ khó điều trị nên bác
sỹ, y tá phải túc trực 24/24 giờ bởi chỉ lơ là nếu bệnh nhân có những
biểu hiện xấu thì tính mạng sẽ nguy kịch”, Bác sỹ Nguyễn Thị Thời Loan
chia sẻ.
Trao
đổi với PV Dân trí, bác sỹ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện phong -
da liễu TƯ Quy Hòa, cho biết: “Do là bệnh lạ, diễn biến bệnh hết sức
phức tạp nên toàn bộ y bác sỹ luôn theo sát bệnh nhân để xử lí kịp
thời”.
Người dân hoang mang
Biểu hiện dễ thấy nhất là ở ngoài da nhưng thực chất bệnh gây chảy máu tiêu hóa, suy gan... (Ảnh: H.Long)
Ông
Phạm Văn Néo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: “Người dân trở
nên bất an, hoang mang sau khi 1 thanh niên 19 tuổi ở Làng Rêu tử vong,
không ai dám đến nhà các nạn nhân để hỗ trợ chữa trị, thăm viếng…. học
sinh không đến lớp vì phụ huynh sợ lây mầm bệnh”.
Theo
bác sỹ Tân, các trường hợp tử vong của bệnh nhân chủ yếu là do bệnh
nhân bị biến chứng đường tiêu hóa phải can thiệp ngoại khoa nhưng không
thể cứu được vì máu chảy liên tục.
Tuy
nhiên, trong xã nhỏ có 1.600 nhân khẩu này đã bắt đầu tin rằng dịch
bệnh này là một số người dân chặt đổ “cây trò”, loại cây linh thiêng
theo quan niệm của đồng bào ở đây, và đất đá văng vào nhà có người bị
“bệnh lạ” và người dân trong xã đang cõng một cụ già dân tộc H're ở
huyện Ba Tơ để đi tìm loại rễ cây có thể chữa được bệnh này.
Cầu cứu sự giúp đỡ của ngành y tế trong và ngoài nước
Ảnh: Hồng Long
Trao
đổi với PV Dân trí, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ nặng
trĩu lòng cho biết: “Bộ Y tế đã vào cuộc rồi nhưng không đi đến đâu cả.
Nếu cứ để như thế này thì sẽ xảy ra thảm kịch của một đại dịch. Bên cạnh
việc cầu cứu Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Bộ Tư lệnh Hóa học thuộc
Bộ Quốc phòng, chúng tôi mong muốn các tổ chức y tế thế giới hãy giúp
người dân, cần sớm tìm ra ‘thủ phạm’ gây chết người để địa phương có
biện pháp tiêu diệt mầm bệnh, giúp người dân có cuộc sống ấm no”.
Nhằm
hỗ trợ người dân yên tâm chữa bệnh, huyện Ba Tơ đã huy động lực lượng
bộ đội, dân quân tự vệ, đoàn viên, thành niên giúp nhân dân xã Ba Điền
dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu hoạch lúa, chăm sóc bệnh nhân và động
viên người dân ổn định tư tưởng để trị bệnh. Ngoài ra, địa phương hỗ trợ
thêm cho mỗi bệnh nhân đang điều trị “bệnh lạ” 30.000 đồng/ngày, hỗ trợ
kinh phí vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa
điều trị.
Trước
tình hình diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng
Chính phủ nhờ can thiệp, hỗ trợ chuyên môn để sớm tìm ra nguyên nhân gây
"bệnh lạ" ở Quảng Ngãi.
|
Hồng Long - Doãn Công