Đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM) cũng thừa nhận thông tin cá nhiễm chất cấm những ngày qua đã ảnh hưởng tới các tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng này. Thậm chí nhiều tiểu thương đến văn phòng của công ty đề nghị giúp đỡ do không bán được hàng.
“Tiểu thương thấy cá đảm bảo khối lượng, còn sống và không trầy vi tróc vẩy, không có biểu hiện của bệnh tật thì đồng ý nhập hàng bán. Họ đâu có đủ khả năng và thời gian để kiểm tra dư lượng các chất hóa học trên từng sản phẩm được”, đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết.
Tuy nhiên, hiện có đến ba cơ quan có chức năng kiểm tra chất lượng cùng “đóng chốt” tại chợ Bình Điền để thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Người tiêu dùng không nên quá lo lắng, e dè khi vào chợ mua thực phẩm, đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền trấn an.
Cứu người chăn nuôi
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, sự cố chất tạo nạc gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi heo hàng trăm tỉ đồng. Với giá bán giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg, chỉ tính riêng huyện Thống Nhất (Đồng Nai), mỗi ngày đưa ra thị trường 1.400 - 1.500 con heo thịt thì người chăn nuôi ở huyện này thiệt hại đến 1,4 - 1,5 tỉ đồng/ngày.
“Hôm nay cơ quan chức năng kiểm tra chất này, ngày mai kiểm tra chất khác, cộng với thông tin trên báo chí không có sự định hướng và khá chủ quan. Những điều này đang khiến người chăn nuôi kiệt quệ và mất định hướng”, ông Công nói.
Ông Trần Văn Hạc, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Việt Nam cho biết sự cố chất tạo nạc đã làm giá thịt heo trên thị trường tụt giảm nghiêm trọng. Sự thua thiệt này lại rơi vào người chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng 5 - 10 con/hộ vì heo bán ra không ai mua, còn thương lái thì ép giá. Riêng các công ty chăn nuôi có thương hiệu lớn cũng bị ảnh huởng nhưng không nhiều vì họ đã có sẵn nguồn đầu ra ổn định.
Một câu hỏi đặt ra: Liệu sự cố chất tạo nạc, trifluralin sẽ tạo cơ hội cho thịt nhập khẩu? Bởi sự cố này sẽ khiến người nuôi chán nản, bỏ đàn nhưng khi thị trường có nhu cầu trở lại, chăn nuôi trong nước không đáp ứng kịp buộc phải nhập khẩu thịt.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là điều có thể xảy ra nhưng không cần quá lo lắng. Nhà nước vẫn có thể điều tiết hài hòa, tạo thuận lợi cho chăn nuôi trong nước bằng chính sách thuế, hạn chế lượng thịt nhập. Ngoài ra thế mạnh của thịt nhập khẩu là những mặt hàng phụ phẩm giá rẻ, vì hàng đông lạnh thường không được tươi ngon nên kém sức cạnh tranh. Trước mắt nên có chính sách hỗ trợ người nuôi nhỏ lẻ để giảm thiểu thiệt hại, giúp họ yên tâm sản xuất.
Lê Na - Lê Cầm - Trung Hiếu
|