Thứ Năm, 19/04/2012 23:02
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đã rõ ràng nhưng chủ đầu tư vẫn thiếu minh bạch thông tin là khó chấp nhận
Phóng viên: Sau khi có chuyến tổng kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2 vào ngày 18-4 vừa qua, ông cảm nhận thế nào về mức độ rò rỉ nước ở con đập này?
30 lít/giây, lúc thì 75 lít/giây, giải thích việc thay đổi “con số” này còn chung chung, trong khi không biết mức độ thấm cho phép qua đập bê tông đầm lăn là bao nhiêu nên mức độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay không thể so sánh được. Nỗi lo đập bị rò rỉ, thẩm thấu nước còn trước mắt thì mấy ngày qua, động đất liên tiếp xảy ra gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã tạo thành “nỗi lo kép” cho người dân.
* Trước tình hình này, vấn đề quan tâm nhất của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là gì, thưa ông ?
- Đứng trước “nỗi lo kép” của người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2, việc cần kíp bây giờ là làm sao “an dân”, tính mạng người dân phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, yêu cầu phía chủ đầu tư phải sớm hạ nước hồ xuống mực nước chết (140 m), tập trung xử lý sự cố thấm ở đập. Việc xử lý sự cố công trình phải vừa mang tính khoa học, căn cơ với sự tham gia, phản biện của các nhà khoa học vừa bảo đảm an toàn lâu dài cho công trình. Tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ tiến độ xử lý sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2.
* Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam đã có những ràng buộc gì đối với chủ đầu tư công trình?
- Trước hết, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung xử lý dứt điểm sự cố thấm ở đập công trình thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa lũ năm nay. Nếu họ không thực hiện đúng cam kết (trước ngày 30 - 7), tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ không cho tích nước để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân vùng hạ du. Ngoài ra, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm lắp đặt các máy quan trắc để đo đạc, thu thập số liệu về động đất; xây dựng phương án dự phòng di dời dân.
Vùng địa chất khá phức tạp
Chiều 19-4, GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, cho biết: “Có vô số trận động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 kể từ khi công trình này triển khai xây dựng. Các trạm quan trắc động đất tại Huế và Bình Định đã ghi nhận 9 trận động đất với cường độ 2 - 3,3 độ Richter. Còn các trận động đất dưới 2 độ Richter do nằm cách xa công trình nên không thể ghi nhận được”.
Trận động đất gần đây nhất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, trạm quan trắc Bình Định ghi nhận vào lúc 18 giờ 51 phút ngày 15-4 với cường độ 2,8 độ Richter, độ chấn tiêu sâu 4,5 km. Rạng sáng 16-4 lại xảy ra một trận động đất nữa nhưng cường độ nhỏ hơn 2 độ Richter. GS Cao Đình Triều đề xuất cần lắp đặt ngay trạm quan trắc động đất ở xung quanh công trình thủy điện Sông Tranh 2 để xây dựng phương án phòng ngừa thảm họa cho người dân.
Ngay từ năm 2006, trước khi triển khai công trình thủy điện Sông Tranh 2, Viện Vật lý Địa cầu đã khảo sát, nghiên cứu dự án tiền khả thi, cuối cùng đưa ra kết luận: “Vùng địa chất ở huyện Bắc Trà My, nơi xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2, khá phức tạp. Động đất có thể xảy ra cực đại ở khu vực nói trên là 5,5 độ Richter, độ chấn tiêu cao nhất có thể lên 10 - 15 km trên đới đứt gãy Trà Bồng hoặc Hưng Nhượng - Tà Vi cách đập khoảng 2 km”.
|
Hoàng Thu Minh thực hiện