THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 April 2012

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Có chuyện tráo cát rút chênh lệch giá?


Thứ năm 19/04/2012 08:00
Sau vụ một cán bộ được giao tổng thầu các loại vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị Cơ quan CSĐT (Bộ CA) bắt cuối năm 2011, trước hiện trạng chất lượng cát san lấp trên công trường có những biểu hiện khác thường, dư luận lại nghi vấn chuyện đơn vị thi công tráo cát không đúng chất lượng để rút tiền công trình. 
 
Có chuyện tráo cát rút chênh lệch giá?
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được thi công. Ảnh: N.Q

Nâng giá vật liệu…
Ngày 22.12.2011, cơ quan CSĐT Bộ CA bắt tạm giam bà Đinh Thị Tâm - nguyên Trưởng ban điều hành DA Hà Nội thuộc Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI), nguyên Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần vật liệu và đầu tư (đơn vị tổng thầu cung cấp vật liệu cho DA đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), về tội nhận hối lộ. Khi bị bắt, bà Tâm đang nhận 768 triệu đồng từ ông Mai Công Toàn - GĐ Cty cổ phần thương mại vận tải Hồng Phúc. Đây là một trong số nhiều lần, các nhà thầu phụ như ông Toàn phải hối lộ để được “chen chân” vào đường dây cung cấp vật liệu cho DA đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.  

Theo xác minh, bà Tâm đã ép các nhà cung cấp phải nâng giá nguyên vật liệu để "ăn“ chênh lệch. Cụ thể, cát vàng bị nâng thêm 26% so với giá ban đầu. Cát hạt thô bị nâng thêm 11%, cát đen đắp nền bị nâng thêm 5%... Và chỉ ba lần hối lộ trót lọt, riêng Cty ông Toàn đã phải chi hơn 3 tỉ đồng.  Đến lúc này, Cty ông Toàn mới thực hiện được 10% giá trị hợp đồng cung cấp 2 triệu mét khối cát có trị giá 315 tỉ đồng cho DA. 

Nếu thực hiện 100% khối lượng và giá trị, có thể riêng Cty này phải hối lộ hàng chục tỉ đồng. Mới chỉ ở 1/10 gói thầu nhỏ mà cơ quan điều tra đã phát hiện được hành vi nâng giá bán vật liệu lên tới hơn 3 tỉ đồng, ở các gói thầu còn lại với tổng số 40 triệu mét khối nguyên vật liệu, mức độ sai phạm sẽ lớn tới mức nào? 

Có chuyện tráo… cát?
Theo phản ánh của cánh lái xe: “cát đen - hay còn gọi là cát Hà Bắc - vẫn đang được đổ vào DA này. Chỉ khi có đoàn kiểm tra, chúng em mới chở cát Vĩnh Phú để san lấp tạm". Với thông tin này, chúng tôi lần theo từng đầu mối liên quan.

Theo hợp đồng của nhà thầu Hàn Quốc với nhà cung cấp vật liệu, cát cung cấp cho gói thầu EX10 thuộc DA phải là “cát hạt trung thô” có kích cỡ hạt từ lớn hơn 0,25mm đến 0,5mm, tương đương với cát trát, hoặc cát bêtông. Loại cát này thường được dân công trình tại Hải Phòng gọi là cát Vĩnh Phú, có giá từ 150 - 175 ngàn đồng/m3 đổ đến chân công trình. 

Tại Hải Phòng, cát Vĩnh Phú là loại cát được chở từ tỉnh có dòng sông Lô đưa về. Còn cát đen hút tại Hải Phòng hoặc từ các địa phương lân cận được gọi là "cát Hà Bắc". Gọi là cát Hà Bắc là cách ám chỉ để an lòng người sử dụng, bởi Hà Bắc chỉ có cát nước ngọt, ít tạp chất. Thực chất, cát đen vẫn được hút từ các sông ở Hải Phòng và một số địa phương lân cận. Đây là loại cát hút lên từ các sông gần biển, cát nhiễm chua, nhiều tạp chất... làm giảm tuổi thọ công trình, được bán với giá tại cầu cảng khoảng 40 ngàn đồng/m3. Nếu gói thầu EX10 phải sử dụng khoảng 4 triệu mét khối cát, mà lại có chuyện tráo cát như dư luận phản ánh thì vụ việc sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Chiều 16.4, chúng tôi có mặt tại khu vực đê phường Tràng Cát, quận Hải An, TP.Hải Phòng, quan sát toàn tuyến, chúng tôi nhận thấy cát sử dụng san lấp đều giống nhau về độ mịn cũng như kích cỡ. Xúc một túi cát làm mẫu, chúng tôi đưa về một Cty kiểm định xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng - xin không nêu tên) nhờ kiểm tra và so sánh với nội dung hợp đồng cung cấp cát.

Mới chỉ xem qua bằng mắt thường, các cán bộ kỹ thuật ở đây cứ ngỡ chúng tôi nhờ kiểm tra chất lượng vật liệu bentonite - loại vật liệu hợp thành chủ yếu là đất sét để làm bùn sử dụng khi thi công móng cọc khoan nhồi. Còn kết quả thí nghiệm số cát đưa về cho thấy: Môđun độ lớn Mn  của vật liệu đưa vào thí nghiệm chỉ là 1,07, trong khi quy định tiêu chuẩn này cho cát nền đường quốc lộ phải là 2. Theo biểu đồ thành phần hạt thì đường thành phần hạt số cát đưa vào thí nghiệm nằm bên ngoài đường bao tiêu chuẩn - tức là không đạt tiêu chuẩn. 

Với những thông tin trên, liệu đã được coi là “có cơ sở” để xác định những lời đồn đoán về chuyện các nhà thầu đang tráo cát không đủ tiêu chuẩn vào DA đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ăn chênh lệch giá?
Công Thắng - Nguyễn Quân