Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), khẳng định: Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc trên Thanh Niên đã góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn lạm dụng chất cấm để nuôi heo.
Ông Dương nói: "Chúng tôi rất mừng vì Báo Thanh Niên đã "chỉ tận tay day tận trán" hành vi buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Từ năm 2007 đã rộ lên chuyện này, thậm chí khi đó có cả một vài nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (chủ yếu là Sabultamol hoặc Clenbutanol) vào trong thức ăn, để bán ra thị trường. Suốt trong 2 năm sau đó, cơ quan hữu trách vào cuộc quyết liệt, kết hợp giữa việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm và tuyên truyền giáo dục đã góp phần làm "dịu" đi tình hình này. Tuy nhiên, từ năm 2011, khi áp lực về nguồn cung và giá thịt heo quá lớn, có thời điểm tăng nhanh hơn giá vàng và đứng ở mức cao kỷ lục (70.000 đồng/kg heo hơi) khiến cho những người hám lợi trước mắt đã tìm và sử dụng các chất này".
Nhiều độc giả cho rằng chất cấm đang được người chăn nuôi sử dụng phổ biến không chỉ ở các tỉnh miền Nam mà cả ở các tỉnh miền Bắc. Và tại miền Bắc, các công ty đã "chung chi" với cơ quan hữu trách để được cho qua. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ở miền Bắc, có tình trạng sử dụng chất cấm hay không thì tôi chưa thể khẳng định nhưng nói rằng có sự thỏa hiệp của cơ quan chức năng với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thì không phải.
| | | Đi lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất và buôn bán thức ăn chăn nuôi và đại lý bán thuốc thú y giữa thanh thiên bạch nhật rõ ràng là rất khó để phát hiện | | | Ông Nguyễn Xuân Dương | |
|
Theo nhận định của tôi, chất cấm xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi phía nam một phần vì sức ép về sản phẩm thịt heo luôn cao hơn so với miền Bắc. Hộ chăn nuôi tận dụng ở miền Bắc đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ và đây không phải là đối tượng để các tay buôn chất cấm hướng tới. Qua nhiều nguồn tin, chúng tôi nắm được, rất có thể chất cấm được tuồn từ các tỉnh biên giới qua Hà Nội và đưa vào phía nam. Cục Chăn nuôi đã phối hợp với lực lượng Công an Hà Nội tổ chức kiểm tra, lấy mẫu phân tích một số điểm buôn bán trung chuyển nguyên liệu, thức ăn bổ sung nhưng chưa phát hiện được cơ sở nào có vi phạm.
Chất cấm đã xuất hiện từ rất lâu, tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa kiểm soát được?
Chúng tôi luôn triển khai các hoạt động giám sát, lấy mẫu phân tích và truy tìm nguồn gốc chất cấm. Tuy nhiên, sau thời gian làm gắt hồi năm 2008, các đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm đã thay đổi chiến thuật, hoạt động rất tinh vi. Họ không dại gì cho chất cấm vào bao cám nữa vì dễ bị phát hiện. Thay vào đó, các tay buôn chất cấm, đa phần kiêm luôn nghề thương lái heo, xé lẻ hàng ra, đem đến tận các trang trại tiếp thị để được hưởng lợi kép: bán thuốc thu tiền lãi, mua được heo có thịt nhiều nạc. Và chủ trang trại chỉ cho chất này vào máng ăn trước khi đổ cám vào nên rất khó bắt quả tang. Chúng tôi cũng đã đi mua, cũng lấy mẫu phân tích nhưng vẫn không tìm ra hoặc chỉ tìm ra chất cấm ở phần ngọn, tức là trong miếng thịt bán ngoài thị trường. Việc bắt được quả tang các đối tượng đang buôn bán và sử dụng chất cấm là rất khó, từ sau 2008 đến cuối năm 2011, Công an Đồng Nai bắt đối tượng đang vận chuyển 5 kg Sabutamol đi tiêu thụ, và lần này là của quý Báo Thanh Niên.
Rõ ràng là cách thức kiểm soát chưa hợp lý?
Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, hoặc đơn phương một bộ, một ngành nào có thể làm được. Thái Lan làm quyết liệt nhưng cũng phải mất tới 5 năm mới kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi trong điều kiện nền chăn nuôi nước họ là công nghiệp, trang trại là chủ yếu. Phải thừa nhận, cái cách mà ngành chăn nuôi đang làm: Đi lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất và buôn bán thức ăn chăn nuôi và đại lý bán thuốc thú y giữa thanh thiên bạch nhật rõ ràng là rất khó để phát hiện.
Thời gian tới, chúng ta phải làm gì để dập tắt hiện tượng này, thưa ông?
Chúng ta phải vào cuộc một cách bài bản, toàn diện và đồng bộ với sự tham gia của các bộ ngành liên quan, nhất là chính quyền cơ sở. Một mình Bộ trưởng NN-PTNT tuyên chiến với chất cấm thì chưa đủ, chỉ khi nào lãnh đạo các bộ liên quan, 63 chủ tịch UBND các tỉnh thành cũng thấy "nóng" và trăn trở thì mới cải thiện được nhiều hơn. Lực lượng công an, quản lý thị trường và hải quan phải thiết lập hàng rào từ xa, ngăn chặn không cho chất cấm thẩm lậu vào nội địa ngay từ biên giới.
Các quy định pháp lý để xử phạt đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này về cơ bản là đầy đủ cả rồi. Điều 51 bộ luật Hình sự quy định nếu sử dụng chất cấm thì có thể bị tù kia mà. Sắp tới, chúng tôi sẽ khoanh vùng các tỉnh có nhiều nguy cơ để tập trung xử lý. Nếu phát hiện phải xử lý thật nghiêm, tái phạm không chỉ buộc phải đình chỉ kinh doanh, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà cố tình vi phạm phải truy tố hình sự.
Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan hữu trách ở Đồng Nai xác minh, xử lý vụ việc ở Đồng Nai mà Báo Thanh Niên phản ánh. Hiện cán bộ Cục Chăn nuôi đang trên đường vào làm việc trực tiếp với Đồng Nai.
Đề nghị công an vào cuộc điều tra Hôm 29.2, ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Kinh hoàng heo siêu nạc, cơ quan này đã cho mời đại diện 2 cơ sở kinh doanh thuốc thú y Duy Hào và Gấu (tại H.Trảng Bom) đến để làm rõ việc bán chất "siêu tạo nạc" cho người chăn nuôi. Theo ông Hải, qua làm việc, bước đầu do 2 cơ sở này chưa thừa nhận việc bán chất cấm và cơ quan thú y chưa lấy mẫu để kiểm tra được nên Chi cục Thú y đã đề nghị UBND H.Trảng Bom tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh. Đồng thời, chi cục cũng làm các thủ tục đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ có hay không những sai phạm của 2 cơ sở trên. (Kim Cương) |
Cần xử lý đến cùng Sau khi Báo Thanh Niên ngày 27, 28 và 29.2 đăng loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc, rất nhiều bạn đọc đã đề nghị cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng hóa chất nguy hiểm để nuôi heo. Đúng là kinh hoàng! Chăn nuôi sử dụng hóa chất như trong bài báo nêu thì thật là vô lương tâm. Tôi cũng là nông dân, nhưng đọc báo thấy nuôi heo mà mỗi ngày tăng 2 kg thì thật khủng khiếp. Trong thực tế, để cho heo ăn các loại cám, rau thông thường thì để tăng 2 kg, cũng phải kéo dài ít nhất 5-10 ngày. Cách làm ăn của những người này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến những nông dân chân chính. Một vấn đề nữa cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ là nguồn gốc của loại hóa chất này. Nguyễn Huy (xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất, Đồng Nai) Ngăn chặn ngay Thịt heo là một nguồn thực phẩm phổ biến trong bữa ăn gia đình. Vì vậy, nguồn thịt từ heo được chăn nuôi theo công nghệ như báo nêu sẽ gây tai họa nghiêm trọng cho xã hội. Những người chăn nuôi theo kiểu này cũng là một dạng tội phạm, đầu độc người tiêu dùng. Phải có biện pháp ngăn chặn ngay và xử lý đến nơi đến chốn những người vì hám lợi mà đầu độc sức khỏe cộng đồng, không nên để chìm xuồng như vụ xăng dầu mà quý báo đã từng điều tra. (duythao@gmail.com) Không để lan rộng Tôi hoan nghênh báo đã khui ra việc làm quá đáng với cộng đồng của một số người chăn nuôi heo. Cần phải đấu tranh quyết liệt với cách làm ăn này, nếu không một số kẻ xấu khác khi biết thông tin như vậy cũng sẽ làm theo, lúc đó rất nguy hại. Rất nhiều gương làm giàu chính đáng của nông dân mà Báo Thanh Niên ca ngợi và họ là những người làm ăn chân chính. Còn những kẻ sống trên sinh mạng của đồng loại thì phải bị vạch mặt, xử lý. Văn Duy (TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương) Cơ quan chức năng ở đâu? Bộ máy chính quyền có đầy đủ mọi cơ quan, ban ngành nhưng chưa phát huy được hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cho người dân. Tôi thấy trong việc này có trách nhiệm của cục thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, công an, quản lý thị trường, kiểm dịch động vật… Không thể để tiếp diễn tình trạng làm ăn vô lương tâm, kinh doanh đe dọa sức khỏe tính mạng của người dân như vậy. Thật quá đáng khi bây giờ ăn uống thứ gì cũng đều bất an, xã hội đang cần nhà nước phải kiên quyết xử lý những kẻ táng tận lương tâm như vậy! Trần Lâm(lamtran67@yahoo.com) Ban CTBĐ (tổng hợp) |
Quang Duẩn
(thực hiện)