Thị trường hàng hóa ngày càng phong phú đa dạng và tiêu chuẩn chất lượng cũng được nâng cao, thế nhưng nạn hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên tung hoành làm khổ người mua, làm đau đầu các cơ quan chức năng.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan
Có vẻ là nghịch lý, song điều đó vẫn mặc nhiên tồn tại, thậm chí hàng giả, hàng nhái ngày càng "sống khỏe" hơn. Từ quê lên phố, từ cửa hàng tới chợ, thậm chí cả các trung tâm buôn bán lớn... sản phẩm giả, nhái từ cao cấp đến bình dân ngang nhiên xuất hiện. Kẻ sản xuất, người kinh doanh hàng nhái, hàng giả không từ bất cứ sản phẩm nào, miễn là sản phẩm đó mang lại lợi nhuận cao cho họ. Các mặt hàng kim khí, điện máy, thời trang, sản phẩm trong ngành xây dựng... đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như mỹ phẩm, sữa, thuốc tân dược, nước uống, rượu, thực phẩm... đều được làm nhái hoặc giả hoàn toàn.
Tiêu hủy hàng điện tử nhái - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Không ít người tiêu dùng (NTD) đã "cười đau khóc hận" khi phải mất tiền triệu để mua về một chai rượu "ngoại" mà khi sử dụng mới biết trong đó chỉ là cồn, màu và hương liệu. Đáng sợ hơn là tân dược, sữa bột dinh dưỡng mà thành phần chính là... tinh bột, làm cho người mua phải chịu cảnh "tiền mất tật mang". Những chiêu nhái thực phẩm, nước uống có thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, sữa Vinamilk, nước uống La vie... cho đến các nhãn hiệu mỹ phẩm, sản phẩm thời trang nổi tiếng trong nước và nước ngoài là chuyện từng xảy ra. Dù các cơ quan chức năng đã sờ gáy những người sản xuất và mua bán các loại hàng nhái hàng giả, song, đến nay "bổn cũ" kiểu này vẫn "soạn lại".
Hàng giả, hàng nhái không chỉ lường gạt được những NTD nhẹ dạ cả tin mà ngay cả một số người có kiến thức mua sắm đôi khi cũng bị lừa. Công nghệ làm hàng nhái hàng giả hiện nay đạt đến "đỉnh cao". Thậm chí, tem chống hàng giả cũng bị làm giả mà nhìn bằng mắt thường khó nhận ra. Điển hình, cơ quan quản lý thị trường TP.HCM từng kiểm tra 142 chai rượu ngoại trên đường Hải Triều với trên 70% số chai dán tem nhập khẩu giả nhưng cơ quan này xác nhận là "khó nhận ra bằng mắt thường". Theo một cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết.
Bảo vệ người tiêu dùng bằng cách nào?
Bà Trần Thị Sương, Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ từng than thở rằng: "Mua và sử dụng phải hàng giả, hàng nhái NTD khổ trăm đường". Họ khổ vì không những vớ phải những sản phẩm kém chất lượng mà còn "đau" hơn là mất số tiền lớn cho món hàng "dỏm". Chúng ta có nhiều cơ quan chức năng với nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái, thế nhưng mặt hàng này vẫn tung hoành trên thị trường. Một số người cho rằng, lực lượng của các cơ quan này mỏng, một trong những lý do làm cho hiện tượng này vẫn còn tồn tại trên thị trường.
NTD phải quyết liệt hơn trong việc tham gia chống hàng nhái, hàng giả, bởi đó cũng chính là bảo vệ quyền lợi của chính mình. Thực tế không ít NTD Việt vẫn có tư tưởng dĩ hòa vi quý nên ngại khiếu nại, thưa kiện khi mua phải hàng giả. Một lãnh đạo của Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng từng so sánh: "Ở Pháp, một năm có tới 200.000 đơn kiện của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, còn ở Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn khoảng 1.000 đơn". Hiện nay, nếu mua hay phát hiện hàng giả hàng nhái, NTD có thể liên hệ Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra bộ khoa học công nghệ… tham gia xử lý. NTD cũng có thêm "lỗi" trong việc để cho hàng nhái, hàng giả "sống". Đó là tư tưởng sính ngoại, sính hàng hiệu. NTD cũng cần trang bị kiến thức để nhận diện hàng nhái, hàng giả so với hàng thật là điều hết sức cần thiết.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần có những biện pháp nhằm hạn chế nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường như cung cấp thông tin cần thiết về sản phẩm doanh nghiệp, thông tin nhãn mác rõ ràng... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tổ chức các buổi gặp gỡ, hội thảo với NTD để chia sẻ thông tin, cách nhận biết sản phẩm…
Hàng giả, hàng nhái không chỉ làm hại NTD mà còn làm giảm uy tín, gây thiệt hại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và thất thu thuế cho nhà nước. Bởi vậy, doanh nghiệp, NTD và toàn xã hội cần phải chung tay dẹp bỏ thị trường hàng giả, hàng nhái.
Một vài mẹo nhận biết hàng thật Nước uống: Cần đọc kỹ nhãn hiệu để biết hàng thật hàng nhái. Đừng mua nước uống nhái nhãn hiệu nổi tiếng kiểu lập lờ tên, kiểu chai, nhãn mác na ná nước uống thật. Thương hiệu nước uống có uy tín bao giờ cũng công bố đầy đủ chi tiết trên vỏ chai theo quy định. Rượu nhập khẩu: Nhận biết tem chống giả thật hay giả bằng các cách sau: Thấm nước lên tem, dùng bút dạ quang bôi lên phần trắng của tem, hoặc dùng ánh đèn huỳnh quang (hoặc đèn của bút thử tiền) chiếu vào phần trắng của tem để hiện lên thương hiệu in chìm. Ngoài ra cần quan sát kỹ số sê ri trên tem của nhiều chai rượu trên một quầy kệ, nếu có số sê ri trên tem liền nhau, theo thứ tự thì có thể yên tâm. Thiên Thảo (tổng hợp) |
Ý kiến người tiêu dùng Không có chuyện hàng hiệu chính cống mà giá rẻ bất thường. Vì thế, nếu bạn nghe người bán quảng cáo hàng hiệu giá rẻ thì cần cảnh giác. Trước khi quyết định mua món hàng hiệu tôi thường tìm hiểu kỹ sản phẩm đó. Để yên tâm bạn có thể nhờ một người sành mua sắm hàng hiệu đi cùng để không bị lừa. Tuy nhiên, tôi còn nghĩ rằng, bệnh "sính" hàng hiệu cũng có thể làm bạn quay cuồng vì nó. Hàng Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm tốt mà rẻ, sao lại không xài. (Anh Vũ Tuấn Sĩ - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng) Thật sự muốn mua được mỹ phẩm tốt NTD cũng phải "thông minh", vì tôi thấy mỹ phẩm ngoại nhập, thậm chí cả trong nước cũng bị làm giả, làm nhái tràn lan. Có người bạn sành mua mỹ phẩm còn khẳng định với tôi rằng: hơn 80% mỹ phẩm ngoại nhập là hàng giả. Mua mỹ phẩm, chọn người bán hàng quen, uy tín, hoặc vào các trung tâm thương mại lớn . (Diễn viên Cát Tường) Quang Viên (ghi) |
Danh sách bạn đọc tham gia ý kiến được tặng quà 1. Nguyễn Thị Tài: 490/43/2 Lý Thái Tổ, P.10, Q.10, TP.HCM. Điện thoại: 01635239616. 2. Nguyễn Thị Kim Anh: Số 10 (lầu 2), Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM. ĐT: 0903 912 508. 3. Lý Văn An - Kỹ sư cơ khí, TP.HCM: 276/29/45/1 Mã Lò, Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM. 4. Phạm Thị Trang: Trường tiểu học Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. 5. Bác sĩ Nguyễn Tấn An: Phòng khám đa khoa Phước An, 221 Giải Phóng, huyện Krong Pac, tỉnh Đắk Lắk. 6. Nguyễn Thị Kim Nga: Núi Thành, Quảng Nam. 7. Nguyễn Hồng Thanh: 101/A13 Quang Trung, Q.Gò Vấp. 8. Nguyễn Ngọc Thảo Trâm: 100/10 Đất Thánh, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM. 9. Trần Thị Lụa: 261 Hoàng Hữu Nam, P. Tân Phú, Q.9, ĐT: 0906 196864. 10. Bùi hồng Thụy: Q.Gò Vấp, TP.HCM. Độc giả tại TP.HCM vui lòng nhận quà vào lúc 9 giờ sáng ngày 3.3.2012 tại Tòa soạn Báo Thanh Niên - 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Các độc giả ở tỉnh vui lòng liên hệ trực tiếp với Báo Thanh Niên để được hướng dẫn cách nhận quà. ĐT: 08.38322295. Để thuận lợi cho công tác quản lý, độc giả có tên vui lòng nhận quà trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Chúng tôi sẽ không giải quyết các trường hợp nhận quà sau thời gian này. |
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng thông minh cho chuyên mục và gửi về hộp mail nguoitieudungthongminh@thanhnien.com.vn. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay sẽ nhận được một phần quà từ nhà tài trợ Tân Hiệp Phát. |
Quang Viên