Cạnh tranh không nổi với giết mổ lậu, nhiều lò giết mổ hiện đại đã chết yểu và hậu quả là thực phẩm bẩn tiếp tục bành trướng thị phần.
Chết yểu
|
''Họ chỉ cần đầu tư mấy con dao, cái chảo đun nước, chiếc xe máy cà tàng và một mặt bằng nho nhỏ là có ngay một lò mổ thủ công'' - Ông Lê Đình Phượng, Giám đốc Công ty Foodex |
|
Giới kinh doanh thực phẩm tươi sống tại TP.HCM vừa cho biết có thêm một doanh nghiệp rao bán nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm. Đây là nhà máy quy mô lớn đặt ở khu vực lân cận TP.HCM với vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng vẫn gặp quá nhiều khó khăn. Cho đến khi rao bán, nhà máy này đưa vào hoạt động chưa lâu. Trước đó, cuối năm 2011, Công ty Phú An Sinh, một thương hiệu thực phẩm nổi tiếng, cũng phải rao bán nhà máy để trang trải nợ nần. Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - tiết lộ ở các địa phương khác, như Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã có một số nhà máy đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại đóng cửa.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Hà Nội. Theo ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện đã có nhiều lò mổ được xây dựng hiện đại, công suất giết mổ lớn nhưng hoặc phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do không cạnh tranh nổi với các lò nhỏ lẻ.
Lò mổ đóng trên địa bàn huyện Đan Phượng của Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex) là một ví dụ. Giám đốc Lê Đình Phượng cho biết đã đầu tư 30 tỉ đồng xây dựng lò mổ với dây chuyền giết mổ hiện đại, công suất lên tới 1.800 con/ngày. Thế nhưng, hiện trung bình mỗi ngày lò chỉ giết thịt được 70 - 80 con. "Chúng tôi không cạnh tranh nổi với các lò giết mổ chui. Họ chỉ cần đầu tư mấy con dao, cái chảo đun nước, chiếc xe máy cà tàng và một mặt bằng nho nhỏ là có ngay một lò mổ thủ công. Đầu tư thấp nên giá thành tại các lò này thấp hơn so với giá của chúng tôi. Tại lò mổ thủ công, người ta có thể đưa heo không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch thú y, thậm chí cả heo bệnh vào giết mổ. Lò thủ công thường nằm len lỏi trong các ngõ phố, tiện đi lại, gần hơn so với lò giết mổ của chúng tôi hàng chục cây số. Vì thế, người ta vẫn "ưa chuộng" lò thủ công", ông Phượng nói.
Khu giết mổ hiện đại của Công ty TNHH Minh Hiền cũng chịu chung cảnh ngộ. Phó giám đốc Nguyễn Thị Hiền cho biết công ty đã đầu tư tổng cộng 70 tỉ đồng để xây lò bao gồm khu giết mổ thủ công và khu giết mổ hiện đại. Khu giết mổ hiện đại được lắp dây chuyền tự động với công suất 1.000 con heo/ngày, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, mỗi ngày khu giết mổ này cũng chỉ thịt được trên dưới 100 con. "Khu giết mổ thủ công có công suất 2.500 con/ngày được khách hàng ưa chuộng hơn nhưng mỗi ngày mới chỉ cắt tiết, làm lông, xẻ thịt được khoảng 1.500 con", bà Hiền nói.
|
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng thực trạng có quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có tới trên 60% các mẫu thịt đang bày bán trên thị trường nhiễm vi sinh và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. "Chính các lò mổ không đảm bảo vệ sinh thú y đã khiến thịt nhiễm vi sinh, dịch bệnh cũng từ đây mà ra", ông Phát bức xúc. |
|
Hàng lậu "nhậu" hàng sạch
Nguyên nhân đầu tiên khiến giết mổ lậu "đè" giết mổ sạch là giá. Với suất đầu tư như phân tích trên, hàng giết mổ lậu rẻ hơn khá nhiều so với thịt sạch từ các lò giết mổ hiện đại. Theo tính toán của ông Châu Nhựt Trung - Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, thịt gia cầm lậu rẻ hơn thịt sạch ít nhất 7.000 đồng/kg nên nhiều tiểu thương thích mua hàng lậu.
Không chỉ đè về giá, thịt sạch còn bị "đè" cả về lượng. Tại một cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phạm Văn Đông cho biết có tới 97% trong tổng số 30.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên cả nước là điểm giết mổ nhỏ lẻ. Số cơ sở hoạt động không có giấy phép rất lớn, nhiều nơi lên tới 70% bất chấp hoạt động giết mổ là loại hình kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy phép. Trong khi đó, lực lượng thú y mới chỉ kiểm soát được 27% số lò mổ. Kết quả kiểm tra mới nhất tại 1.523 cơ sở giết mổ ở 21 tỉnh thành cho thấy có tới 55% không đảm bảo vệ sinh thú y.
Còn theo ghi nhận thực tế trên thị trường, thịt sạch được đóng gói bao bì, kiểm dịch đầy đủ không cạnh tranh nổi với thịt trôi nổi. Đặc biệt là chợ lẻ, chợ cóc thì thịt bẩn áp đảo, đất sống cho thịt sạch rất khiêm tốn. Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Thú y H.Bình Chánh - cho biết đội Bình Chánh nói riêng, lực lượng thú y TP.HCM nói chung liên tục phát hiện, xử lý các điểm giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trôi nổi. Loại thịt bẩn này chủ yếu tiêu thụ ở chợ lẻ, chợ cóc, quán ăn, nhưng nhiều nhất là các cơ sở chế biến lạp xưởng, chả lụa chui.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là thói quen và tâm lý người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, người dân vẫn thích mua thịt ở các chợ cóc, chợ tạm cho tiện lợi nên phần lớn thịt giết tại lò thủ công tuồn hết về đấy. Thịt giết mổ ở lò hiện đại thường chỉ có mặt ở các siêu thị, sức tiêu thụ thua xa so với ở ngoài chợ. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, khẳng định giết mổ lậu sống khỏe là một phần do chi phí thấp, một phần do người dân còn thói quen dùng thực phẩm trôi nổi.
Nạn giết mổ lậu gia cầm, gia súc tràn lan ngày càng gây khó khăn cho các nhà máy giết mổ công nghiệp - Ảnh: Hoàng Việt - Đ.N.T
|
Quang Duẩn - Hoàng Việt