Đưa ra các quy định trái thẩm quyền, trái luật, hạn chế quyền của công dân là ý kiến của nhiều cơ quan chức năng đối với quyết định tạm "cấm cửa" dân nhập cư của Đà Nẵng.
Ngày 28.2, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo kết quả kiểm tra Nghị quyết số 23 của HĐND TP.Đà Nẵng. Văn bản này được lập trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan T.Ư gồm: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an và nhiều cục, vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp. Theo văn bản này, hầu hết các cơ quan chức năng kể trên đều nêu rõ quan điểm không đồng tình với nhiều quy định trong nghị quyết của Đà Nẵng.
Đối với quy định hạn chế nhập cư, ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định "tạm dừng" đăng ký cư trú đối với các công dân có đủ điều kiện theo quy định (có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên). Do đó, quy định của HĐND TP.Đà Nẵng là "không có cơ sở pháp lý và trái với quy định pháp luật về cư trú".
Trước các viện dẫn của Đà Nẵng về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, cũng như quy định trên đưa ra chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ hướng dẫn của T.Ư về luật Cư trú, ông Luyến cho rằng: "Có nhiều biện pháp để phân bổ dân cư nhưng bất cứ biện pháp nào cũng phải tuân thủ luật Cư trú".
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng việc HĐND TP.Đà Nẵng đặt ra quy định nói trên là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Ông Đặng Đình Luyến và đại diện Bộ Công an nói rằng việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự cũng không đúng nếu các đối tượng này không thuộc diện bị cấm cư trú hoặc quản chế.
Qua mặt trung ương
Ngoài nội dung hạn chế người nhập cư, các cơ quan nói trên cũng chỉ ra hàng loạt nội dung trong Nghị quyết 23 của Đà Nẵng không phù hợp với quy định pháp luật. Theo đó, quy định tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không có cơ sở pháp lý và không đúng thẩm quyền. Vì theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền này thuộc Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tương tự, tháng 6.2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, quy định thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm là 90 ngày. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng quy định chỉ giữ phương tiện 60 ngày là vừa không đúng thẩm quyền, vừa trái với quy định của Chính phủ. Nghị quyết 23 còn thể hiện một số nội dung về "nghiêm cấm chuyển nhượng chung cư cho người khác" để điều chỉnh một số đối tượng, lĩnh vực nhất định nhưng câu chữ không rõ ràng gây ra sự nhầm lẫn cho người dân.
Trong văn bản này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị HĐND TP.Đà Nẵng kiểm tra và xử lý ngay đối với những nội dung trái luật nêu trên.
Một số quy định bị cho là trái luật Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2012 của thành phố Đà Nẵng được HĐND thành phố thông qua ngày 23.12.2011. Tại điểm 9 khoản 3 điều 1 quy định: "Tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án tiền sự". Tại điểm 6 khoản 3 điều 1 quy định: "Tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ…". Điểm 9, khoản 3, điều 1 quy định: "Đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày". Điểm 4 khoản 3, điều 1 quy định: "Từ năm 2012 nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi". |
Thái Sơn